Tai nạn lao động: Ngành xây dựng chiếm 24%

TPO - Đây là những con số đưa ra tại Lễ phát động hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) ngành Xây dựng lần thứ nhất do Bộ Xây dựng phối hợp với Công đoàn Xây dựng Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng Hà Nội tổ chức sáng 9/5 tại Hà Nội.

Cụ thể, thống kê năm 2016 từ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho thấy, số tai nạn lao động trong lĩnh vực xây dựng đã giảm. Năm 2015, số vụ tai nạn lao động thuộc lĩnh vực xây dựng chiếm 35% tổng số vụ tai nạn lao động trong cả nước với tỷ lệ người chết chiếm tới 37%. Tuy nhiên, sang năm 2016, các con số này đã giảm lần lượt là 23% và 24%.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng khẳng định, trong lĩnh vực thi công công trình, nơi có hàng chục vạn lao động làm việc, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn lao động đã và đang được quan tâm. Thực tế, lĩnh vực xây dựng có nhiều đặc điểm, đặc thù riêng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động. Một số sự cố mất an toàn trng thi công lao động đã xảy ra, điển hình là sập dàn giáo tổ hợp công trình tại thành phố Đà Nẵng, sập dàn giáo tại Vũng Tàu… khiến nhiều người thương vong.

“Những thiệt hại này để lại thiệt hại lâu dài cho người lao động và cả gia đình họ và xã hội, thiệt hại vật chất cũng như tiến độ công trình”, Thứ trưởng Lê Quang Hùng nói.

Chia sẻ về vấn đề an toàn lao động trên các công trình xây dựng, ông Ngô Lâm, Phó Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, hiện nay, ngành xây dựng là một trong những ngành, trong đó có nhà thầu, chủ đầu tư thực hiện nhiều công trình thi công xây dựng trên cả nước. Công việc xây dựng là một trong những việc có nguy cơ cao về mất an toàn thi công xây dựng. Trước đây, tỷ lệ mất oan toàn trong thi công xây dựng rất cao so với các ngành kinh tế khác. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ đã giảm.

Theo ông Lâm, đối với các nhà thầu làm cho điều kiện người lao động có điều kiện làm việc tốt hơn. Việc đầu tư cho công tác an toàn được quy định đầy đủ các văn bản nhà nước, không chỉ nhà thầu nước ngoài mà cả nhà đầu tư trong nước. Tỷ lệ kinh phí cho đảm bảo an toàn lao động trên công trường được tính vào chi phí chung. Trong các xây dựng văn bản pháp luật đã tính toán đảo bảo phù hợp. Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu quy định đảm bảo chi phí tốt hơn nữa cho người lao động.

Ông Lâm nhấn mạnh,nguyên nhân các sự cố mất an toàn lao động trên công trình vẫn xuất phát từ con người, chính con người không tuân thủ quy định an toàn. Để tiếp tục tăng cường ta phải nâng cao ý thức chủ thể, để làm giảm thiểu tai nạn công trình.

Ngoài ra, ông Lâm cho biết thêm, công tác kiểm tra về quản lý an toàn thi công xây dựng được quan tâm nhiều năm nay. Liên tục có quy định về vai trò từng đơn vị. Và sắp tới, Bộ và các đơn vị cần phải có điều tra, rà soát thường xuyên, liên tục để giảm thiểu tai nạn.

MỚI - NÓNG