Tai nạn lao động như… “cơm bữa”

Tai nạn lao động như… “cơm bữa”
TP- Tại TPHCM, mỗi ngày có hàng chục vụ tai nạn lao động xảy ra, trong khi không ít doanh nghiệp vẫn làm ngơ với trang bị bảo hộ cá nhân cho người lao động...

Ngày 18/3, chúng tôi có mặt tại Khoa Cấp cứu và Vi phẫu tạo hình Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM, nơi đây đông nghịt người vì số ca tai nạn do lao động (TNLĐ) cấp cứu liên tục nhập viện.

Theo ước tính của hai khoa này, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận hơn 20 ca cấp cứu vì TNLĐ, chủ yếu là tai nạn do xây dựng, điện và do các thiết bị máy móc gây ra.

Bác sĩ Trần Thanh Mỹ- GĐ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM cho biết: Số ca TNLĐ mỗi năm cứ tăng lên liên tục.

Nếu như năm 2004 bệnh viện tiếp nhận gần 5.000 trường hợp do TNLĐ thì năm 2007 tiếp nhận gần 7.000 ca, trong đó, có hơn 3.000 trường hợp điều trị nội trú do những hậu quả nặng nề từ TNLĐ.

Tại khoa Vi phẫu ngày 18/3, vẫn còn hơn 30 bệnh nhân do TNLĐ đang ở lại điều trị. Nhiều nhất là các trường hợp bị TNLĐ làm đứt lìa tay, chân và chấn thương phần cơ xương.

Theo các bác sĩ khoa vi phẫu, ngày 15/3 vừa qua, nơi đây tiếp nhận liên tục 2 ca bị tai nạn làm đứt lìa tay và gãy xương hông, xương khuỷu tay phải phẫu thuật cấp cứu.

Trường hợp của anh Lê Đình Long, 20 tuổi ở quận 12, TPHCM khiến nhiều người kinh hoàng do khi đang cưa gỗ nhưng không mang bảo hộ bị máy cưa “nuốt” luôn bàn tay trái, làm đứt lìa.

Một trường hợp khác là anh Nguyễn Văn Hoàng, 30 tuổi là công nhân của một công ty xây dựng ở quận Tân Bình, cũng phải nhập viện do đa chấn thương phần cơ và xương.

Trong khi đó, tại Khoa cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày nào cũng tiếp nhận trên 5 trường hợp bị TNLĐ do điện giật và bỏng.

Theo bác sĩ Tôn Thất Quỳnh Ái - Trưởng Khoa cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy thì hầu hết các ca đến cấp cứu đều rất nặng do họ không được bảo hộ lao động kỹ càng.

Nhiều doanh nghiệp làm ngơ!

Tai nạn lao động ngày càng diễn ra phức tạp như vậy, nhưng theo báo cáo của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM đầu tháng 3/2008, từ năm 2007 đến nay chỉ có 534 đơn vị, cơ sở trong tổng số hơn 100.000 doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn thành phố báo cáo thống kê TNLĐ định kỳ theo quy định của Nhà nước. 

Theo ông Trần Trung Dũng- Phó GĐ sở này thì trong năm 2007, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP đã xảy ra hàng trăm vụ TNLĐ làm 89 người chết.

Phân tích nguyên nhân xảy ra TNLĐ, ông Dũng cho biết có 28/89 vụ do thiết bị không đảm bảo an toàn; 19/89 vụ do vi phạm quy trình, biện pháp làm việc an toàn; 15/89 vụ do không có quy trình, biện pháp làm việc an toàn; 8/89 vụ do điều kiện làm việc không an toàn; 5/89 vụ do không có phương tiện bảo vệ cá nhân; còn lại là do người lao động bất cẩn trong khi làm việc và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, không được huấn luyện.

Tuy nhiên, điều khiến nhiều người quan tâm là, số vụ tại nạn do yếu tố điện, ngã từ trên cao, do vật rơi, do máy cuốn, ép và do xe cán, cháy nổ hóa chất, nổ thiết bị áp lực, sét đánh…ngày càng diễn ra nhiều hơn.

Theo ông Dũng, số doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng, công nghiệp, sản xuất cơ khí…luôn tiềm ẩn nguy cơ TNLĐ nhưng hầu hết các doanh nghiệp vẫn làm ngơ.

Bác sĩ Đỗ Khánh Dương- Phó GĐ Trung tâm Sức khỏe lao động môi trường TPHCM cũng thừa nhận, tình trạng doanh nghiệp vẫn vô cảm với tai nạn xảy ra ngày càng nhiều.

Đặc biệt, là các doanh nghiệp không thực hiện pháp lệnh về bảo hộ lao động, không huấn luyện cho lao động của mình về sự an toàn của lao động, khiến lao động ngày một xảy ra nhiều hơn.

Trong hơn 30.000 cơ sở được kiểm tra chỉ chưa tới 15% cơ sở có cán bộ làm công tác bảo hộ lao động.

MỚI - NÓNG