Tai nạn liên miên, đường sắt chi tiền lắp camera

Hiện trường vụ toa tàu NH1 cháy sáng 6/6, với 1 phần toa số 9 cháy sém.
Hiện trường vụ toa tàu NH1 cháy sáng 6/6, với 1 phần toa số 9 cháy sém.
TP - Sáng 6/6, thêm một vụ tai nạn đường sắt xảy ra, khi toa tàu đang có 35 hành khách bỗng dưng chập điện bốc cháy. Để giảm thiểu tai nạn, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) đã chỉ đạo các đơn vị thành viên lắp camera giám sát, với đơn giá dưới 3 triệu đồng/chiếc.

Cụ thể, lúc 5h30 sáng 6/6, tàu khách số hiệu NH1 (Huế - Nha Trang) khi tới ga Hảo Sơn (Phú Yên) tại toa số 8 và 9 đã bất ngờ xuất hiện cháy, khói đen bốc lên. Lập tức, các lực lượng tại chỗ được huy động để chữa cháy. Khi xảy ra sự cố, trên toa thứ 9 có 35 hành khách. Nguyên nhân tai nạn bước đầu được xác định do chập điện. Đây đã là vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng thứ 7 xảy ra kể từ ngày 24/5 tới nay.

Chiều 6/6, trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho biết, khi phát hiện có cháy trên tàu NH1, sau vài phút xử lý đám cháy đã được dập tắt. Toa xảy ra sự cố sau đó đã được cắt để lại ga Hảo Sơn khắc phục, hành khách được chuyển sang các toa khác để tiếp tục hành trình.

Sau hàng loạt tai nạn đường sắt nghiêm trọng, lãnh đạo Cục Đường sắt Việt Nam đã có cuộc kiểm tra đột xuất công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng loạt vi phạm của lao động ngành đường sắt, như nhân viên gác chắn, gác ghi đường sắt uống rượu, ngủ gật khi trực; bố trí học sinh thực tập làm nhiệm vụ gác chắn; một số điểm đường ngang cho người bên ngoài kinh doanh trong phạm vi nhà gác; các đơn vị đường sắt thiếu kiểm tra thường xuyên, hoặc thực hiện kiểm tra không nghiêm túc...

Giải đáp về các sai phạm trên, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR cho rằng, việc kiểm tra nhanh của Cục Đường sắt là thực hiện chỉ đạo của bộ trưởng Bộ GTVT, và kết hợp với tổng công ty. Hiện, đợt kiểm tra sẽ tiếp tục trong tháng 6, 7, 8. Qua kiểm tra, sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kể cả người đứng đầu các đơn vị để xảy ra vi phạm.

Về việc có hay không kỷ cương ngành đường sắt lâu nay bị buông lỏng, nên dù đã có chỉ đạo siết kỷ cương sau hàng loạt tai nạn, khi kiểm tra thực tế vẫn phát hiện sai phạm? Ông Minh nói: “Có phải thói quen hay không thì tôi không bình luận. Thực tế kiểm tra là có sai phạm, sẽ xử lý nghiêm. Ngành đường sắt vẫn kiểm tra thường xuyên công tác an toàn, có thể tác dụng tuyên truyền chưa cao, nên còn tồn tại”.

Về việc lương gác chắn thấp nên trách nhiệm thấp, nhân viên phải đi làm thêm kiếm sống, nên khi lên ca trực trong trạng thái mệt mỏi, ngủ gật... ông Minh cho hay, chưa nhận được những phản ánh như vậy.

Để giảm thiểu tai nạn đường sắt, nâng cao trách nhiệm nhân viên, VNR vừa có văn bản yêu cầu các công ty thành viên lắp đặt camera. Theo đó, VNR yêu cầu các công ty đường sắt (quản lý hạ tầng) lắp đặt 2 camera tại mỗi gác chắn (trong và ngoài nhà gác), với giá trị mỗi camera không quá 3 triệu đồng/chiếc. Đồng thời, các công ty phải đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật tiếp nhận dữ liệu camera đặt tại trụ sở công ty, xây dựng phương án sử dụng, bảo trì. Thời gian hoàn thành lắp đặt camera trong tháng 6/2018.

Với các công ty thông tin tín hiệu đường sắt, VNR yêu cầu, lập phương án lắp đặt hệ thống camera giám sát cho toàn bộ các đường ngang cảnh báo tự động, báo cáo tổng công ty để xem xét và chỉ đạo triển khai thực hiện. Thời gian lắp xong trước ngày 12/6/2018.

Chỉ tính từ 24/5 tới nay, trên hệ thống đường sắt Bắc - Nam đã xảy ra tổng cộng 7 vụ tai nạn nghiêm trọng. Sau các vụ tai nạn, VNR đã đình chỉ công tác 10 cán bộ, nhân viên trực tiếp có liên quan tới các sai sót dẫn tới tai nạn, đồng thời yêu cầu 12 lãnh đạo các đơn vị, bộ phận chức năng chịu trách nhiệm liên đới kiểm điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Bộ GTVT cũng yêu cầu VNR kiểm điểm, xử lý kỷ luật ban điều hành tổng công ty, báo cáo về bộ trước 10/6. VNR cho biết, hạn cuối các đơn vị xử lý kỷ luật báo cáo về tổng công ty là ngày 9/6, nên tới nay chưa có thông tin về xử lý lãnh đạo các đơn vị thành viên.

MỚI - NÓNG