Tai nạn mô tô nước, dù bay: Do địa phương thả nổi?

Mô tô nước vô tư xông vào biển người đang tắm ở Sầm Sơn. ẢNH: TRẦN LÊ.
Mô tô nước vô tư xông vào biển người đang tắm ở Sầm Sơn. ẢNH: TRẦN LÊ.
TP - Khẳng định đã có quy định rõ ràng đối với các sản phẩm du lịch mạo hiểm, nguy cơ ảnh hưởng tới sức khoẻ và tính mạng du khách, ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch trả lời Tiền Phong để làm rõ thêm.

Năm ngoái ông trả lời Tiền Phong về việc soạn thảo Thông tư quản lý du lịch mạo hiểm, vậy Thông tư này đi vào đời sống thế nào thưa ông?

Sau khi xây dựng Luật Du lịch, Thông tư quản lý du lịch mạo hiểm được lồng ghép trong Nghị định 168 quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch năm 2017. Nếu chỉ để các quy định ở Thông tư e không đủ tầm, nên Bộ VHTTDL lồng nội dung đó vào Nghị định Chính phủ, chính là nội dung quy định sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ của khách du lịch tại chương 3, các điều 8, 9, 10 trong Nghị định 168.

Vừa rồi sau tai nạn mô tô nước khiến một người tử vong, Quảng Nam đã cấm dù bay nhưng chưa cấm mô tô nước. Chức sắc của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Quảng Nam cho biết: Dù bay tại Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung hiện đều chưa được cấp phép. Nguyên nhân là Bộ VH-TT&DL chưa có thông tư hướng dẫn, nên các sở chưa thể cấp phép?

Luật rõ rồi không cần Nghị định hướng dẫn vẫn phải thực hiện, huống chi Nghị định sẵn rồi. Quan điểm của Chính phủ là những quy định của luật có thể thực hiện ngay thì đưa vào Nghị định, còn những chi tiết tiểu tiết quá mang tính chất hướng dẫn mới đưa vào Thông tư. Nghị định chỉ nêu khung thôi, mới cần Thông tư hướng dẫn, đằng này Nghị định rõ như ban ngày rồi-yêu cầu làm gì, cho ai, quy định rõ thủ tục, trách nhiệm về sản phẩm du lịch mạo hiểm (trong đó có mô tô nước) thì cần gì phải hướng dẫn nữa. Địa phương nào nói như thế là chưa nắm rõ, vô trách nhiệm và không hiểu về quản lý nhà nước.

Bộ VHTTDL quản lý nhà nước về du lịch, tuy nhiên quy định về phương tiện vui chơi giải trí dưới nước lại thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải. Đây có phải là sự chồng chéo trong quản lý nhà nước, tới nay Bộ Giao thông chưa thể ban hành Nghị định này?

Vừa rồi vụ sai phạm của tàu Hoàng Phương ở Hải Phòng cung cấp dịch vụ kém chất lượng cho du khách Úc tại vịnh Hạ Long, hay chuyện Quảng Ninh cấm tàu Hải Phòng sang vịnh Hạ Long… đều thuộc lĩnh vực đường thuỷ nội địa. Lĩnh vực này có hẳn Luật và Nghị định đường thuỷ nội địa, tuy nhiên lại chưa có Nghị định hướng dẫn thực hiện phương tiện vui chơi giải trí trong lĩnh vực du lịch, thể thao. Chính vì thế ngay sau các vụ chìm tàu ngủ đêm trên vịnh Hạ Long, Tổng cục Du lịch, Bộ VHTTDL có văn bản đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Nghị định về các hoạt động vui chơi giải trí thể dục thể thao dưới nước. Vướng mắc lớn nhất ở chỗ đây là Nghị định thuộc loại “không đầu” tức không có Luật, Bộ Giao thông vận tải rất lúng túng. Bộ trình Chính phủ dự thảo nhưng nhận được phản hồi phải xin ý kiến Ban Thường vụ Quốc hội-đủ thẩm quyền nhất trí thông qua Nghị định dạng này.

Trong lúc chờ đợi Nghị định này, theo ông địa phương có đến mức gặp khó khăn quá khi quản lý các hoạt động vui chơi giải trí dưới nước, ứng phó với các trường hợp bị nạn?

Theo tôi không khó. Vui chơi giải trí dưới nước là một phần thể thao mạo hiểm-được Bộ VHTTDL có thông tư hướng dẫn, du lịch mạo hiểm có Nghị định 168 hướng dẫn. Vấn đề địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong quản lý và xử lý sai phạm.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.