Tai nạn sập lò: Tường trình từ Mông Dương

Tai nạn sập lò: Tường trình từ Mông Dương
TP - Nước ở trên trút xuống, nước ở lò cũ ào ra cùng hàng trăm tấn than... Trong 37 người của ca 2 đi lò giếng lúc đó, 21 người ở khu vực có sự cố. 5 người đã vượt được ra ngoài, còn 16 người kẹt trong các đoạn lò bị sập khác nhau.

Tại công trường khai thác 3, ở vỉa số 2, cao trình từ –80 đến +16, thuộc Cty than Mông Dương (Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam) trên địa bàn thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, vào lúc 17 giờ 40 phút ngày 31/3/2006, khi công nhân lò khoan thăm dò để đào thông gió, đã xảy ra một sự cố: Một túi nước lớn bị bục, làm sập ở các đoạn khác nhau khoảng 80 mét lò.

Tai nạn sập lò: Tường trình từ Mông Dương ảnh 1
Lực lượng cứu hộ đưa một công nhân bị nạn ra khỏi hầm lò. Ảnh: Tuổi trẻ Online

Kíp làm việc 37 người, khi sập lò 16 người bị kẹt, cứu sống được 12 người, 4 người thiệt mạng.

Công tác cứu hộ đã được triển khai gấp với phương tiện kỹ thuật tốt nhất, thợ cứu hộ giỏi nhất với sự chỉ huy tập trung nhất, do trực tiếp Tổng Giám đốc Tập đoàn Than và Khoáng sản VN Đoàn Văn Kiển chỉ huy.

Tổng số tham gia cứu hộ khoảng 1 nghìn người, trong đó có các thợ cứu hộ giỏi nhất ở các mỏ hầm lò Thống Nhất, Khe Chàm, Dương Huy… và Trung tâm cấp cứu mỏ. Hai kíp thợ thay nhau làm 3 ca, đào lò từ hai phía tới. Việc đầu tiên là phải bơm được không khí vào lò.

Túi nước đọng là do nạn than thổ phỉ

Cuối giờ chiều qua (2/4), kết thúc cuộc tìm kiếm cứu nạn, Tổng Giám đốc Tập đoàn CN Than và Khoáng sản Việt Nam Đoàn Văn Kiển cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự cố sập hầm lò gây nên tai nạn thảm khốc này là do túi nước đọng do than thổ phỉ đào trước đó khoảng 10 năm.

Ông Kiển cũng khẳng định, tai nạn này là bất khả kháng vì vậy cần quyết liệt hơn trong việc dẹp than thổ phỉ.  

Lam Khê

“Hãy hình dung là tất cả anh em đều còn sống. Việc của chúng ta là phải cứu họ thật nhanh”. Mệnh lệnh của Tổng chỉ huy chiến dịch Đoàn Văn Kiển phát ra, được các lực lượng cứu hộ triển khai ngay.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Tấn Dũng có mặt tại Phòng trung tâm chỉ huy cứu hộ đã nối được điện thoại xuống lò giếng qua cả hai đầu cứu hộ để động viên anh em. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hoàng Trung Hải cũng có mặt tại hiện trường.

Đây là một đường lò chuẩn, vỉa than mỏng, chỉ từ 2,2 đến 2,5 mét, ít than, vách cứng, lại chống cột thủy lực, nếu lò sập, cột lò chỉ biến dạng, cột trụ không gẫy, do đó có khoảng trống ở trong để thợ dễ xoay xở.

Khoảng 1 giờ sáng ngày 1/4/2006, 2 thợ lò đã tử nạn được đưa ra. Đó là các anh Nguyễn Mạnh Hùng và Nguyễn Thành Vinh.

Việc đào lò cứu hộ càng được làm khẩn trương, vì thỉnh thoảng lại nghe thấy tiếng gõ vào cột thủy lực ở trong lò sập vọng ra. Những anh em bị kẹt trong lò, đề phòng có thể vài ba ngày sau mới cứu được mình, nên đã tích nước uống được cho vào ủng, tiết kiệm đèn lò soi sáng và phân công thay nhau ra chỗ có chút hơi gió để thở, đồng thời góp phần đào bới ở bên trong để các đoạn lò sập thông được cho nhau.

Tai nạn sập lò: Tường trình từ Mông Dương ảnh 2
Chờ tin người thân từ hầm lò bị sập  ảnh: Lam Khê

Đến 10 giờ 55 ngày 1/4/2006, 6 người thợ được đưa ra khỏi lò là Đỗ Văn Thành, Ngô Văn Mão, Nguyễn Văn Thắng, Bùi Ngọc Dương, Nguyễn Kim Huyên, và Nguyễn Văn Chinh.

8 giờ 15 ngày 2/4/2006, 6 người thợ khác lại được đưa ra là các anh Hoàng Văn Định, Phùng Văn Trường, Phạm Xuân Mùi, Nguyễn Tấn Sang, Đoàn Văn Bẩy. Lần lượt các anh được khám sơ bộ ở trong ga, một khuôn viên lớn rộng ở trong lòng đất, được ăn cháo và uống sữa, sau đó các nhân viên cứu hộ đưa lên cửa lò qua thang máy.

Chúng tôi có mặt ở hiện trường lúc đó, có anh cười tươi, giơ tay vẫy chào mọi người trong tiếng reo hò, chào mừng của hàng trăm thợ lò. Nhiều người khóc vì cảm động.

Kiên quyết đình chỉ khai thác tận thu than

UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Công văn số 947/UBND do Chủ tịch Vũ Nguyên Nhiệm ký, yêu cầu đình chỉ việc tận thu than của 5 tổ chức và 2 hộ gia đình trên địa bàn thị xã Cẩm Phả, trong đó có Cty cổ phần Thiên Nam. Theo công văn này, từ ngày 3/4/2006, Chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả tạm dừng điều hành các công việc khác, cùng Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, Giám đốc Công an tỉnh, Chánh thanh tra tỉnh và các lực lượng chức năng, tập trung thực hiện dứt điểm việc dẹp bỏ tận thu than. Đặc biệt với Cty cổ phần Thiên Nam, nếu vẫn tiếp tục sai phạm, sẽ thu hồi đất đã cho thuê. 

P.V

Đến 10 giờ 40 phút cùng ngày, nhân viên cứu hộ điện lên Trung tâm là đã sờ được vào người thợ cuối cùng ở cột lò 115.

Sau đó thông báo là anh đã chết. Hai người thợ cuối cùng tử nạn là Nguyễn Kim Giang và Ngô Văn Tuyền.

Như vậy, sau 35 giờ, việc cứu hộ đã được hoàn thành. Những tổn thất đã được hạn chế. Hiện nay, những thợ lò thoát nạn đang được chăm sóc chu đáo và 4 thợ lò tử nạn đã được đưa về chôn cất theo yêu cầu của gia đình.

Tập đoàn than và Khoáng sản VN, Cty Than Mông Dương đã giải quyết tốt các chế độ, quan tâm giúp đỡ các gia đình nạn nhân, rút kinh nghiệm sâu sắc về an toàn lao động, động viên cán bộ công nhân tiếp tục sản xuất đạt 2 triệu tấn than năm 2006.

MỚI - NÓNG