Tai nạn tàu E1: Quá tốc độ hay sự cố đường ray?

Tai nạn tàu E1: Quá tốc độ hay sự cố đường ray?
(TPO) Theo báo cáo nhanh của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, tính đến 9 giờ sáng 13/3, đã có 11 người chết và hơn 70 người bị thương trong vụ tai nạn tàu E1. Hiện nguyên nhân đang được làm rõ.

Theo ông Nguyễn Tiến Hiệp - Phó Văn phòng Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, nguyên nhân dẫn đến tai nạn của tàu E1 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục được điều tra nên hiện giờ chưa thể khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, rất có nguyên nhân đổ tàu là do tàu va chạm với đá trên đường ray.

Ông Hiệp cũng khẳng định, hoặc do lái tàu điều khiển tàu chạy quá tốc độ (tốc độ quy định tại nơi xảy ra tai nạn là 40km/giờ), hoặc có vấn đề về đường ray chứ hoàn toàn không có chuyện trục trặc về kỹ thuật. Bởi lẽ, trước khi khởi hành, tàu E1 đã phải trải qua quy trình kiểm tra từ 5 giờ sáng đến trước giờ khởi hành (23 giờ đêm) tại trạm chỉnh vị.

Ông Hiệp cho biết, tàu E1 chạy tuyến Hà Nội- TP Hồ Chí Minh (30 giờ) được đưa vào sử dụng từ năm 2002. Đây là sự cố nghiêm trọng đầu tiên của loại tàu nhanh E1.

Đầu tàu E1 là loại đổi mới được nhập khẩu từ Trung Quốc (chưa xác định được năm 2002 hay 2004). Các toa xe được sản xuất tại Việt Nam.

Theo quy định, tốc độ tối đa cho phép trên toàn tuyến đối với tàu E1 là 90 km/giờ. Tại nơi xảy ra tai nạn, theo qui định tàu chỉ được phép chạy 40 km/giờ.

Không những vậy, tại các ga chính tàu dừng đón trả khách như Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang…các nhân viên vẫn tiếp tục phải kiểm tra tình trạng "sức khỏe" của tàu. Vì vậy, “nếu có vấn đề về kỹ thuật, tàu đã không được phép lăn bánh” - Ông Hiệp khẳng định.

Theo ông Lê Quốc Hùng - Chánh VP CA tỉnh Thừa Thiên -  Huế, hiện chiếc hộp đen trên tàu đã được tìm thấy. Nguyên nhân gây tai nạn cũng như mọi diễn biến trước tai nạn sẽ được làm sáng tỏ khi  phân tích chiếc hộp đen này.

Theo thông tin của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, trong số 11 người chết, hơn 70 người bị thương có 3 nhân viên đường sắt phục vụ trên tàu bị trấn thương nhẹ (hiện chưa xác định được danh tính). Trưởng tàu Khoa và người lái tàu tên Sơn không bị thương nhẹ, nhưng hiện giờ vẫn chưa liên lạc được với họ.

Đại diện của Tổng Cty Đường sắt Việt Nam cho biết, những nạn nhân thiệt mạng sẽ được trả bảo hiểm với mức 30 triệu đồng/nạn nhân. Còn với những người bị thương phải điều trị, Cty sẽ trả bảo hiểm dựa trên mức viện phí trong suốt thời gian điều trị. Trước mắt, Tổng Cty Đường sắt Việt Nam sẽ hỗ trợ toàn bộ tiền đi lại, vận chuyển các nạn nhân tử nạn về địa phương trong thời gian ngắn nhất.

Đây là vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng nhất kể từ năm 1991 đến nay. Năm 1991, tại Khe Nét (Quảng Bình), vụ tai nạn đổ tàu đã làm 3 người thiệt mạng.

Năm 2002, một vụ tai nạn tàu S1 tương tự ở Quảng Bình đã cướp đi sinh mạng của 2 người. Được biết, nguyên nhân của vụ tai nạn đó là do người điều khiển tàu vượt quá tốc độ cho phép.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.