Tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt: Ngư dân không mặn mà với biển

Lên bờ tìm kế sinh nhai khi biển không còn là chỗ dựa
Lên bờ tìm kế sinh nhai khi biển không còn là chỗ dựa
TP - Những năm gần đây, nguồn lợi thuỷ sản trên vùng biển Tây Nam dần cạn kiệt dẫn đến đời sống người dân trở nên khó khăn. Nhiều người không còn mặn mà với nghề biển, thậm chí đổi nghề, tha phương cầu thực.

Cả đêm chỉ câu được… 3 con mực

Thổ Chu (xã Thổ Châu, Phú Quốc, Kiên Giang) là một vùng ngư trường rộng lớn, hội tụ ngư dân từ miền Trung vào đánh bắt. Trước đây, vùng này lắm cá nhiều tôm, thậm chí nhiều tàu Thái Lan qua khai thác trái phép bị Việt Nam bắt giữ. Tuy nhiên, hiện nay nguồn lợi thủy sản đang ngày càng cạn kiệt khiến đời sống người dân càng khó khăn. Một ngày đầu tháng 5, phóng viên Tiền Phong đã ra khơi cùng ngư dân để cảm nhận được nỗi niềm của họ.

“Hai cha con tôi đi 4 ngày về bán được hơn 3 triệu đồng, trừ chi phí xăng dầu, ăn uống, còn trên triệu đồng. Bây giờ biển động phải quay về nhà đợi khi nào yên mới dám ra khơi trở lại”, ông Nguyễn Thanh Mãi, ngư dân trên đảo Thổ Chu giọng buồn bã. Đầu tháng 5, gió bắt đầu chuyển mùa Nam tàu ông Mãi cùng những ngư dân khác không đậu được ở cầu cảng ấp Bãi Ngự mà phải vòng về Bãi Dong phía sau núi, cách đó trên 5 km để tránh gió.

Gia đình ông Mãi sống trong căn nhà cấp bốn cũ kỹ ở xóm dừa, trong con hẻm ngoằn ngoèo. Trò chuyện một hồi, nhìn trời mát mẻ, biển yên ông bảo phóng viên đi thực tế để biết cuộc sống của người dân ở đây ra sao. Chúng tôi cùng ông ra khơi. Tàu 24 CV (mã lực) chạy phăm phăm ra biển hướng về phao số không chừng 5 hải lý, sau đó ông cho ghe chạy chậm, bắt đầu thả câu mực.

Vừa thả câu, ông kể khoảng chục năm về trước vùng này xa đất liền, lại giáp với vùng biển quốc tế nên cá tôm nhiều. Đi đánh bắt vài ba ngày, tuy giá thấp nhưng sống khỏe re. Tuy nhiên, càng về sau này, các phương tiện đánh bắt bằng điện, nổ mìn tận diệt, tôm cá ngày càng cạn kiệt. “Bây giờ họ đánh bắt kiểu tận diệt, các tàu ở xa còn đánh bắt gần đảo, nơi cá thường sinh đẻ thì còn đâu mà không kiệt cho được”, ông Mãi tâm sự.

Càng về tối, gió càng lạnh, sóng cũng mạnh dần lên, cũng là lúc ghe ông quay vào bờ. Cả buổi tàu của ông chỉ dính vỏn vẹn 3 con mực.

Bỏ biển lên bờ kiếm sống

Khu dân cư Mỏ Ó, (ấp Mỏ Ó, xã Trung Bình, huyện Trần Đề, Sóc Trăng) là một điển hình cho tình trạng người dân sống bằng nghề biển phải tha phương cầu thực. Ông Nguyễn Văn Em, ấp đội trưởng Mỏ Ó là dân cố cựu ở xứ này, đồng thời ông cũng là dân đi biển nhưng bây giờ đã chuyển lên bờ, mở quán nước trong khu dân cư sống qua ngày. Ông cho biết, khu dân cư có 136 hộ với trên 500 nhân khẩu, sống chủ yếu nghề biển nhưng giờ cá tôm ít dần, phần lớn thanh niên đã chuyển đổi nghề, bỏ xứ đi làm thuê rất nhiều, ở nhà còn lại người già và trẻ nhỏ. “Trước đây cá tôm nhiều, dân làm ăn được kéo theo nhiều dịch vụ nghề biển theo cùng. Đời sống khấm khá lắm. Giờ thưa vắng, khó khăn…”, ông Em nói.

"Bây giờ họ đánh bắt kiểu tận diệt, chưa kể các tàu ở xa lại còn đánh bắt gần đảo, nơi cá thường sinh đẻ thì còn đâu mà không kiệt cho được"

Ngư phủ Nguyễn Thanh Mãi

Ông Trần Văn Mín (63 tuổi) gắn bó với nghề biển mấy chục năm nhưng vì nguồn biển cá cạn kiệt, ông chuyển nghề chạy xe ôm dăm năm nay. “Hơn 10 năm trước xứ này cá tôm nhiều vô số kể, mỗi chuyến đi biển về được cả chục triệu, thậm chí có chuyến về vài chục triệu đồng là chuyện thường nhưng càng về sau cá càng ít tôi đành bỏ nghề”, ông Mín bộc bạch.
 Tài nguyên biển ngày càng cạn kiệt: Ngư dân không mặn mà với biển ảnh 1  Ông Nguyễn Thanh Mãi câu mực trên biển

Bà Huỳnh Thị Hứa ở nhà nuôi con, cuộc sống trông chờ từ thu nhập đi biển của chồng nhưng chật vật. Bà Hứa buồn bã nói: “Chồng đi biển 2 tháng về dư có 800.000 đồng, chẳng thấm vào đâu. Ở nhà nếu trông chờ vào nguồn thu của chồng thì không đủ sống nên phải tự tìm việc làm thuê, bữa có bữa không để sống qua ngày và nuôi con ăn học”. Bà cho biết thêm, không chỉ chồng bà mà nhiều người khác trong ấp đi ba tháng trời lênh đênh trên biển, về trừ chi phí cũng chỉ còn mấy trăm ngàn cho vợ con. Ông Nguyễn Tấn Biểu (Tư Biểu), ở thị trấn biển Sông Đốc (Trần Văn Thời, Cà Mau) cho biết: Thời “hoàng kim” gia đình có hơn 20 chiếc tàu khai thác biển, tuy nhiên hiện chỉ còn giữ 12 chiếc với giá đầu tư 6-7 tỷ đồng/chiếc. Nguyên nhân là do đánh bắt không hiệu quả.

Hơn 70 tuổi đời, ông Huỳnh Văn Tuôi (Sáu Tuôi), ở cửa biển Rạch Gốc (Ngọc Hiển, Cà Mau) như một chứng nhân nghề cá. Ông kể, mùa cá đường nhiều đến mức chỉ bắt cá để lấy bong bóng, bỏ xác trôi đầy cửa biển. Ký ức ngày hội cá đường của lão ngư Sáu Tuôi chợt tắt, mắt ông nhìn xa ngoài khơi: “Mấy chục năm rồi, vùng biển Cà Mau không còn ngày hội cá đường, không thấy bóng dáng cá đường. Nhiều loại cá quí, có sản lượng lớn đã biến mất”. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.