Tài nguyên nước chưa được quản lý hiệu quả

Tài nguyên nước chưa được quản lý hiệu quả
Mùa hè 2006 được dự báo tình hình thiếu điện có thể nghiêm trọng hơn cả năm ngoái bởi các nhà máy thủy điện không thể hoạt động hết công suất do thiếu nước.
Tài nguyên nước chưa được quản lý hiệu quả ảnh 1
Ông Nguyễn Công Thành. Ảnh: Phong Lan

Theo thứ trưởng Bộ tài nguyên Môi tường Nguyễn Công Thành, đã đến lúc cần có nhiều tính toán mới trong điều tiết nguồn tài nguyên này.

Thứ trưởng đánh giá như thế nào về nguồn tài nguyên nước của VN?

VN có nguồn tài nguyên nước thuộc mức trung bình, nhưng phân phối không đồng đều về không gian và thời gian. Có thời kỳ lũ lụt gây ảnh hưởng lớn song cũng có thời kỳ lại rất khô hạn. Có vùng thừa nước như lưu vực các sông lớn, nhưng cũng có vùng như Ninh Thuận, Bình Thuận quanh năm thiếu nước. Vì thế đã đến lúc phải có chính sách thích hợp để sử dụng nguồn nước.

2-3 năm nay hạn hán, lũ lụt liên tục xảy ra, cơ quan khí tượng dự báo được, song các chính sách đối phó còn chưa chủ động. Ông nhận xét sao về ý kiến này?

Đúng là trong 3 năm nay biến động thời tiết khá bất thường, một số trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bản chất của hiện tượng tự nhiên rất phức tạp, có hiện tượng có chu kỳ 5 năm, có hiện tượng lại 10 năm 20 năm mới xảy ra hay như miền Bắc vừa rồi 25 năm mới xảy ra lũ.

Ở góc độ làm chính sách phải chấp nhận thời tiết bất lợi là điều kiện khách quan và phải đề ra chính sách tính trước những yếu tố đó.

Riêng với các hồ thủy điện, chúng ta cần tìm hiểu rõ hơn quy luật nước có lúc nhiều lúc ít nước để quy hoạch trước và có kịch bản tương ứng. Hiện nay VN mới có quy trình vận hành hồ chứa vào mùa lũ, còn mùa cạn như thời điểm hiện nay thì chưa có.

Thiếu nước đã nhìn thấy trước, nhưng tại sao 1-2 năm nay khi ảnh hưởng đến sản xuất điện thì vấn đề mới được đặt ra?

Ý thức thì đã có nhưng để biến thành nhận thức chung cấp bách thì cần thời gian. Có vấn đề biết rồi mà 10 năm nay chưa giải quyết được như ô nhiễm các dòng sông chẳng hạn. Cuối năm nay họp hội đồng quốc gia tài nguyên nước chúng tôi sẽ đề nghị phải có kịch bản.

Vào mùa khô hạn ngành điện xả nước song lại cho biết chỉ tận dụng được 10-15% cho nông nghiệp, còn lại bị chảy ra biển. Ông đánh giá thế nào về thông tin này?

Hệ thống thủy lợi của mình thực tế chưa tận dụng được hết nước xả hồ Hòa Bình. Số liệu thực tế chính xác cần có nghiên cứu đo đạc cẩn thận. Có một điều cần chú ý là việc xả nước không hẳn chỉ để phục vụ sản xuất nông nghiệp mà còn có lợi cho giao thông thủy, nuôi trồng thủy sản...

Trong sử dụng nước, quản lý ở cấp vĩ mô vẫn chưa rõ ràng, nhưng trong bối cảnh khô hạn hiện nay cần dẹp bỏ các lợi ích cục bộ để phối hợp đồng bộ trong điều tiết nguồn nước.

Hiện Chính phủ cũng có chủ trương tách cơ quan quản lý nguồn nước với cơ quan sử dụng nước để có cách điều hành dung hòa những quyền lợi trong thời điểm gay cấn.

Có nhiều nước ví xuất khẩu lúa gạo là xuất khẩu nước, VN đang hướng tới một nước công nghiệp hóa. Vậy theo ông đã đến lúc đặt vấn đề quản lý nước khác đi cho phù hợp với tình hình kinh tế xã hội?

Trước kia nước chủ yếu phục vụ nông nghiệp, nhưng hiện vấn đề lương thực không phải là mục tiêu gay gắt như mấy chục năm trước đây.

Chúng ta cũng tính đến chuyện những vùng thiếu nước không có khả năng trồng lúa thì chuyển đổi cây trồng. Song cách quản lý nguồn nước hiện vẫn sử dụng những chính sách duy trì từ hàng chục năm nay.

Bộ Tài nguyên Môi trường đang soạn thảo chiến lược về tài nguyên nước và có tính đến những thay đổi đó, chẳng hạn như trước đây chúng ta từng dùng nước ngọt hóa bán đảo Cà Mau để trồng lúa nay lại mặn hóa để nuôi tôm.

Tới đây VN có nhiều nhà máy thủy điện lớn khác, vấn đề quản lý các hồ thủy điện sẽ cải tiến thế nào cho phù hợp tình hình?

Ngoài thủy điện Hòa Bình, tới đây còn có thủy điện Sơn La và nhiều thủy điện khác. Ban điều hành liên hồ chứa của Chính phủ đã được thành lập, song chức năng quản lý các hồ mỗi thời điểm lại giao cho một cơ quan khác.

Chẳng hạn hồ Hòa Bình mùa lũ thì quy trình vận hành được giao cho Ủy ban phòng chống lụt bão trung ương, mùa khô hạn thì lại giao cho ngành điện.

Nước là nguồn sản xuất điện rẻ nhất, song vấn đề duy trì dòng chảy sinh thái (không tác động để gây ra các dòng sông chết - khô hạn) cũng rất quan trọng. Vì thế bất cứ hồ thủy điện nào cũng có 3 chức năng chính là phát điện, điều tiết mùa lũ, chống hạn.

Trong chiến lược quản lý tài nguyên nước cũng đề cập rất rõ quy định này, chúng ta làm thủy điện không phải để làm môi trường xấu đi mà phải tạo ra môi trường mới tốt hơn.

Theo Phong Lan
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG