Tài nguyên nước ở TP Hồ Chí Minh: Mạnh ai nấy khoan

Nước máy chảy ồ ạt trên đường trong khi nhiều nơi không có nước sạch để dùng Ảnh: HT
Nước máy chảy ồ ạt trên đường trong khi nhiều nơi không có nước sạch để dùng Ảnh: HT
TP - Nước ngầm tại TPHCM đang dần cạn kiệt vì bị khai thác bừa bãi, sử dụng lãng phí. Tại nhiều nơi, người dân phải chắt chiu từng can, mua nước ngọt với giá cắt cổ, trong khi trên 40% nước máy tại TPHCM đang bị thất thoát.
Nước máy chảy ồ ạt trên đường trong khi nhiều nơi không có nước sạch để dùng Ảnh: HT
Nước máy chảy ồ ạt trên đường trong khi nhiều nơi không có nước sạch để dùng. Ảnh: HT.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường (TNMT) TPHCM, hiện nay, tổng trữ lượng khai thác nước ngầm của thành phố đạt trên 2,5 triệu m3/ngày. Điều đáng nói, trong 10 năm qua, số giếng khoan không ngừng tăng.

Tính đến cuối năm 2010, số giếng khoan tại TPHCM đã tăng gần 7 lần so với năm 2000 với tổng lưu lượng khai thác lên tới 550.000 - 600.000 m3/ngày, trong đó lưu lượng khai thác được cấp phép chỉ chiếm khoảng 320.000 m3/ngày.

Theo các chuyên gia Sở TNMT, tuy lưu lượng khai thác hiện nay vẫn nằm trong giới hạn cho phép (mức khai thác an toàn là 830.000 m3/ngày) nhưng đã xuất hiện tình trạng tận dụng triệt để nguồn nước ngầm (thay vì sử dụng nước máy) để giảm chi phí.

TPHCM hiện có 14 khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN), trong đó chỉ có 3 KCN sử dụng nước máy cho sản xuất. 7 KCN vừa sử dụng nước cấp, vừa sử dụng nước ngầm và có 4 KCN sử dụng hoàn toàn nước ngầm phục vụ sản xuất (các KCN Tây Bắc Củ Chi, Bình Chiểu, Tân Thới Hiệp, Tân Phú Trung). Tại nhiều KCN, đường ống nước máy đã được đấu nối vào tận nhà máy nhưng doanh nghiệp (DN) vẫn lén lút khai thác nước ngầm để… khỏi trả tiền.

Do khai thác tràn lan, vượt tầm kiểm soát nên ở nhiều vùng xuất hiện tình trạng sụt lún mặt đất (ống giếng khoan trồi lên khỏi mặt đất), trong đó có nơi bị lún đến 309mm.

Theo báo cáo của Sở TNMT, lún mặt đất diễn ra tập trung tại các KCN như Tân Bình, Tân Tạo, Vĩnh Lộc... Do khai thác nước ngầm tập trung với lưu lượng lớn, hiện nay, trữ lượng khai thác an toàn nhiều nơi bị khai thác cạn kiệt, gây mất cân bằng nước.

Trong khi đó, tình trạng bê tông hóa ở nhiều nơi đang có tốc độ đô thị hóa nhanh hạn chế khả năng hấp thụ nước tự nhiên bổ sung trữ lượng các tầng nước ngầm.

Thất thoát hơn 3 tỷ đồng/ngày

Bất chấp nỗ lực của ngành cấp nước, tỷ lệ thất thoát nước sạch tại TPHCM ngày càng lớn. Nếu như năm 2004, tỷ lệ thất thoát nước sạch là hơn 30% thì đến năm 2010, tỷ lệ này là 40,32%. Với mức hao phí này, trong số 1,512 triệu m3 nước sạch thành phố sản xuất ra mỗi ngày, có tới trên 609.000m3 nước sạch bị thất thoát. Tính theo giá nước hiện nay, lượng nước thất thoát mỗi ngày tại TPHCM lên tới trên 3 tỷ đồng.

Trả lời báo chí, theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Cty Cấp nước TPHCM (Sawaco) Võ Quang Châu, cho rằng, việc tăng áp lực nước lên hệ thống ống cấp nước nhằm góp phần làm tăng lượng nước cung cấp cho người dân TPHCM đã làm nước sạch bị thất thoát nhiều hơn.

Áp lực nước tăng vọt làm tình trạng xì, bể, rò rỉ đường ống xảy ra nhiều hơn bởi thành phố còn hàng trăm ki lô mét đường ống cấp 2, 3 được lắp đặt từ trước năm 1975 đã xuống cấp, hư hỏng. Ngành cấp nước đã tiến hành dò tìm các điểm xì, bể, song chỉ phát hiện được khi nước chảy lên mặt đất.

Những điểm rò rỉ ngầm trong lòng đất, nước không thoát lên mặt đất rất khó phát hiện. Để thay mới hàng trăm ki lô mét đường ống mục, theo một chuyên gia của Sawaco, TPHCM cần đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Số tiền trên nằm ngoài tầm tay của Sawaco.

Cuối tháng 2-2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch đến năm 2025. Theo đó, chương trình sẽ huy động và tập trung các nguồn lực cho hoạt động chống thất thoát, thất thu nước sạch; giảm tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân từ 30% năm 2009 xuống dưới 15% năm 2025.

Mặn xâm nhập sâu, uy hiếp các nhà máy nước

Ngày 21-3, lãnh đạo Nhà máy nước Tân Hiệp cho biết trong mấy ngày qua, độ mặn tại khu vực lấy nước thô trên sông Sài Gòn diễn biến phức tạp. Đã có lúc, độ mặn vượt ngưỡng 250mg/lít nên nhà máy buộc phải ngưng lấy nước, chuyển sang sử dụng nguồn nước dự trữ.

Để cứu nguy cho nhà máy, hồ Dầu Tiếng đã xả nước xuống sông Sài Gòn, nhằm đẩy mặn ra khỏi khu vực lấy nước.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG