Tài xế taxi tưởng mình đã chết dưới giàn giáo đường sắt

Tài xế taxi Nguyễn Bá Dương cho biết đã nghĩ tới cái chết lúc xảy ra tai nạn. Ảnh: Võ Hải/ VnExpress
Tài xế taxi Nguyễn Bá Dương cho biết đã nghĩ tới cái chết lúc xảy ra tai nạn. Ảnh: Võ Hải/ VnExpress
“Khi đó tôi đã nghĩ tới cái chết. Khách kêu gào. Bê tông đổ xuống rào rào. Đường tối om, hun hút”, tài xế taxi Nguyễn Bá Dương kể lại giây phút thoát chết khi giàn giáo đường sắt trên cao đổ sập lúc 4h sáng 28/12.

10 tiếng sau vụ tai nạn sập giàn giáo đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội), anh Nguyễn Bá Dương vẫn còn hoảng sợ. "Chỉ chạy nhanh một tích tắc nữa thì có lẽ toàn bộ người trên xe đã không còn", anh nói.

Theo tài xế Dương, khoảng 4h sáng anh đang chở 3 khách nữ về khu vực chợ Hà Đông. Đang di chuyển trên làn đường ngoài theo hướng Nguyễn Trãi - Hà Đông thì thấy xe chở bê tông phun lên giàn giáo đường sắt trên cao nên anh đã chủ động đi vào làn trong, tránh chiếc xe trên.

“Vì xe mới chuyển vào làn đường bên trong và thấy có công trình thi công nên tôi đi rất chậm. Bất ngờ tôi nghe thấy tiếng động lớn. Chiếc xe bị chặn đứng vì những thanh dầm sắt ụp xuống ngổn ngang”, người tài xế nhớ lại.

Sau đó bê tông tươi đổ xuống ngập kín 4 bánh xe. Cửa trước và sau đều bị chặn nên không mở được. 3 khách nữ hoảng hốt la hét. Lái xe sau giây phút hoảng hốt đã cầu cứu về công ty qua bộ đàm.

“Khi đó tôi đã nghĩ tới cái chết. Khách kêu gào. Bê tông đổ xuống rào rào. Đường tối om, hun hút. Một công nhân cầm đèn pin soi vào xe và hét lên 'có người còn sống”, người lái taxi hãng Quê Lụa kể lại.

Tài xế taxi tưởng mình đã chết dưới giàn giáo đường sắt ảnh 1

Chiếc taxi bị hàng chục tấn bê tông sắt thép đổ ụp lên nhưng cả 4 người trên xe đều thoát nạn.  Ảnh: Quý Đoàn/ VnExpress

Bốn người trên xe đã được công nhân và một số người dân đập cửa kính sau cứu ra ngoài. Một hành khách nữ vì quá hoảng loạn đã không tự chui ra mà phải có 2 người xốc nách kéo trượt qua lớp bê tông ra khỏi nơi bị sập.

Anh Dương chia sẻ, gia đình anh gồm mẹ già, vợ và hai con nhỏ đều sống bằng nguồn thu từ việc lái taxi. Nhưng từ khi xảy ra tai nạn, chủ đầu tư và các cơ quan chức năng chưa thăm hỏi động viên hay nói tới việc đền bù cho anh.

“Tôi yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết để người dân được tham gia giao thông an toàn và phải đảm bảo quyền lợi, đền bù chiếc xe cho tôi”, anh Nguyễn Bá Dương nói.

Là người trực tiếp tham gia giải cứu 4 người trên chiếc taxi bị nạn, anh Lê Trung cho biết, khi đó anh đang xin bê tông tươi từ chính công trường để láng trước cửa nhà thì nghe tiếng động lớn.

“Chỗ giàn giáo sập cách nhà tôi khoảng 20 m nên tôi cảm nhận rõ sự rung chấn. Thấy giàn giáo đổ, tôi chạy tới đường hầm đang thi công và cùng các công nhân cứu giúp những người mắc kẹt trong xe ra ngoài”, anh Trung cho hay.

Tài xế taxi tưởng mình đã chết dưới giàn giáo đường sắt ảnh 2

Chiếc xe bị chôn vùi giữa đống bê tông tươi. Ảnh: Lê Trung/ VnExpress

Anh Trung cho rằng 4 người trên xe may mắn thoát nạn do có 2 xà gồ lớn rơi chéo, tạo ra một góc tam giác che chắn cho chiếc xe khỏi hàng tấn sắt thép bê tông. Do đó mặc dù đầu xe bị bẹp dúm, bê tông chảy đầy quanh xe nhưng những người bên trong vẫn an toàn.

“Nếu nhìn vào hiện trường, việc cả 4 người đều thoát nạn và không hề bị thương tích gì thì ai cũng thấy là rất hy hữu. Ngay tôi vào giải cứu còn bị xước chân chảy máu”, anh Trung chia sẻ.

Khoảng 4h sáng 28/12, một đà giáo của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã đổ sập khi công nhân đang đổ bê tông. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết nguyên nhân là giàn giáo bị dịch chuyển khi đổ bê tông, mất khả năng chịu lực dẫn đến sập hệ thống sàn.

Về xử lý trách nhiệm, trước mắt Bộ Giao thông đã đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Văn Bảo, Phó tổng giám đốc Ban Quản lý đường sắt; nghiêm khắc phê bình cảnh cáo tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương; đình chỉ vô thời hạn đối với ông Tạ Trung Văn, tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.