Tái xuất và tiêu hủy sữa nhiễm melamine

Tái xuất và tiêu hủy sữa nhiễm melamine
TP- Cuối cùng sau nhiều tranh luận, sáng qua, 23/10, phương án xử lý 777,5 tấn sữa và sữa thành  phẩm nhiễm melamine đã được 7 cơ quan chức năng thống nhất là tiêu hủy và tái  xuất.
Tái xuất và tiêu hủy sữa nhiễm melamine ảnh 1
Sữa nhiễm melamine sẽ bị tiêu hủy

TS Cao Minh Quang - Thứ trưởng Bộ Y tế một lần nữa khẳng định Việt Nam không cho phép sản phẩm thực phẩm có chứa melamine.

TS Quang cho biết những sản phẩm sữa, nguyên liệu sữa và sữa có nhiễm melamine được nhập chính ngạch từ Trung Quốc sẽ do Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Ngoại giao... phối hợp tái xuất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên các cơ quan chức năng cũng đưa ra cơ chế khuyến khích doanh nghiệp chủ động liên hệ, thương thảo trực tiếp với các doanh nghiệp của Trung Quốc đã cung cấp hàng.

Như vậy, sẽ có 393 tấn sữa bột nhập khẩu từ Trung Quốc bị nhiễm melamine sẽ được tái xuất về Trung Quốc. Tại Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN  + Trung Quốc ở Philippines ngày 8 - 11/10 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc tuyên bố chấp thuận cho tái xuất sữa nhiễm melamine từ Trung Quốc đối với các quốc gia đã nhập khẩu. Phía doanh nghiệp Trung Quốc sẽ có trách nhiệm bồi thường các hợp đồng thương mại.

Đối với 4 tấn sữa nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc kém chất lượng (hàm lượng protein thấp, độ hoà tan kém...) dù không có melamine vẫn phải được tiêu huỷ. Bộ NN & PTNT không chấp nhận các sản phẩm kém chất lượng chuyển sang làm thức ăn chăn nuôi.

Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ ban hành quy trình kỹ thuật tiêu hủy chậm nhất vào ngày 5/11/2008 để các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện tiêu hủy. Việc tiêu hủy cũng thực hiện trong vòng 3 tuần sau đó.

Sau khi có quy trình tiêu hủy, 365,5 tấn sản phẩm sữa làm từ nguyên liệu sữa Trung Quốc do Cty cổ phần Sữa Hà Nội - Hanoimilk sản xuất (đã được lấy mẫu kiểm nghiệm và dương tính với melamine) sẽ bị tiêu hủy.

Riêng với 18 tấn sữa nước Yili nhập khẩu từ Trung Quốc có nhiễm melamine nằm trong danh mục sản phẩm của những Cty Trung Quốc bị công bố có sản phẩm nhiễm melamine đã được tiêu hủy tại TPHCM (Tiền phong đã đưa tin).

Đối với 104,4 tấn sữa, nguyên liệu sữa, sản phẩm sữa nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác đã được lấy mẫu kiểm nghiệm và cho kết quả không nhiễm melamine, nhưng chưa đáp ứng thủ tục công bố tiêu chuẩn sản phẩm theo quy định, Bộ Y tế sẽ hướng dẫn doanh nghiệp công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Tiếp đó các đơn vị chức năng sẽ xử lý hành chính và giải tỏa hàng cho lưu thông trở lại.

Chưa chấp nhận melamine

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang đã khẳng định: "Bộ Y tế chưa ban hành quy định giới hạn an toàn của chất melamine trong sản phẩm thực phẩm đối với sức khỏe con người". Quyết định này của Bộ Y tế dựa trên 8 lý do.

Cụ thể, melamine là một hóa chất dùng trong công nghiệp và thường được sử dụng trong sản xuất phân bón, chất dẻo, bọt xốp, keo dán... và tuyệt đối không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm.

  Nếu trong thời gian này Bộ Y tế Việt Nam ban hành mức giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm nói chung và sản phẩm sữa nói riêng thì hành động đó đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để người Việt Nam phải uống những loại sữa có chứa chất độc melamine ở hàm lượng thấp, và khả năng bị ngộ độc mãn tính sau một thời gian dài uống sữa có melamine là không thể loại trừ.

Hiện tại mức giới hạn an toàn của melamine trong thực phẩm chưa được Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc thống nhất trên phạm vi toàn thế giới bởi vì trước sự cố này, melamine không được phát hiện như là một hóa chất được phép hiện diện trong quy trình sản xuất ban đầu hoặc trong quá trình chế biến thực phẩm.

Melamine từ trước đến nay chưa bao giờ được công nhận là một thành phần được phép có trong thực phẩm, điều này lý giải tại sao chưa có một tiêu chuẩn thống nhất toàn cầu đối với chất này.

Tại Mỹ, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã dựa trên một số nghiên cứu về mức độ dung nạp an toàn được tiến hành trên động vật để ước tính mức độ dung nạp an toàn cho cơ thể mỗi ngày của melamine là 0,63mg/kg thể trọng.

Tuy nhiên, mức độ này được ước tính dựa trên kết quả nghiên cứu tác động của melamine đối với động vật như chuột nhắt, chó, chuột cống... chứ chưa nghiên cứu trên người, đặc biệt là đối tượng trẻ nhỏ. Cho đến nay chưa có bất kỳ một nghiên cứu nào về độ an toàn của melamine được tiến hành trên người.

Hầu hết các quốc gia phát hiện sản phẩm sữa và thực phẩm có chất melamine đều ra quyết định thu hồi và tiêu hủy sản phẩm như Singapore, Myanmar, Hàn Quốc.

Bộ Y tế không loại trừ khả năng nếu ban hành một giới hạn cho phép melamine trong thực phẩm sẽ dẫn đến việc hợp pháp hóa cho những hành vi không hợp pháp của một số doanh nghiệp làm ăn không chân chính, sẵn sàng vì lợi nhuận mà cho thêm vào các sản phẩm sữa một tỷ lệ nhất định melamine dưới ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, một nguy cơ khác có thể xảy ra khi Bộ Y tế ban hành giới hạn an toàn cho phép của melamine trong sữa ở các nước láng giềng có đường biên giới chung với Việt Nam sẽ đưa vào thị trường Việt Nam các sản phẩm sữa được cho melamine vào một cách có chủ ý.

Một yếu tố chuyên môn khác khiến các chuyên gia y tế không thể bỏ qua là melamine là một chất rất khó tan trong sữa. Do vậy, các nhà sản xuất có chủ ý, thường kèm theo một chất mang làm tăng độ tan của melamine trong sữa là chất acid cyanyric để hình thành chất dễ tan hơn là melamine cyanurate.

Cơ chế chuyển hoá của chất này trong cơ thể người chưa được nghiên cứu và công bố đầy đủ. Thêm một yếu tố cần cân nhắc nếu ban hành giới hạn chất melamine trong thực phẩm là khả năng tích luỹ của chất này trong cơ thể có thể gây ra tình trạng ngộ độc mãn tính khi uống sữa có nồng độ melamine thấp trong thời gian dài.

Thịt gia súc dùng thức ăn nhiễm melamine không độc với người?

Nhiều ý khiến cho rằng nên chuyển sữa bẩn nhiễm melamine để tận dụng cho chăn nuôi gia súc. Tuy nhiên, một số ý kiến khác phản bác vì lợi bất cập hại. Những thông tin trên vừa được đưa ra tại Hội thảo khoa học về xử lý sữa nhiễm melamine vào sáng qua 23/10 do Sở Y tế TPHCM tổ chức.

GS Chu Phạm Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM cho rằng hiện một số nước châu Âu và Mỹ vẫn cho phép một hàm lượng nhất định melamine trong sữa và sản phẩm từ sữa ở mức an toàn. Vì  vậy, cần cân nhắc việc tiêu hủy hay không tiêu hủy số sữa đã thu hồi. 

Tuy nhiên, TS Trương Thanh Cảnh- Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM nói rằng: "Melamine không gây độc ở liều thấp do khả năng thải của thận và không có tích lũy sinh học melamine trong các sản phẩm thịt, trứng, sữa.

Do đó, độc tố melamine có thể không lây truyền thông qua "chuỗi thức ăn" trong hệ thống sinh thái. "Thực tế sữa nhiễm melamine là do sữa pha thêm nước làm giảm hàm lượng protein sữa nên các nhà sản xuất đã cho chất này vào.

Nghiên cứu của US FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) năm 2007 cho thấy không có ảnh hưởng cho con người khi ăn thịt gia súc, gia cầm, trứng và cá có sử dụng melamine"- TS Cảnh nói. Theo TS Cảnh có thể tận dụng các sản phẩm sữa và từ sữa có chứa melamine như một nguồn dinh dưỡng cho động vật, sử dụng các sản phẩm lương thực, thực phẩm có chứa melamine làm thức ăn cho gia súc, cá. Tuy nhiên, chỉ nên tận dụng các thực phẩm có chứa melamine đã trót nhập khẩu mà thôi.  

MỚI - NÓNG