Tám cách hạn chế đình công trái luật

Tám cách hạn chế đình công trái luật
TP - Để hạn chế đình công trái luật gây thiệt hại cho người lao động và doanh nghiệp, Bộ LĐTB&XH đưa ra tám giải pháp tại cuộc hội thảo, ngày 17/3.

Tại hội thảo xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà do Bộ LĐ-TB&XH và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức, ông Đặng Quang Điều - đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tỷ lệ doanh nghiệp ký thỏa ước LĐTT khu vực doanh nghiệp Nhà nước khoảng 95 phần trăm; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) 45-50 phần trăm; doanh nghiệp dân doanh 55-60 phần trăm.

Theo ông Điều, chất lượng của hầu hết các bản thỏa ước còn thấp, mang tính đối phó, hình thức. Sở dĩ như vậy là vì, pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Quy định thỏa ước còn quá dài, dàn trải. Cán bộ Công đoàn chủ yếu là chủ doanh nghiệp hoặc phụ thuộc nhiều vào chủ doanh nghiệp, năng lực thương lượng hạn chế nên việc ký kết được thỏa ước LĐTT chưa mang lại lợi ích thực sự cho người lao động (NLĐ).

Theo ông Điều, việc khó thành lập tổ chức Công đoàn ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, khiến NLĐ không có đại diện để đối thoại, thương lượng để đi đến thỏa ước LĐTT.

Không ít chủ sử dụng lao động không muốn và gây khó khăn trong việc thành lập Công đoàn. Theo Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có khoảng sáu trong tổng số 15 triệu lao động có quan hệ lao động là đoàn viên Công đoàn. Những khu công nghiệp lớn tại Hà Nội chỉ có 45 trong tổng số 74 nghìn lao động gia nhập Công đoàn; tại Bắc Ninh là 20 trong tổng số 33 nghìn lao động...

Ông Phạm Minh Huân - Vụ trưởng Lao động Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cũng khẳng định, cơ chế đối thoại, thỏa ước LĐTT chưa được coi trọng, ý thức kỷ luật của NLĐ chưa cao. Chính số lượng và chất lượng của thỏa ước LĐTT thấp nên gây ra nhiều cuộc đình công trái luật, ảnh hưởng môi trường đầu tư Việt Nam.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, để giải quyết đình công, các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, doanh nghiệp cần tiến hành tám giải pháp:

1. Thành lập ban chỉ đạo tỉnh giải quyết đình công không theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ và doanh nghiệp. Ban chỉ đạo tỉnh có thể gồm thành viên từ các ngành: LĐ-TB&XH, KH-ĐT, Ban quản lý khu công nghiệp, Công an, Thông tin Truyền thông, Liên đoàn lao động, đại diện người sử dụng lao động.

2. Thành lập tổ công tác liên ngành ở cấp huyện.

3. Cung cấp số điện thoại (đường dây nóng) cho doanh nghiệp để liên lạc và nắm bắt thông tin khi có đình công.

4. Khi đình công xảy ra, doanh nghiệp báo ngay cho chủ tịch UBND, cơ quan lao động, công an, liên đoàn lao động quận, huyện nơi xảy ra đình công.

5. Khi nhận được thông tin, các cơ quan liên quan phải cử người có mặt tại doanh nghiệp - nơi xảy ra đình công để hỗ trợ doanh nghiệp.

6. Tìm hiểu nguyên nhân đình công và kiến nghị từ phía NLĐ, yêu cầu hai bên cử đại diện thương lượng, giải quyết.

7. Những vấn đề phức tạp mà hai bên không giải quyết được thì báo cáo ban chỉ đạo cấp tỉnh.

8. Hai bên phải xuất phát từ lợi ích chung, có thiện chí sẵn sàng ngồi với nhau để thương lượng, giải quyết vấn đề. 

MỚI - NÓNG