Tạm đình chỉ 48 bãi xe 'vua' trên vỉa hè TPHCM: Giữ xe tại gia quá tải

Giữ xe tại gia quá tải.
Giữ xe tại gia quá tải.
TP - Hiện nay, dịch vụ giữ xe trong nhà tại trung tâm TPHCM đang “quá tải” sau khi UBND quận 1 dẹp các bãi xe “vua” trên vỉa hè. Giá giữ xe tại các điểm này lên đến 10 nghìn đồng/lượt nhưng không đủ chỗ để nhận.

Gian nan tìm chỗ gửi xe

Sau khi ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1, TPHCM ký quyết định tạm đình chỉ 48 bãi giữ xe trên vỉa hè, người dân đến trung tâm TPHCM làm việc, vui chơi giải trí, khám chữa bệnh… gặp rất nhiều khó khăn.

Chiều tối 15/1, tại đoạn đường Nguyễn Du, trước cổng Bệnh viện Nhi Đồng 2, ba bãi giữ xe máy trên vỉa hè đã ngưng hoạt động, không còn cảnh nhốn nháo, lấn chiếm như những ngày trước. Thế nhưng, nhiều người đến khám chữa bệnh, thăm người thân khá vất vả để tìm chỗ gửi xe, vì khu vực này chỉ còn bãi giữ xe của bệnh viện và một điểm giữ xe trong nhà tại quán cà phê sát bên hông bệnh viện.

Tạm đình chỉ 48 bãi xe 'vua' trên vỉa hè TPHCM: Giữ xe tại gia quá tải ảnh 1 Con hẻm số 2 Hàm Nghi có nhiều hộ làm công việc giữ xe từ hơn chục năm nay để tăng thu nhập. Ảnh: PV.

Chị Nguyễn Thị Nhi (32 tuổi, ngụ quận 1) cho biết, do con chị bị bệnh nên thường xuyên phải đến Bệnh viện Nhi Đồng 2 khám bệnh. Trước đây, khi còn các bãi giữ xe trước cổng bệnh viện, việc gửi xe rất thuận tiện. Sau khi các bãi này bị giải tỏa, toàn bộ người dân đến khám bệnh cùng nhiều người làm việc gần đó phải gửi xe trong bệnh viện. Tuy nhiên, vào buổi sáng và chiều, lượng người gửi quá đông nên chị phải xếp hàng nửa tiếng đồng hồ mới vào được bãi gửi xe. Nhiều hôm bãi giữ xe bệnh viện kín chỗ, chị phải chạy lòng vòng bên ngoài rất lâu mới tìm được chỗ gửi xe.

Tương tự, bà Lê Thị Đào (47 tuổi) cũng mướt mồ hôi tìm bãi gửi xe khi đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn khám bệnh. Bà Đào cho hay, do bãi giữ xe của bệnh viện khá chật nên những lần trước bà thường gửi xe tại điểm giữ trên vỉa hè gần đó. “Giờ không còn chỗ gửi xe trên vỉa hè, tôi phải chạy lòng vòng một lúc lâu mới tìm được chỗ gửi xe ở cách bệnh viện cả cây số rồi đi bộ vào khám bệnh. Bệnh viện này thường xuyên hết chỗ gửi xe, chính quyền phải có phương án nào để người dân đi khám bệnh có nơi gửi xe thuận tiện chứ như hiện nay vất vả quá”, bà Đào nói.

Không chỉ tại các bệnh viện mà khu vực xung quanh phố đi bộ Nguyễn Huệ, một số bãi giữ xe trên vỉa hè các con đường xung quanh bị giải tỏa, người dân đến đây vui chơi cũng gian nan với việc tìm chỗ gửi xe. Chở bạn gái từ quận Bình Thạnh vào phố đi bộ để chơi nhưng tìm mãi không ra nơi gửi xe, anh Phạm Thanh Quốc (quê Quảng Nam) nói: “Trước đây, tôi hay gửi xe trên vỉa hè đường Hải Triều nên khá thuận lợi khi đến phố đi bộ chơi. Giờ chạy lòng vòng nửa tiếng mà tìm không ra nơi gửi. Nơi khác không nói, đây là phố đi bộ, nơi giao lưu văn hóa văn nghệ, vui chơi giải trí của người dân mà tìm chỗ gửi xe vất vả như thế này thì lần sau ai dám đến?”.

Theo ghi nhận, trên đường Tôn Thất Hiệp, phường Bến Nghé, quận 1 có hai bãi giữ xe với sức chứa hàng nghìn xe máy nhưng mới cuối giờ chiều đã chật kín bên trong. Nhân viên bãi giữ xe tận dụng cả phần vỉa hè phía trước dựng xe chật kín, lấn chiếm hết lối đi của người đi bộ, dải cỏ bên đường cũng bị đạp nát. Hàng loạt điểm giữ xe trong nhà cũng mọc lên như nấm sau khi có lệnh đình chỉ 48 bãi giữ xe trên vỉa hè.

Dịch vụ giữ xe trong nhà “quá tải”

Chiều 15/1, PV Tiền Phong ghi nhận một số nơi có dịch vụ giữ xe trong nhà tại trung tâm quận 1 (TPHCM) được biết, hầu hết các hộ trông giữ xe trong nhà đều “quá tải”.

Có mặt tại con hẻm số 2 Hàm Nghi (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM) lúc xế chiều cùng ngày, phóng viên ghi nhận nhiều hộ dân trông giữ xe ở đây từ chối liên tục khách vãng lai đến gửi xe. Tại đây, phần lớn các hộ dân chỉ nhận giữ xe khách quen theo tháng, chứ hạn chế nhận giữ khách vãng lai.

Theo ghi nhận của Tiền Phong, con hẻm số 2 Hàm Nghi dài hơn 200m thì có gần chục hộ dân làm công việc giữ xe trong nhà từ hơn chục năm nay. Phần lớn mặt bằng không kinh doanh gì khác được nên các hộ tận dụng phần diện tích trong nhà để giữ xe với giá 5.000 - 10.000 đồng tùy vào thời gian khách gửi.

Bà Tư (70 tuổi, ngụ hẻm số 2 Hàm Nghi, quận 1, TPHCM) cho biết: “Gia đình tôi đã làm công việc này hơn chục năm nay rồi chứ có phải mới đây đâu mà nở rộ, rồi chặt chém gì đó như báo chí nêu”.

Theo bà Tư, cực chẳng đã mới làm cái công việc lượm bạc cắc này chứ ở khu vực “đất vàng” của quận 1, nhiều người kinh doanh khác thu tiền tỷ mỗi năm. Bà Tư giải thích: “Con hẻm này nằm ngay dưới tòa Bitexco, kế bên phố đi bộ Nguyễn Huệ nhưng không nhà nào kinh doanh gì được. Rất vắng khách nên các nhà dùng mặt bằng dưới tầng trệt làm nơi trông xe để có đồng ra đồng vào”.

Bà Tư cho biết, mấy hôm nay quận 1 dẹp 48 bãi xe vỉa hè nên lượng khách vãng lai đến đây gửi xe có tăng lên rất nhiều. Nhưng các hộ dân ở đây phần lớn từ chối vì không có chỗ trống. “Gia đình tôi chỉ nhận có 20 xe mỗi ngày, phần lớn là khách quen làm văn phòng ở xung quanh đây thôi. Tôi nhận gửi đến 7-8h tối là đóng cửa ngủ rồi”.

Còn bà Hai (58 tuổi) nhà bên cạnh cũng nhận giữ xe cho biết, căn nhà bà chỉ giữ được 10 chiếc xe nên không nhận khách vãng lai, mà chỉ nhận giữ xe theo tháng với mỗi xe 110 nghìn đồng/tháng để kiếm tiền ăn uống mỗi ngày. “Mấy hôm nay khách vãng lai đến tăng nhưng nhà không còn chỗ trống để nhận giữ, mình phải từ chối hết”, bà Hai nói.

“Việc giữ xe trong nhà này đã có hơn chục năm nay. Hồi trước những hộ dân như tôi có lên phường làm giấy đăng ký nhận giữ xe, rồi đóng thuế khoán hàng năm. Nhưng mấy năm nay nhận giữ xe ngày một ít, mỗi hộ chỉ vài chục chiếc nên thu nhập không có bao nhiêu. Từ đó các hộ không còn đóng thuế này nữa”, bà Tư nói.

Theo ông Võ Nguyên Khanh, Chủ tịch UBND phường Bến Thành (quận 1, TPHCM), việc các hộ dân có nhu cầu tổ chức giữ xe trong nhà thì phường sẽ hướng dẫn người dân đi xin cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy. “Đủ điều kiện thì mình cấp cho người dân kinh doanh. Việc này phường làm thường xuyên từ nhiều năm nay. Việc người dân nhận giữ xe trong nhà thì giá cả là sự thỏa thuận với khách đến gửi”, ông Khanh cho biết.

Trao đổi với PV Tiền Phong qua điện thoại vào chiều 15/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) cho biết, việc người dân giữ xe trong nhà phải thực hiện đúng quy định của pháp luật. “Giữ xe trong nhà cũng là cách để giúp vỉa hè ngăn nắp hơn, thông thoáng và trật tự hơn, không còn cảnh nhếch nhác nữa”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, việc dẹp các bãi xe trên vỉa hè không phép, hoạt động không đúng quy định nhằm giúp người dân “từ bỏ thói quen thuận lợi cho cá nhân mình vì điều đó cũng sẽ gây phiền toái cho chất lượng cuộc sống của nhiều người khác, của cộng đồng và ảnh hưởng đến văn minh đô thị”.

Ông Hải cho rằng, việc làm này giúp hạn chế các phương tiện cá nhân vào khu vực trung tâm thành phố vốn đã quá tải trầm trọng từ trước nay, gây ùn tắc và ảnh hưởng đến môi trường, chất lượng sống đô thị.

Theo bảng giá giữ xe được UBND TPHCM quy định vào đầu năm 2017, xe điện, xe máy trông giữ tại trường học, bệnh viện thì mức giá từ 2.000 - 3.000 đồng/xe/lượt; khu vực chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, các trụ sở cơ quan, tổ chức (trừ cơ quan hành chính nhà nước) thì 3.000 - 4.000 đồng/xe/lượt.

 

Liên quan đến việc xây dựng các bãi giữ xe trong trung tâm, mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM không đồng ý đề án xây dựng bãi xe lắp ghép thông minh 9 tầng tại các vị trí khu B Công viên 23 tháng 9; Công trường Lam Sơn; Công viên Lê Văn Tám; Công viên văn hóa Tao Đàn. Về các bãi giữ xe ngầm ở Công viên Lê Văn Tám và sân khấu Trống Đồng, dự kiến khởi công trong quý I/2018.


MỚI - NÓNG