Tâm lý phải hối lộ mới được việc còn phổ biến

Tâm lý phải hối lộ mới được việc còn phổ biến
TP - Sáng qua 8/10, tại phiên họp thứ 13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã  tập trung thảo luận, cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng (PCTN) sẽ trình ra Quốc hội tại kỳ họp tới.
Tâm lý phải hối lộ mới được việc còn phổ biến ảnh 1
Hình minh họa

Báo cáo của Chính phủ thừa nhận: “Xét về tổng thể, tình hình tham nhũng trong năm qua còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, xuất hiện những vụ tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Tính từ 1/10/2007 - 31/8/2008, trong số tội phạm tham nhũng bị kết án có 199 tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng (chiếm 29,4%)”.

Không thiếu quyết tâm, kinh phí

Theo Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày, nhận định: Công tác PCTN trong năm qua đã được đẩy mạnh, tiếp tục có những chuyển biến tích cực, nhưng nhìn chung việc phát hiện và xử lý tội phạm tham nhũng còn chậm và hạn chế.

Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng: “Hiệu quả công tác PCTN chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và đòi hỏi của quần chúng nhân dân, còn tồn tại những hạn chế cần làm rõ để khắc phục”.

Bên cạnh đó, Ủy ban này cũng cho rằng việc xây dựng thể chế PCTN còn chậm như chưa ban hành các văn bản về Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020, đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, quá trình thành lập tổ chức bộ máy PCTN ở một số địa phương còn lúng túng, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Đáng lưu ý, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp nêu rõ: Nhiều vụ án tham nhũng lớn được Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN tập trung chỉ đạo hoặc những vụ án do cơ quan điều tra ở Trung ương tiến hành còn chậm, gây bức xúc trong dư luận (Điển hình là 2 trong số 8 vụ án trọng điểm mà Thủ tướng chỉ đạo tập trung giải quyết từ năm 2006 và 2 vụ án tách ra từ vụ PMU 18).

Về việc kê khai tài sản, Chính phủ thừa nhận đến nay vẫn còn 26/43 bộ ngành trung ương, 56/63 địa phương chưa thực hiện xong kê khai tài sản, thu nhập, mặc dù việc kê khai chưa có cơ chế xác minh, kiểm tra.

Bên cạnh đó, chưa có chế tài xử lý người kê khai gian dối, nhất là trong trường hợp cán bộ, công chức có tài sản tăng lên bất thường so với thu nhập mà không chứng minh được.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đồng tình rằng “quyết tâm PCTN rất cao”, nhưng chuyển biến “chậm”, kết quả không như mong muốn dù luật đã có và kinh phí không thiếu.

Ở góc độ khác, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng: “Phải công khai xét xử các vụ án tham nhũng cho người dân biết”, nhưng từ năm 2006 trở lại đây có những vụ án tham nhũng cứ “xìu dần”.

Bà Mai cũng chưa hài lòng với việc điều tra, truy tố, xét xử một số vụ tham nhũng nổi cộm còn chậm, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân như Chính phủ thừa nhận. “Nếu không có giải pháp thì tâm lý cần và có thể hối lộ đối với cán bộ, công chức sẽ trở thành một hiện tượng nguy hiểm cho xã hội”- Bà Mai cảnh báo.

Xử lý người đứng đầu chưa nghiêm

Bà Lê Thị Thu Ba cũng cho rằng, hiện nay việc luân chuyển cán bộ còn hình thức, chưa tập trung vào những ngành nghề có điều kiện phát sinh tham nhũng. Trong khi đó, “việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu  khi để xảy ra tham nhũng còn nhiều lúng túng và có biểu hiện nương nhẹ”- Bà Ba phân tích.

Theo báo cáo của Chính phủ, có 40 trường hợp  người đứng đầu đã bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng (xử lý hình sự 9 trường hợp, xử lý hành chính 31 trường hợp).

“Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số vụ việc đáng lẽ phải được xem xét, kết luận rõ trách nhiệm của người đứng đầu nhưng chưa được thực hiện hoặc việc xem xét, xử lý còn chậm, không triệt để”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, việc triển khai trả lương qua tài khoản chưa góp phần giúp minh bạch hóa thu nhập của cán bộ, công chức. Bởi còn sử dụng tiền mặt trong dân cư thì sẽ rất khó kiểm soát, quản lý thu nhập ngoài lương. Công chức, cán bộ có thể dùng khoản ngoài lương để mua vàng tích trữ. Ủy ban Tư pháp đề nghị luật hóa quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng.

Theo đó “việc tài sản của một công chức tăng lên đáng kể so với thu nhập hợp pháp của công chức mà công chức này không giải thích được hợp lý” thì “quy định là tội phạm” bởi “hành vi cố ý làm giàu bất hợp pháp”.

MỚI - NÓNG