Tâm tư của dân trước yếu kém của các bộ ngành

Tâm tư của dân trước yếu kém của các bộ ngành
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII, đã có trên 1.000 ý kiến của nhân dân gửi đến UBTƯ MTTQVN. Bên cạnh sự ghi nhận những thành quả to lớn, nhiều ý kiến cũng bày tỏ lo lắng trước những tồn tại, yếu kém, tiêu cực làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước.

Cử tri và nhân dân cả nước cho rằng nền kinh tế nước ta có mức tăng trưởng cao, nhưng còn bộc lộ nhiều yếu tố chưa bền vững. Nhiều nguyên liệu sản xuất và hàng tiêu dùng chủ yếu vẫn phải nhập ngoại; nhập siêu cao hơn các năm trước, nhưng vẫn chưa có hướng giải quyết hiệu quả.

Do giá cả những vật tư thiết yếu cung cấp cho sản xuất và hàng tiêu dùng phục vụ đời sống nhân dân đã tăng cao so với năm trước nên thu nhập và đời sống thực tế của đại bộ phận nhân dân không tăng, thậm chí còn giảm.

Cử tri cả nước cho rằng tiêu chuẩn để xác định hộ nghèo cần được xem xét đánh giá lại (mức chuẩn hiện nay quy định 200.000 đồng/người/tháng ở nông thôn, 260.000 đồng/người/tháng ở thành phố) trong khi giá tiêu dùng đang ngày càng tăng...

Cử tri và nhân dân cả nước kiến nghị: Chính phủ cần sớm chỉ đạo đánh giá tình hình giải quyết vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn; phát triển đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, để có các giải pháp, chính sách vĩ mô đúng đắn bảo đảm cho sự phát triển bền vững.

Cần tăng cường đầu tư đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên và người lao động; chăm lo nơi ở, đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân lao động, nhất là ở những khu công nghiệp tập trung. Đặc biệt, cần có chính sách đồng bộ và hiệu quả để bình ổn giá, đảm bảo đời sống của người hưởng lương và người lao động nghèo.

Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phối hợp với Mặt trận Tổ quốc huy động mọi nguồn lực tập trung xóa xong 43 vạn ngôi nhà dột nát cho người nghèo trong năm 2008 và 2009...

Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư

Cử tri đánh giá việc huy động và sử dụng vốn đầu tư trong nước, nước ngoài hiệu quả chưa cao; nhiều công trình trọng điểm tiến độ xây dựng chậm, chất lượng kém, rất đáng lo ngại.

Qua một năm gia nhập WTO, đã bộc lộ rõ hơn những hạn chế, bất cập về nguồn nhân lực chất lượng cao, ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận và sử dụng công nghệ cao từ nước ngoài.

Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ; sập trụ sở làm việc của Viện khoa học xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh; sạt lở nghiêm trọng sau lũ lụt ở quốc lộ 6 (Hòa Bình - Sơn La) và nhiều đoạn trên đường Hồ Chí Minh thuộc các tỉnh miền Trung, nhiều đoạn đê ngăn lũ ở sông Bưởi huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa… đều là những cảnh báo về chất lượng công trình.

Một số công trình tiến độ thi công vẫn còn chậm, kéo dài như quốc lộ 2 (đoạn Hà Nội -Vĩnh Yên) và các đường liên tỉnh, liên huyện ở nhiều địa phương làm ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Chính phủ cần có những giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư; khắc phục tình trạng kém chất lượng, chậm tiến độ của các công trình xây dựng, nhất là các công trình trọng điểm của đất nước.

Cần sớm xử lý, chấn chỉnh tình trạng quy hoạch treo, dự án treo; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai. Đối với những nơi bị thiệt hại nặng nề do bão lũ, Chính phủ cần ưu tiên đầu tư để giải quyết nhanh việc tu bổ, sửa chữa đường giao thông, đê điều, trường học, nhà ở.

Cần sớm có kết luận, để xử lý nghiêm các đối tượng liên quan đến vụ sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ, chăm lo đời sống cho gia đình các nạn nhân của vụ sập cầu. Cần chỉ đạo kiểm tra việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn ngân sách do Chính phủ phân bổ và các nguồn ủng hộ của nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, tránh để xảy ra tiêu cực.

Tăng cường đầu tư cho phát triển y tế, giáo dục

Giáo dục được coi là quốc sách hàng đầu đang phải trả giá đắt do chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học còn nhiều vấn đề chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhưng chậm được sửa chữa, khắc phục; chất lượng "dạy của thày", "học của trò" nhiều nơi còn kém đang gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Việc khám chữa bệnh cho nhân dân còn nhiều vấn đề đáng quan tâm: bệnh viện tuyến huyện, tỉnh chưa được coi trọng, chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân, trong khi hầu hết các bệnh viện tuyến Trung ương đều quá tải.

Cử tri và nhân dân cả nước cho rằng việc đề xuất tăng học phí, viện phí, tiến hành cổ phần hóa bệnh viện công và những biểu hiện thương mại hóa trong giáo dục, y tế... thời gian gần đây là không đúng với chủ trương "xã hội hóa" y tế, giáo dục của đất nước.

Chính phủ cần chỉ đạo làm rõ chủ trương xã hội hóa y tế, giáo dục; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế trong và người nước để góp phần đầu tư, phát triển y tế, giáo dục, đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh và học hành của nhân dân.

Nhà nước chưa nên cổ phần hóa đối với bệnh viện công, trường học công mà cần tăng cường đầu tư ngân sách cho phát triển y tế, giáo dục công; xây thêm bệnh viện và nâng cấp bệnh viện công, trường học công, nhất là cấp huyện; có chính sách bảo hiểm y tế, học phí hợp lý... để người nghèo, nhất là nông dân, công nhân, người hưởng lương có điều kiện chữa bệnh, học hành.

Xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực

Chủ trương thu hồi đất của nông dân để xây dựng các khu công nghiệp, đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng là đúng nhưng trong thực tế đã có một số cán bộ lợi dụng thẩm quyền quản lý để cấp đất sai đối tượng, giá đền bù không thỏa đáng (giá đền bù thì rẻ, "bán" thì đắt), thu hồi đất nhưng chậm sử dụng, dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, đông người diễn ra ở nhiều nơi.

Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, các cấp tập trung giải quyết tốt những vấn đề khiếu nại, tố cáo của nhân dân, đặc biệt là những vụ việc khiếu kiện kéo dài, đông người liên quan đến việc đến bù giải tỏa, thu hồi đất đai của nhân dân để xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị.

Mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo sát sao và xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhưng hiện nay rất ít đơn vị, địa phương tự phát hiện và xử lý tiêu cực tại đơn vị, địa phương mình.

Trong số 8 vụ án điểm phát hiện, nhiều vụ vẫn chưa đưa ra xét xử, như: vụ Nguyễn Đức Chi; vụ Lâm Văn Thái; vụ án Lương Cao Khải...; vụ PMU 18 mới chỉ được xét xử một phần. Mới đây lại xảy ra vụ tiêu cực tại Ban Quản lý Đề án 112 ở Văn phòng Chính phủ đã làm cho nhân dân lo lắng và bức xúc.

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG