Tâm bão sẽ không vào Khánh Hòa

Tâm bão sẽ không vào Khánh Hòa
TPO - Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương nhận định, tâm bão có khả năng đổ bộ vào phía Nam thị xã Phan Rang (Ninh Thuận), tỉnh Khánh Hoà chỉ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 9.

>> Nhiều tỉnh vẫn còn chủ quan trong phòng chống bão

>> Vẫn còn 769 tàu với hơn 7000 người trên biển

Tâm bão sẽ không vào Khánh Hòa ảnh 1

Sơ đồ dự báo đường di chuyển của bão số 9 do TT Dự báo KTTV TƯ phát lúc 17h30 ngày 4/12.

TT Dự báo KTTV TƯ : Tâm bão đi vào các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre

Theo thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương, hồi 16 giờ ngày 4/12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 11,3 độ vĩ bắc, 110,0 độ kinh đông, cách bờ biển các tỉnh từ Khánh Hòa đến Bình Thuận khoảng 120km về phía đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102 km một giờ), giật trên cấp 10.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 - 250 km.

Như vậy, bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển từ Phú Yên đến Sóc Trăng. Khoảng đêm 4/12, vùng tâm bão có khả năng đi vào địa phận các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre. Đến 16 giờ ngày 5/12 vị trí tâm bão ở vào khoảng 10,5 độ vĩ bắc; 106,4 độ kinh đông, trên địa phận các tỉnh đồng bằng Nam Bộ.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km, đi sâu vào đất liền và thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực biên giới phía nam Cămpuchia - Việt Nam.

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Bình Định đến Sóc Trăng có gió bão mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, sóng biển cao từ 6 đến 8 mét. Biển động rất mạnh. Các tỉnh ven biển từ Bình Định đến Sóc Trăng có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10.

Các tỉnh nam Tây Nguyên và đồng bằng Nam Bộ, gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, cấp 9, giật trên cấp 9. Ở các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Thuận, phía nam Tây Nguyên, Nam Bộ và vùng biển từ Cà Mau đến Kiên Giang có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lốc xoáy. Vùng ven biển các tỉnh từ Bình Định đến Sóc Trăng cần đề phòng nước dâng cao do bão kết hợp với thủy triều cao từ 3 - 4 mét và sóng biển cao từ 5 - 7 mét.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, vịnh Bắc Bộ và ngoài khơi Trung Trung Bộ có gió đông bắc mạnh cấp 6 - 7, giật trên cấp 7. Biển động mạnh. Khu vực bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 7, cấp 8, giật trên cấp 8. Biển động rất mạnh.

Bộ trưởng Cao Đức Phát : Tâm bão đổ bộ vào phía Nam thị xã Phan Rang (Ninh Thuận)

Lúc 15 giờ, Thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã họp với lãnh đạo UBND và các ban ngành của tỉnh Khánh Hoà. Ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương nhận định, tâm bão có khả năng đổ bộ vào phía Nam thị xã Phan Rang (Ninh Thuận), tỉnh Khánh Hoà chỉ nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 9.

Ông còn đề nghị sớm dời Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLB Trung ương từ Nha Trang vào phía Nam. Tuy nhiên, ông chỉ đạo tiếp tục kiên quyết không để người nuôi trồng thuỷ sản trở lại lồng bè trước khi bão tan, tuyệt đối chưa cho tàu thuyền rời khu neo đậu tránh bão.

Việc sơ tán dân khỏi các vùng có nguy cơ lũ quét và tạm trú ở khu vực an toàn vẫn phải tiếp tục trong vài ngày tới. Ngày 5/12, học sinh các cấp ở Khánh Hoà vẫn nghỉ học.

Tại Nha Trang và thị xã Cam Ranh, đến 16h30 vẫn chỉ có gió cấp 4 - 5, mưa nhỏ.

Nhiều địa phương vẫn chậm trễ trong di dời dân

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ đạo PCLB T.Ư đến 14h hôm nay các tỉnh ven biển như Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa Vũng Tàu đã cơ bản hoàn thành xong công tác di dời dân khỏi những khu vực nguy hiểm các tàu thuyền đều đã vào nơi tránh, trú bão an toàn. Tuy nhiên nhiều địa phương khác vẫn còn chậm trễ trong công tác di dời dân.

Tính đến 11 trưa nay tỉnh Phú Yên là tỉnh đầu tiên hoàn thành việc di dời 1.936 hộ với 8.047 người. Tỉnh Bình Định cũng đã di dời 1.566 hộ với 7.252 người (kế hoạch di dời 1.444 hộ với 6.433 người).

Riêng tỉnh Bình Thuận hiện mới chỉ di dời được 1.736 hộ với 6.833 người trong khi số hộ cần di dời là 6.986 hộ với 30.387 người. Trước sự chậm trễ trong công tác di dời dân ở Bĩnh Thuận, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã chỉ đạo lãnh đạo địa phương cần kiên quyết hơn, thậm chí cưỡng chế đối với những hộ dân không chịu di dời.

Theo Ban chỉ đạo, tình hình phòng chống bão cũng đang nóng lên tại các tỉnh Đông Nam Bộ. Lãnh đạo tỉnh Bình Dương khẳng định sẽ hoàn tất việc di dời dân trước 10h sáng mai, 5/12 đồng thời sẽ tiến hành rà soát lại các công trình xây dựng đang thi công. Tỉnh cũng cho dùng việc thi công các công trình nằm trong vùng có nguy cơ về lũ trong thời gian bão xảy ra.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo PCLB TP.HCM, đến 13h chiều nay đã di dời được 2.080 hộ dân về nơi an toàn. TP.HCM hiện vẫn còn 4 tàu, thuyền với 34 thuyền viên của doanh nghiệp Huỳnh Liên chưa về đến nơi tránh trú bão nhưng vẫn giữ liên lạc với đất liền.

Bình Thuận: 2.057 phương tiện tự ý ra khơi đánh bắt

Đại diện Bộ Ngoại giao cho biết đã có công hàm gửi các nước và vùng lãnh thổ lân cận, đề nghị giúp đỡ các ngư dân Việt Nam trú tránh bão.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao, hiện có 2 tàu cá của Bình Thuận, với 9 thuỷ thủ và một thuyền trưởng, đi tránh bão đang bị phía Indonesia bắt giữ.

Đó là tàu BTH 1799 với chín ngư dân (bị bắt ngày 1/12) và tàu 0477 TS (bị bắt ngày 3/12). Hiện nay, 11 tàu khác của Việt Nam, với 94 ngư dân đang neo đậu tránh bão tại khu vực Bắc Natuna, ở toạ độ 4 độ vĩ bắc và 107 độ kinh đông.

Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ Ngoại giao có ngay công hàm đề nghị nước bạn giúp đỡ.

Theo báo cáo của lực lượng Bộ đội biên phòng, hiện ở một số ịa phương do chưa bị ảnh hưởng của bão nên vẫn còn tình trạng ngư dân tự ý cho tàu ra khơi đánh bắt cá do trời vẫn quang, tạnh và không có biến động. Theo thống kê, sáng sớm đến hết 14h chiều nay lực lượng bộ đội biên phòng tại tỉnh Bình Thuận đã ngăn không cho 2.057 phương tiện ra khơi đánh bắt.

Đại diện lực lượng Bộ đội biên phòng cũng cho biết chiều nay lực lượng biên phòng đã phát hiện và vớt được thi thể của một ngư dân được xác định tên Lê Thịnh tại cửa biển xã An Ninh Đông (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên). Đây là một trong số ba ngư dân được xác định đã bị mất tích từ hôm 3/12.

Cảnh báo nguy cơ cháy nổ trên các tàu thuyền neo đậu

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo PCLB T.Ư chiều nay, đại diện Bộ Thủy sản cho biết việc có tới 68.400 tàu thuyền đã về bờ an toàn tại các địa phương cùng lúc đã làm nảy sinh những vấn đề hết sức phức tạp. Cụ thể: do có quá nhiều tàu thuyền dồn về một lúc tại các cảng cá nên việc neo đậu rất khó khăn và dễ dẫn đến việc các tàu thuyền va đập gây đứt cáp, chìm thuyền.

Bên cạnh đó các tàu thuyền dù neo đậu vào nơi an toàn nhưng do hiện nay các tàu thuyền đều sử dụng bình ga để đun nấu trên tài nên khi bị lốc xoáy làm tàu đâm, va đập vào nhau và có thể gây ra cháy nổ. Trước ý kiến này của đại diện Bộ Thủy sản, Phó Thủ tướng thường trực cũng chỉ đạo lực lượng công an, quân đội ngoài việc cưỡng chế không cho ngư dân ở lại trên tàu, trên các lồng bè cần lưu ý đến vấn đề chống cháy nổ trên.

MỚI - NÓNG