Tân Bộ trưởng Y tế sau 100 giờ nhậm chức

Tân Bộ trưởng Y tế sau 100 giờ nhậm chức
Gần 100 giờ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu nhậm chức tân Bộ trưởng Bộ Y tế chưa đủ để nói lên điều gì đối với ngành vốn được coi là nóng bỏng và nhạy cảm.
Tân Bộ trưởng Y tế sau 100 giờ nhậm chức ảnh 1
Ông Nguyễn Quốc Triệu

Trước khi làm Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, ông đã có hàng chục năm gắn bó với ngành y từ giảng đường đại học đến làm lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội rồi Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em... nên nhiệm vụ làm Bộ trưởng Bộ Y tế cũng là công việc quen thuộc và gắn bó với tân Bộ trưởng.

Ngay trong 8 năm làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, tân Bộ trưởng cũng rất quan tâm và thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành chức năng Hà Nội làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Do đó, nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế là công việc mới và không mới đối với ông.

Theo ông, ngành Y tế Việt Nam phải giải quyết những bức xúc để phát triển nền y tế xã hội chủ nghĩa trong cơ chế thị trường .Vì vậy các vấn đề như dịch bệnh, vệ sinh ATTP, giá thuốc, quá tải bệnh viện, y đức... sẽ lần lượt được giải quyết từng bước. Bộ trưởng cho rằng: phải có thời gian và quá trình tìm hiểu, nắm bắt toàn bộ hoạt động của ngành một cách chắc chắn thì ông và lãnh đạo ngành y tế mới hoàn thiện và đưa ra mô hình phát triển ngành trong cơ chế thị trường và hội nhập khu vực.

Tân Bộ trưởng khẳng định ông và lãnh đạo Bộ Y tế tiếp tục kế nghiệp nguyên Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến ưu tiên giải quyết triệt để và hiệu quả vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.Với kinh nghiệm quản lý ở thành phố,thời gian qua ông đã rất quan tâm và cùng ngành y tế chỉ đạo sát sao nên rất may Hà Nội chưa xẩy ra vụ ngộ độc lớn.

Ông cho rằng, nếu vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm làm không tốt tác động trực tiếp đến sức khỏe thậm chí cả tính mạng người dân cũng như đời sống kinh tế xã hội. Bộ trưởng cho biết, Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề dư lượng hóa chất độc hại trong chăn nuôi thủy hải sản, trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thực phẩm, bảo quản và vận chuyển thực phẩm... theo tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, ngành y tế có trách nhiệm rất lớn cùng các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng.

Tân Bộ trưởng rất tán thành các phương hướng, chiến lược phát triển của ngành là ưu tiên đầu tư cho y tế dự phòng vì chỉ có 5 trường hợp nhiễm SARS mà GDP năm đó đã sụt giảm và ảnh hưởng nhiều lĩnh vực: môi trường đầu tư, xã hội, trong khi xuất hiện ngày càng nhiều dịch bệnh mới tối nguy hiểm đe dọa đến sức khỏe-kinh tế-xã của cả cộng đồng. 

Ông cho rằng cần tiếp tục nâng cao chất lượng điều trị từ tuyến Trung ương đến cơ sở để giảm thiểu thấp nhất việc bệnh nhân chuyển tuyến; giảm nhiễm trùng trong bệnh viện và chẩn đoán không chính xác; giảm thời gian điều trị; huy động nguồn lực để xây mới và nâng cấp chất lượng bệnh viện theo nhu cầu của xã hội. Đặc biệt ưu tiên và quan tâm đến người dân vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số...

Muốn làm được điều đó, Bộ trưởng khẳng định phải huy động cả 3 nguồn lực: tăng nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho y tế; huy động sự tham gia của cộng đồng trong nước; tìm kiếm, tranh thủ nguồn đầu tư hỗ trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Vấn đề cuối cùng mà tân Bộ trưởng hết sức quan tâm là sự sát nhập ngành dân số vào ngành y tế. Đây là một chủ trương và bước đi thích hợp của Chính phủ về quản lý nhà nước. Theo đó, trong tháng 8-9/2007, Chính phủ sẽ thông qua Nghị định thành lập Tổng cục Dân số thuộc Bộ Y tế. Việc sáp nhập một bộ phận chính của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em (phần dân số) vào Bộ y tế không làm yếu và giảm chức năng nhiệm vụ cuả ngành mà ngược lại, bộ máy còn mạnh hơn cả về quản lý nhà nước, chức năng và nhiệm vụ mà Nhà nước đã giao phó.

Nhân dịp này, tân Bộ trưởng cũng nhắn nhủ các ủy ban dân số địa phương đừng “nản lòng" về từ “giải thể“, đó chẳng qua là “châu về hợp phố“ .Vì UBDS vốn xuất phát từ Bộ Y tế. Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh: Ban lãnh đạo Bộ y tế và cả cá nhân Bộ trưởng sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để công tác dân số, bộ máy dân số hoạt động tốt nhất.

Sau 100 ngày nữa, hy vọng tân Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ có một chương trình hành động để ngành y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguyễn Thị Thúy
TTXVN

MỚI - NÓNG