Tận cùng sự thật

Tận cùng sự thật
TP - Đối với những người cầm bút chúng tôi, dịp 21/6 này thật đặc biệt. Bởi, cơ hội trực tiếp chạm vào từng mét nước chủ quyền Hoàng Sa thiêng liêng - nơi Trung Quốc đang cưỡng chiếm trái phép - là một điều hiếm có.

Đặc biệt, bởi cả nước dõi theo những dòng tin thời sự, từ thực địa giàn khoan và dành cho báo chí cùng lực lượng thực thi pháp luật trên biển sự ủng hộ, khích lệ lớn lao. Đặc biệt, cũng bởi hiếm khi những dòng thông tin về bản chất, mưu đồ, toan tính của Trung Quốc lại được ghi nhận một cách cận cảnh, chính xác, và rõ ràng đến từng tên gọi, số hiệu tàu.

Còn nhớ trước đây, ai cũng biết “tàu lạ”, “tàu nước ngoài” đâm húc, cướp phá, đòi tiền chuộc tàu ngư dân Việt kia là ai. Nay, cánh báo chí chúng tôi đã tận mắt chứng kiến, đã có trong tay những bằng chứng bằng hình ảnh không thể chối cãi. Ví như cái tàu cá giả dạng của Trung Quốc 11209 đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của Đà Nẵng. Giờ đã khác hẳn. 

Giàn khoan Hải Dương 981 đã hạ đặt trái phép xuống vùng biển Việt Nam. Bộ mặt, dã tâm và những mưu mô, thủ đoạn độc chiếm Biển Đông, bất chấp lợi ích các quốc gia khác của Trung Quốc không thể, và không còn có thể che đậy bằng bất kỳ tuyên bố hữu nghị, hòa bình viển vông nào nữa.

Tôi cùng 19 nhà báo, phóng viên đợt đầu tiên theo các tàu lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam ra thực địa điểm nóng Hoàng Sa. Biển trời Hoàng Sa lồng lộng, trong trái tim, tâm thức mỗi nhà báo chúng tôi, rưng rưng niềm xúc động khi được lần đầu đặt chân tới vùng biển chủ quyền Hoàng Sa của Tổ quốc.

Cánh nhà báo Đà Nẵng, miền Trung chúng tôi mở mắt ra thấy biển, thấy ngư dân, lạ gì những câu chuyện kể đầy tính thời sự về Hoàng Sa, về tranh chấp trên biển, về thiệt hại đời sống ngư dân gánh chịu. Nhưng được tận thấy Hoàng Sa là niềm ao ước, không dễ gì có được. 

Một nữ đồng nghiệp VTV Đà Nẵng khi thực hiện phim tư liệu “Tác nghiệp Hoàng Sa” đặt riêng tôi câu hỏi: với nghề báo, anh có sự thay đổi gì trước và sau khi ra Hoàng Sa. Cái khác biệt, chính là giữa sự “nghe” và “thấy”. 

Như một nhà báo hãng thông tấn Kyodo News (Nhật Bản), trực tiếp ra Hoàng Sa đã nói: trăm nghe không bằng một thấy. Trước đây, chỉ “nghe” nhiều về Hoàng Sa, giờ được trực tiếp “thấy”, được cảm nhận từng mét nước chủ quyền, được tường tận bản chất, mưu mô của Trung Quốc cùng hoạt động thực thi quyền chủ quyền của Việt Nam. Bởi vậy, đúng dịp 21/6 này, nhiều nhà báo vẫn đang miệt mài bám trụ thực địa nơi giàn khoan, trong đó có nhà báo Trần Tuấn của Tiền Phong.

Báo chí hơn lúc nào hết, đang có cơ hội tiếp cận sâu nhất, thật nhất vào cốt lõi vấn đề, của sự vật, hiện tượng. Và do đó, bạn đọc cũng được tiếp nhận những thông tin nóng hổi, khách quan và chân thực nhất về dã tâm thôn tính biển Đông bất chấp luật pháp và đạo lý của Trung Quốc. Những “nhà báo - chiến sĩ” chúng tôi cảm thấy vinh dự, tự hào khi tác nghiệp ở Hoàng Sa vừa thấy vai trò trách nhiệm của báo chí luôn đồng hành cùng hơi thở dân tộc. 

Tác nghiệp ở Hoàng Sa, chúng tôi đã đi tới tận cùng của sự thật!


MỚI - NÓNG