Tan giấc mơ vàng: “Vào hầm vàng coi như... chết một nửa!“

Lô Văn Thôn kể về những ngày tháng lao động ở các bãi vàng Quảng Nam.
Lô Văn Thôn kể về những ngày tháng lao động ở các bãi vàng Quảng Nam.
Câu tâm sự rất thật của Lô Văn Thôn khiến chúng tôi không khỏi giật mình. Cực khổ, hiểm nguy, có thể mất mạng bất cứ lúc nào nhưng nhiều thanh niên miền Tây Nghệ An vẫn rời quê để tìm cơ hội đổi đời trong các bãi vàng.

Ăn cơm muối với rau rừng, tìm vàng cho ông chủ

Năm 2011, vừa học xong lớp 11, nghe người ta lôi kéo, Lô Văn Thôn rời bản Xao Va (Bảo Thắng, Kỳ Sơn, Nghệ An) vào bãi vàng ở Khâm Đức (Phước Sơn, Quảng Nam) tìm kiếm cơ hội đổi đời. Do sức khỏe không được như những người khác nên Thôn được bố trí làm việc ở bên ngoài cửa hầm với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Công việc của Thôn là đãi số đất mà những người ở trong hầm đưa ra để tìm vàng.

“Không găng tay, mũ mão chi mô, cứ tay trần mà đãi vàng. Em làm từ sáng đến tối mịt. Đợt nào đãi được nhiều vàng thì họ cho ăn sướng, có cả thịt gà, rượu nữa. Đợt nào không có vàng thì chỉ cơm trắng với muối, rau rừng thôi. Em làm ngoài bãi thì còn đỡ khổ nhưng tiền ít. Những người vào hầm thì lương gấp đôi, 7-8 triệu/tháng. Không phải ai cũng được vào hầm mô, phải thật khỏe, thật lỳ mới được vào nhưng vào hầm vàng thì coi như... chết một nửa rồi”, Lô Văn Thôn kể.

Có lẽ Thôn sẽ không rời bãi vàng nếu như không có vụ sập hầm vào giữa năm 2012 khiến 2 “phu vàng” quê Hà Giang làm cùng bãi tử vong. Cái chết tức tưởi của hai người cùng làm khiến chàng trai 17 tuổi hoảng sợ mà đòi về bằng được. Cũng may, ông chủ của Thôn cũng là người biết điều nên Thôn mới được về nhà. “Giờ có cho nhiều tiền cũng không dám đi nữa”, Thôn lắc đầu quầy quậy khi chúng tôi hỏi.

Tan giấc mơ vàng: “Vào hầm vàng coi như... chết một nửa!“ ảnh 1 Moong Thị Sắc và Lò Thị Xí - 2 thiếu nữ vừa bỏ trốn thành công sau 1 tháng lao động khổ sai ở bãi vàng Phước Sơn (ảnh Hùng Tiến/Báo Nghệ An).

Cách đây gần nửa tháng, Moong Thị Sắc (SN 2000) và Lò Thị Xí (SN 2001) cùng trú tại xã Bắc Lý, Kỳ Sơn, Nghệ An vừa đào thoát khỏi bãi vàng ở Phước Sơn (Quảng Nam) sau hơn 1 tháng rưỡi lao động khổ sai ở đây. Cuối tháng 2/2016, một người phụ nữ vào bản, “tuyển” người đi làm với lời hứa hẹn làm việc nhẹ, lương cao. Lúc này Sắc vừa bỏ học được mấy tháng còn Xí bỏ học được hơn 1 năm, nghe bùi tai nên nhận lời.

“Họ đưa chúng em vào bãi vàng. Em phải làm việc từ sáng sớm đến trưa, ăn xong một tý lại phải ra làm việc đến tối mịt. Con gái thì đãi vàng, con trai thì vào hầm đào. Làm việc cực khổ lắm nhưng chỉ được ăn cơm với cá khô, đu đủ muối, tối ngủ ở lán chung, không có màn, không có gối. Khổ quá, chịu không được nên em với Xí viết đơn xin ông chủ cho về nhưng ông không cho.

Tan giấc mơ vàng: “Vào hầm vàng coi như... chết một nửa!“ ảnh 2 Mẹ và vợ anh Cụt Hải Sơn trong căn nhà trống hoác ở bản Xao Va, Bảo Thắng, Kỳ Sơn, Nghệ An. Anh Sơn và 2 người em trai cùng bỏ mạng sau một vụ sập hầm vàng ở Quảng Nam vào ngày 12/4 vừa qua.

Hai chị em quyết định trốn khỏi bãi vàng. Cứ cắt rừng mà đi, hơn 1 ngày sau thì ra được đường lớn, vừa mệt, vừa đói, vừa sợ. May được người dân giúp đỡ, đưa lên Công an huyện trình báo. Sau các chú công an gọi điện cho chủ bãi vàng, ông Quang (tên chủ bãi vàng nơi Sắc và Xí làm việc) mới chịu trả tiền cho em. Mỗi đứa được 4,5 triệu đồng tiền công cho 1 tháng rưỡi làm việc ở bãi”, Sắc kể.

Theo lời Sắc, cùng làm việc ở bãi vàng còn có khoảng 20 cô gái khác cũng quê ở xã Bắc Lý. Sau khi Sắc và Xí trốn thoát khỏi bãi vàng, đến báo với Công an huyện Nam Giang thì số lao động nữ trên cũng được công an vào đưa ra khỏi bãi.

“Em sợ rồi, không đi làm vàng nữa mô. Năm sau em xin đi học lại (Sắc học hết học kỳ 1 lớp 10 thì nghỉ), cố gắng lấy cái bằng cấp 3 rồi đi xin làm công nhân”, Moong Thị Sắc nói.

Tan giấc mơ vàng: “Vào hầm vàng coi như... chết một nửa!“ ảnh 3

Đàn ông, thanh niên đi làm vàng, bản làng chỉ toàn phụ nữ và trẻ em.

Những đứa trẻ sau “giấc mơ vàng”

Dường như câu chuyện của Sắc hay cái chết dữ dội của 3 anh em Cụt Hải Sơn, Cụt Phò Phèng, Cụt Văn Ngọ (bản Xao Va, Bảo Thắng, Kỳ Sơn) chẳng khiến người dân ở miền Tây Nghệ An sợ hãi. Họ vẫn rời bản ra đi, mang theo giấc mơ đổi đời ở các bãi vàng mặc nguy hiểm rình rập, tính mạng đi đe dọa.

Vụ sập hầm vàng ở thôn Dung (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) ngày 12/4 vừa qua cướp mất của ông Cụt Phò Quyền 3 đứa con và khiến 10 đứa cháu nội của ông phải chịu cảnh mồ côi, trong đó có 6 đứa con của anh Cụt Hải Sơn và 4 đứa con của anh Cụt Phò Phèng. Dưới cái nắng gay gắt, mấy đứa cháu nội của ông Cụt Phò Quyền có đứa chẳng có quần áo để mặc, đuổi nhau chạy khắp bản. Mất đi trụ cột của gia đình, không biết tương lai của chúng sẽ đi về đâu?

Vào giữa tháng 4/2016, tại bản Na Bè, xã Xá Lượng, Tương Dương (Nghệ An), bé Moong Thị Tân Mão (SN 2011) bị một nhóm gồm 5 người bắt cóc bán sang Trung Quốc. Tại thời điểm bé Mão bị bắt cóc, ông Moong Văn Nghệ - cha của bé đang đi làm cho một bãi vàng ở Quảng Nam.

Mẹ bỏ đi từ khi Mão còn bé xíu, cha đi làm ở bãi vàng, năm may mắn về được vài lần, còn người mẹ kế vào rừng làm rẫy, Moong Thị Tân Mão cứ như cây dại trong rừng, lân la đến nhà hàng xóm chơi, ai cho gì thì ăn. Thực ra thì trước khi vào rẫy, người mẹ kế cũng nhờ anh em trong bản trông hộ nhưng ai cũng mải mê kiếm ăn, đâu có thời gian để ý chăm sóc đến bé Mão.

Tan giấc mơ vàng: “Vào hầm vàng coi như... chết một nửa!“ ảnh 4

Bé Moong Thị Tân Mão trong vòng tay của dân bản sau khi được Công an huyện Tương Dương giải cứu từ tay bọn buôn người. Bố của Mão đang làm việc ở bãi vàng nào đó trong Quảng Nam, chưa thấy về....

Chính sự thiếu quan tâm, chăm sóc của người thân đã khiến bé Moong Thị Tân Mão trở thành “con mồi” cho bọn tội phạm buôn bán người. 20 ngày lực lượng chức năng huyện Tương Dương tung toàn lực lượng để tìm kiếm bé Mão thì cha của bé vẫn mải miết trong bãi vàng đâu đó ở Quảng Nam. Thậm chí, cả khi lực lượng chức năng giải cứu thành công bé Mão, ông Moong Văn Nghệ cũng không có mặt tại địa phương để tiếp nhận con gái mình.

Theo Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG