Sạt lở thập diện mai phục ĐBSCL - Bài 3:

Tan hoang Ba Động kỳ vĩ

Ông Danh Văn Mỡ ở ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, (Duyên Hải, Trà Vinh) chỉ trên bãi cát đã cuốn mất nhà và hàng dương. Ảnh: Hòa Hội.
Ông Danh Văn Mỡ ở ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải, (Duyên Hải, Trà Vinh) chỉ trên bãi cát đã cuốn mất nhà và hàng dương. Ảnh: Hòa Hội.
TP - Ngày 20/3/2014, báo Tiền Phong đăng bài “Ba Động đâu rồi?”phản ánh địa danh kỳ vĩ Ba Động ở thị xã Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh) nổi tiếng từ thời Pháp thuộc với những bãi biển thơ mộng có các khu nghỉ mát, ngọn hải đăng đầy huyền tích nhưng đã lở mất rồi. Hơn 3 năm sau, đầu tháng 5/2017, phóng viên Tiền Phong quay trở lại nơi này và tiếp tục chứng kiến cảnh tượng tan hoang….

Nằm kẹp giữa cửa biển sông Tiền và sông Hậu, Ba Động (thuộc tỉnh Trà Vinh) là giồng cát dài hình vòng cung song song với bờ biển, càng về phía biển càng cao và rộng. Sách chép, ba giồng cát cuối cùng cao hàng chục mét ở Duyên Hải, làm nên địa danh Ba Động nổi tiếng từ thời Pháp. Tuy nhiên, hiện nay không còn thấy những giồng cát kỳ vĩ chục năm trước trải dài mênh mông với rừng phi lao vi vu xanh. Hầu hết đã nằm dưới nước, thi thoảng có vài cụm phi lao xơ xác và mấy căn nhà tan hoang đổ sụp xuống nền cát.

Kiệt sức

Giữa trưa nắng như đổ lửa, ông Danh Văn Mỡ (65 tuổi) nhà ở khu vực Cồn Nhàn, thuộc ấp Hồ Thùng, xã Đông Hải (Duyên Hải, Trà Vinh) đứng trên bãi cát rát bỏng, đăm chiêu nhìn về phía biển. Ông cho biết, căn nhà lá với cột gỗ chôn thẳng vào bãi cát của ông đã bị sóng biển cuốn sập nằm ẹp sát mé biển, còn căn nhà cấp bốn của con trai ông vỡ vụn tanh bành nằm bên cạnh. Ông Mỡ cho biết, triều cường tháng 10 năm ngoái sóng đánh tan hoang đê biển khiến vạt cây phi lao hơn 20 tuổi đổ sụp, bật gốc nằm ngả nghiêng, trải dài hàng cây số và rộng mấy chục mét. Trận triều cường còn đẩy nước biển tràn vào sâu trong đất liền khiến ruộng dưa hấu của nhiều hộ dân đang cho trái phải chết rũ.

Nhà ông Mỡ trước đây vốn xa biển cả trăm mét nhưng bờ biển lở dần đến cuối năm ngoái thì lấn sát mé nhà.  “Ban đêm tôi đang ngủ, nghe sóng vỗ ầm ầm, mở mắt ra thì nước đã tràn vào nhà ngang ống chân, rồi cuốn sập căn nhà của tôi và con trai bên cạnh”-ông Mỡ kể. Con gái ông làm công nhân ở TPHCM tích góp gửi tiền về cho ông cất lại căn nhà và mới vừa làm xong. “Nói dời nhà đi xa nhưng cũng chỉ độ trăm mét, vì vẫn làm trên mảnh đất của gia đình, chứ không có đất đâu mà đi xa hơn”-ông Mỡ nói.

Tan hoang Ba Động kỳ vĩ ảnh 1 Cháu nội ông Mỡ 13 tuổi chưa biết  chữ.

Ông Mỡ là dân kỳ cựu ở xứ sở trồng dưa hấu Ba Động nổi danh khắp miền Tây Nam bộ. Chỉ tay về hàng phi lao trơ gốc gần cả cây số, ông cho biết dân ở đây nhờ có hàng cây bao bọc để sống mấy chục năm, nhưng giờ đến hàng cây cuối cùng này cũng bị biển cuốn đi. “Cứ dời nhà, chạy lở riết hết đất rồi không biết lấy gì sống, tụi tôi kiệt sức rồi”-ông Mỡ than thở.

Theo ông Mỡ, trước đây khi chưa cắt đê kênh Quan Chánh Bố vào sông Hậu thì thương lái vào tận nhà mua đồ rẫy của nông dân với giá cao và  con cháu đi học dễ dàng. Giờ bị chia cắt, phải đi đường vòng, qua phà mất thời gian, vì thế muốn bán được hàng hóa cũng trở nên khó khăn và bị thương lái ép giá.

Gia đình ông Mỡ có 8 người con, vợ mất cách nay hơn chục năm. Ông sống cùng vợ chồng con trai út. Ông cho biết, hầu hết các con ông đều có gia đình, ở riêng, trong đó 3 đứa con gái lên TPHCM làm thuê rồi lấy chồng, những người còn lại sống quanh khu vực này, đều nghèo. “Nhà bị sóng cuốn sập và nước tràn vào ruộng dưa làm thiệt hại 5 công hồi cuối năm ngoái nên trắng tay. Vì thế, con trai phải dắt vợ bỏ xứ lên Bình Dương làm thuê, gửi lại cháu nội cho tôi nuôi”- ông Mỡ buồn bã nói.

Tiến thoái lưỡng nan

Ngày ngày bà Nguyễn Thị Thúy (khu vực Khâu Lầu thuộc ấp Cồn Trứng, xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải) thường đứng nhìn xa xăm ra biển. Bà Thúy cho biết, Nhà nước xây bờ kè, nhưng riêng đoạn trước nhà bà thì không hiểu sao lại dừng, công nhân rút đi hết hồi trước Tết đến giờ. “Con nước vừa rồi (tháng 2 âm lịch -PV), nước biển tràn vào cuốn sập căn nhà cấp bốn do nhà hảo tâm xây tặng mất rồi. Cứ để như vầy thì chỉ cần một con nước mạnh đập vào thì căn nhà của mẹ tôi kế bên cũng cuốn ra biển”- bà Thúy nói.

Ông Phan Dương Nguyên - Chủ tịch UBND xã Trường Long Hòa cho biết, hầu như toàn bộ rừng phòng hộ tuyến đê biển của xã đã bị sóng đánh sập mấy năm nay. Bây giờ, nhà nước đầu tư xây dựng công trình kè dài 4.280 m trên địa bàn toàn xã, đến nay đã cơ bản xây dựng xong, chỉ còn lại gần 700 mét ở ấp Cồn Trứng, giáp nhà máy Nhiệt Điện do hết kinh phí. “Nếu không kịp thời hoàn chỉnh gần 700 mét còn lại thì không khéo sẽ phản tác dụng cả toàn tuyến kè trị giá hàng trăm tỷ đồng vì khi nước biển tràn vào phía cuối đê vòng qua phía sau gây ảnh hưởng hàng trăm héc ta hoa màu, nuôi trồng thủy sản của người dân”-ông Nguyên cảnh báo.

Tan hoang Ba Động kỳ vĩ ảnh 2 Ông Bùi Minh Khoa ở ấp Cồn Trứng, xã  Trường Long Hòa, Duyên Hải, Trà Vinh cho biết đã chứng kiến  lở bờ  biển khủng khiếp như thế này.

Ông Bùi Minh Khoa (62 tuổi) ở ấp cồn Trứng, xã Trường Long Hòa cho biết, gia tộc ông đã nhiều đời ở đây, nhưng cho đến đời của ông mới chứng kiến xói lở bờ biển khủng khiếp thế này. Đứng trên đoạn đê vừa mới xây dựng xong, ông Khoa chỉ tay ra biển và nói: “Gần chục năm trước bờ biển còn ở ngoài kia, rừng phi lao cũng còn ở ngoài kia”. Theo lời ông, mới mấy năm nhưng biển đã xâm thực nơi sâu nhất khoảng hơn trăm mét, nơi ít cũng vài chục mét, chỉ tính đất màu trồng trọt đã mất khoảng mấy trăm héc-ta.

Cạnh nhà ông Khoa là nhà bà Nguyễn Thị Trúc Phương. Bà Phương cho biết: “Căn nhà cấp bốn cất cả chục năm, nay rách nát mưa dột từ trên thẳng xuống nhưng không dám sửa hay cất lại vì nếu có cất lại thì sợ sóng biển cuốn mất, trong khi không còn đất để lùi vào trong. Bà Phương kể: “Mùa gió chướng hồi tháng giêng năm nay, sóng tràn qua bờ kè, vợ chồng khiêng đồ đi lên chỗ cao lánh nạn. Hơn nữa, trước đây khoảnh đất gần ha cho thu nhập mỗi năm cả trăm triệu, giờ sóng biển tràn vào không trồng gì cả, thậm chí gà, vịt còn không sống nổi”.

Nhiều người dân ở vùng này bị đẩy vào thế tiến thoái lưỡng nan. Gia đình bà Hà Thị Hương (47 tuổi) ở ấp Cồn Trứng là một trong số đó. Bà Hương cho biết, vì nhà nghèo, được nhà hảo tâm cất cho cái nhà, mới vừa ở được mấy tháng thì vào tháng 10 năm ngoái bị sóng đánh cuốn mất. Từ đó đến nay bà che cái chòi ở tạm, hằng ngày nhặt ve chai sống qua ngày. Bà cho biết, được nhà nước cấp cái nền ở tái định cư nhưng chưa có tiền cất nên vẫn phải ở tạm ven mé biển.

Bây giờ Ba Động kỳ vĩ đã mất. Người dân nơi đây đang sống hết sức bất an và chưa biết bao giờ yên ổn trở lại. PV Tiền Phong theo chân bà Hương rảo bước trên bờ biển và chứng kiến sự mong manh của vùng biển hiện nay. Cuối con đê cũng là nơi cách nhà bà vài chục mét chưa được bảo vệ, bà Hương chỉ tay về phía dãy nhà cũ kỹ sát mé biển rồi thốt lên: “Dân ở đây mệt mỏi lắm rồi, bây giờ mặc cho số phận, tới đâu hay tới đó chứ biết làm sao giờ”.

“Cứ dời nhà, chạy lở riết hết đất rồi không biết lấy gì sống, tụi tôi kiệt sức rồi” 

Ông Mỡ than thở

MỚI - NÓNG