Tản mạn về điểm dừng

Tản mạn về điểm dừng
TP - Mấy hôm nay, dư luận quan tâm về thông tin bắt quả tang Phó Tổng Giám đốc BIDV Đoàn Tiến Dũng đang nhận hối lộ của một doanh nghiệp. Số tiền lớn cả tỷ đồng.

Trao đổi với công luận đại diện Ngân hàng BIDV cho biết, sai phạm của ông Dũng bắt nguồn từ hồi còn làm tại BIDV chi nhánh Hải Phòng. Ông Dũng lên Phó Tổng Giám đốc BIDV từ tháng 9-2008. Như thế, hành vi này đã có quá trình, diễn ra chắc không phải một lần, đã quen nết đến mức táo tợn.

Công an Hà Nội cũng vừa bắt khẩn cấp bà Trần Thị Gái. Theo điều tra ban đầu, hồi làm quyền Giám đốc Chi nhánh cấp II Thanh Xuân của Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam, bà Gái vay 13,3 tỷ đồng của nhiều người rồi chiếm đoạt. Ngoài ra, bà còn rút thừa hơn 370 triệu đồng của một công ty để chiếm hưởng.

Dư luận vẫn chưa nguôi vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ ở TP Hồ Chí Minh nhận hối lộ nhiều tỷ đồng của mấy doanh nghiệp Nhật Bản. Theo hồ sơ, việc nhận hối lộ diễn ra nhiều lần, suốt thời gian dài.

Tại sao những người có chức vụ lương cao, bổng lộc lớn, là niềm mơ ước với hầu hết dân chúng, mà còn tham đến mức để phải vào nhà đá? Quả thật, cái gì trở thành thói quen đều khó sửa, thói quen đòi và nhận hối lộ càng khó sửa. Dân gian nay hay nói, các quan chức ăn hối lộ táo tợn là ăn quá dày, nói trại đi là “ăn giày” và ăn luôn cả tất. Họ không biết đến điểm dừng.

Về sự không biết điểm dừng, dư luận còn chú ý đến vụ trung tá Hoàng Văn Quỳnh dùng gậy điều khiển giao thông “va đập” vào mặt cô Đỗ Thị Hoa làm cô gãy răng, sưng mặt sáng 1-2.

Trung tá Quỳnh là cán bộ của Phòng Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, Công an Hải Phòng. Cô Hoa, 20 tuổi, ở thôn Nhất Trí, xã Đặng Cương (An Dương, Hải Phòng), chạy xe trên đường Lạch Tray, gặp trung tá Quỳnh ra hiệu lệnh dừng xe và hậu quả tai hại xảy ra. Cú va chạm rõ ràng là rất mạnh và cũng khá rõ ràng, trung tá Quỳnh đã vượt quá một điểm dừng cần thiết trong thực thi quyền lực. Hôm 2-2, trung tá Quỳnh đã bị đình chỉ công tác.

Tiền bạc và quyền lực là những thứ ham muốn lớn lao và nó là điều tốt nếu trên cơ sở  của lao động, lý tưởng xã hội. Nó sẽ trở thành tai họa và nhục nhã nếu thiếu trí tuệ và lòng nhân.

Luận về điểm dừng, lại có ý kiến cho biết, du học sinh nước ta trong vài năm đầu học ở nước ngoài, thường tỏ rõ tư chất thông minh nổi trội. Nhưng những năm tiếp theo thì  dừng lại và lu mờ dần. Những người càng về sau càng trở nên xuất sắc như Giáo sư Ngô Bảo Châu không phải là phổ biến. Đây chưa phải kết quả khảo sát đầy đủ, tuy nhiên không thể không đáng quan tâm.

Phải chăng, khả năng tư duy độc lập,  lý tưởng xã hội và lòng nhân ở nhiều người sớm có điểm dừng? Trong lúc, sự tham tiền, phạm pháp và thích chứng tỏ quyền lực, đang ngày càng có nhiều người không biết đến điểm dừng? Rất đáng âu lo! 

MỚI - NÓNG