Tán thành mở rộng Thủ đô

Tán thành mở rộng Thủ đô
TP - Cuối giờ chiều qua (29/5), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh liên quan, với 92,9% số ĐBQH tán thành.

Có 4 đại biểu không tán thành (chiếm 0,81%), 13 đại biểu không biểu quyết (chiếm 2,64%). Nghị quyết có hiệu lực từ 1/8/2008.

Tán thành mở rộng Thủ đô ảnh 1

Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô chiều 29/5. Ảnh: TTXVN

Theo đó, TP Hà Nội mở rộng có diện tích tự nhiên là 334.470,02ha và dân số là 6.232.940 người, bao gồm diện tích, dân số hiện tại TP Hà Nội (cũ) và toàn bộ diện tích 219.341,11ha và dân số 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây (sau khi tách xã Tân Đức huyện Ba Vì về Phú Thọ), diện tích, dân số huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), diện tích và dân số 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung (Lương Sơn - Hòa Bình).

TP Hà Nội có 29 đơn vị hành chính. Theo Nghị quyết, Chính phủ có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính của các địa phương theo hiến pháp, pháp luật; sắp xếp tinh gọn, hợp lý bộ máy hành chính, bảo đảm dân chủ, đoàn kết.

Chỉ đạo xây dựng đề án quy hoạch Thủ đô Hà Nội, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các ngành, các cấp và nhân dân. Hàng năm báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện nghị quyết này.

Mô hình thủ đô đa chức năng

Tán thành mở rộng Thủ đô ảnh 2

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc báo cáo tiếp thu giải trình về việc mở rộng Thủ đô tại QH chiều 29/5. Ảnh: TTXVN

Trước khi QH biểu quyết, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đọc báo cáo tiếp thu, giải trình về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội.

Người đứng đầu Chính phủ nói: “Chính phủ xin trân trọng tiếp thu những ý kiến rất trách nhiệm và xác đáng của các vị ĐBQH”.

Báo cáo của Thủ tướng đã giải trình và cụ thể thêm một số vấn đề được các đại biểu nêu lên như: Quá trình chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội; Về phương án lựa chọn quy mô mở rộng địa giới hành chính Thủ đô theo phương án 1; Lộ trình và các điều kiện thực hiện việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Theo Thủ tướng, lãnh đạo Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ cũng đã dành nhiều tâm huyết và sự quan tâm đặc biệt cho công việc này. Nghị quyết 15 - NQ/TW ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII)  khẳng định vai trò vị thế của Thủ đô Hà Nội “Là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế”.

Pháp lệnh Thủ đô số 29/2000/LP-UBTVQH 10 cũng xác định: “Xây dựng, phát triển Hà Nội - Thủ đô của nước CHXHCN Việt Nam, trái tim của cả nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại; góp phần xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

Như vậy, Thủ đô Hà Nội đã được xác định là Thủ đô đa chức năng, một mô hình thể hiện sự tiếp nối quá trình hình thành, phát triển của Thăng Long - Hà Nội.

“Quá trình nghiên cứu chuẩn bị phương án mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước” - Thủ tướng nói.

Tựa núi Ba Vì, hướng ra sông Hồng

Về việc lựa chọn phương án 1, Thủ tướng nói đây là phương án ít bị xáo trộn nhất, có thang điểm cao nhất, với 6 yêu cầu và 9 mục tiêu cụ thể, trên cơ sở của 5 phương án đưa ra nghiên cứu.

Với phương án này, khi nước ta đạt  mức dân số ổn định khoảng 120 triệu dân, thì Thủ đô có khoảng 10% dân số cả nước, đạt mật độ từ 3.500-4.000 người/km2, tương đương mật độ dân số các thủ đô Paris, Luân Đôn, Tokyo, Bắc Kinh…

“Theo phương án mở rộng này, địa thế Hà Nội tựa vào dãy núi Ba Vì và hướng ra dòng sông Hồng, Hà Nội sẽ luôn giữ được thế rồng cuộn hổ ngồi, tiện hướng nhìn sông dựa núi; tiếp nối được giá trị khoa học, nghệ thuật trong lịch sử hình thành và phát triển đô thị Việt Nam là luôn gắn môi trường sống của con người với môi trường cảnh quan thiên nhiên, đó cũng là xu hướng phát triển bền vững nhất mà nước ta cũng như các quốc gia trên thế giới đang hướng tới” - Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, các phương án 2, 3, 4, 5 có phương án mở rộng nhỏ hơn, nhiều xáo trộn hơn, không thể đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô. “Qua phân tích, phương án 1 hội tụ được nhiều yếu tố nổi trội, có số điểm cao nhất trong 5 phương án đề xuất” - Thủ tướng khẳng định. Thủ tướng cũng thừa nhận,  phương án này cũng còn một số khó khăn, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo khắc phục trong quá trình triển khai thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đã giải trình trước những thắc mắc, băn khoăn của ĐBQH về lộ trình và các điều kiện thực hiện và thừa nhận những sơ sót của Tờ trình. Tuy nhiên, Thủ tướng nói Chính phủ đã nghiêm túc tiếp thu và có báo cáo bổ sung về quá trình nghiên cứu, sự cần thiết cũng như phân tích rõ hơn phương án lựa chọn mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

MỚI - NÓNG