Tận thấy cuộc sống của người dân ở lõi rừng Gia Lai

Đời sống người dân ở lõi rừng xã Ia Hder gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn
Đời sống người dân ở lõi rừng xã Ia Hder gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn
TP - Tại tỉnh Gia Lai, hàng trăm hộ dân vẫn định cư, sinh sống trong lõi rừng. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy như trẻ em thất học, phá rừng, khó quản lý an ninh…

Cách trụ sở xã Ia Hder (huyện Krông Pa, Gia Lai) khoảng 19km có một ngôi làng tách biệt với cuộc sống bên ngoài, không điện, đường, trường, trạm. Con đường đất đến vùng này bụi ngày nắng, trơn trượt vào mùa mưa.

Những ngôi làng tự phát

Khoảng 2 giờ vượt đồi núi bằng xe máy chúng tôi mới tiếp cận được ngôi làng. Mười năm trước, vùng này chỉ có vài gia đình dân tộc thiểu số, đến nay đã có hơn 150 hộ từ nhiều nơi khác nhau của tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Phú Yên đến sinh sống. Họ làm nhà tạm bợ bằng những ván gỗ, đào giếng, nuôi gia súc, trồng hoa màu.

Anh Nay Y Duôn (42 tuổi, buôn Jú, xã Krông Năng, huyện Krông Pa) cho hay: “Mình có 2 ha mì, năm nay thu được hơn 25 tấn tươi. Đường khó đi, thương lái không vào mua, mình phải thuê máy cày kéo ra bán. Năm nay lỗ nhiều lắm, đầu tư 20 triệu đồng nhưng thu chỉ được 10 triệu đồng thôi”.

Anh Duôn kể, năm 2009, công trình Thủy điện Sông Ba Hạ hoàn thành, đất nông nghiệp của gia đình bị ngập. Tuy đã được đền bù nhưng không còn đất sản xuất, vợ chồng cùng 6 đứa con đến vùng này định cư. Những đứa con của vợ chồng anh Duôn cũng theo đó mà lần lượt nghỉ học sớm. Dù chính quyền vận động di dời khỏi khu vực rừng lõi nhưng anh Duôn không thực hiện vì về làng cũ không có đất, đi làm thuê cũng không ổn định.

Ở sâu trong chân núi Cư Bung (xã Ia Le, huyện Chư Pưh, Gia Lai) cũng có 55 hộ dân định cư. Nơi đây cách trung tâm xã Ia Le khoảng 18km, đường đi vào rất khó khăn. Vùng này cũng đủ thứ “không” bởi tách biệt với khu dân cư. Hầu hết người trưởng thành chấp nhận cuộc sống thiếu thốn nơi đây. Anh Vi Văn Khải (30 tuổi, huyện Ea Hleo, Đắk Lắk) có 3 ha đất sản xuất, định cư từ năm 2013. Anh Khải cho biết: “Vợ tôi đang nuôi 2 con ở nhà, chỉ mình tôi đến vùng này cày cuốc, chứ để các cháu vào kiểu gì cũng bỏ học sớm. Ở đây có 40 em nhỏ độ tuổi đi học nhưng chỉ 20 em còn duy trì”.

Hộ nghèo di dân

Ông Y Nguyên Ênuôl - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Gia Lai (Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai) cho biết, dân di cư tự do hầu hết là hộ nghèo, ở các vùng sâu, thu nhập thấp. Những năm gần đây, các hộ dân di cư tự do có xu hướng đến vùng lõi rừng. Điều này khiến tình trạng thất học trở lên phổ biến, việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an ninh gặp nhiều khó khăn.

Để giảm thiểu ảnh hưởng, từ năm 2005 đến nay tỉnh luôn quan tâm bố trí, sắp xếp chỗ ở cho hàng nghìn hộ dân di cư tự do. Hiện còn 92 hộ trên địa bàn tỉnh cần sắp xếp, ổn định đời sống. Trong đó có 55 hộ dân ở chân núi Cư Bung tỉnh đã nắm tình hình, hiện đang cho chủ trương huyện Chư Pưh lập dự án sắp xếp, ổn định cuộc sống lâu dài trong năm 2020.

“Về thông tin khoảng 150 hộ dân sống trong lõi rừng xã Ia Hdreh, đây thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Hiện UBND huyện Krông Pa đã thành lập đoàn công tác thống kê, vận động các hộ dân đang lấn chiếm trả lại đất đai cho chính quyền và về lại nơi sinh sống cũ” - Ông Ênuôl nói.

Tháng 4/2020, báo chí phát hiện tại tiểu khu 1430 (lâm phần của UBND xã Ia Hdreh) và tiểu khu 1432 (lâm phần của Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba) 58 thân gỗ bị cắt hạ (hơn 9,5m3), hơn 1 ha rừng bị phá làm nương rẫy.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.