Tăng chế tài xử lý tin giả

Nhiều trường hợp đưa tin giả trên MXH bị xử lý trong thời gian qua
Nhiều trường hợp đưa tin giả trên MXH bị xử lý trong thời gian qua
TP - Nghị định 15/2020 của Chính phủ vừa ban hành được kỳ vọng đủ sức răn đe, xử lý tình trạng bát nháo thông tin trên mạng xã hội.

Đại diện Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2020 tăng mức xử phạt, tăng tính răn đe, từ đó góp phần đẩy lùi tin giả, tin xấu độc cũng như việc lấy hình ảnh người khác bôi nhọ, “câu view” cho bản thân. Theo đó, quy định xử phạt hành vi tự ý đăng ảnh của người khác lên mạng xã hội với mức phạt lên đến 20 triệu đồng thực tế không phải quy định mới. Tuy nhiên, ở đây là chế tài cụ thể và tăng nặng mức xử phạt với hành vi này.

Bên cạnh đó, hành vi chia sẻ thông tin sai sự thật; xúc phạm, vu khống danh dự, nhân phẩm người khác sẽ bị phạt tương tự. Đồng thời với các hành vi miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; chia sẻ thông tin đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia cùng bị phạt cùng mức tiền như trên. “Việc nêu rõ các vi phạm điển hình và tăng mức xử phạt chắc chắn sẽ hiệu quả trong việc ngăn chặn tin giả, tin fake tràn lan trên mạng xã hội”, đại diện Sở TT&TT cho hay. Được biết, thời gian tới, Sở sẽ tăng cường việc kiểm tra, xử lý các hành vi nêu trên.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đăng ảnh cũng phải xin phép là quy định này có từ rất lâu để bảo vệ quyền tự do hình ảnh, quyền nhân thân cá nhân. Quyền này được quy định từ Hiến pháp và Bộ luật Dân sự. Nghị định số 15/2020/NĐ-CP là văn bản quy định về chế tài hành chính khi có hành vi vi phạm hành chính trong đó có vi phạm về quyền hình ảnh. Nghị định này thay thế Nghị định 174/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, tần số vô tuyến điện.

Theo luật sư Cường, Bộ luật Dân sự năm 2015 có nêu rõ: Mọi công dân đều có quyền tự do và hình ảnh của mình, việc sử dụng hình ảnh của công dân phải xin phép, nếu không được sự đồng ý của công dân thì người sử dụng trái phép hình ảnh phải gỡ bỏ, cải chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại (nếu gây thiệt hại). Tuy nhiên có một số trường hợp thì việc sử dụng hình ảnh của người khác được pháp luật cho phép. Như trường hợp hình ảnh sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động cộng đồng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh.

Ở đây cần nói rõ rằng: Không phải những hình ảnh được xuất hiện trên mạng xã hội, trên báo chí thì cơ quan chức năng sẽ lần tìm xem hình ảnh đó là của ai, người đó có đồng ý cho người khác đăng ảnh hay không mà cơ quan chức năng chỉ xem xét khi có đơn thư khiếu kiện, tố cáo, tố giác của người có hình ảnh.

Người có hình bị người khác sử dụng trái phép thì trước tiên cần phải thông báo cho người đó về việc không đồng ý sử dụng hình ảnh, yêu cầu người đó phải gỡ bỏ, nếu không gỡ bỏ thì có thể làm đơn trình báo với cơ quan chức năng hoặc khởi kiện ra tòa án để được xem xét giải quyết. Khi có đơn thư trình báo về sự việc bị xâm phạm quyền hình ảnh kèm theo các chứng cứ xác đáng thì cơ quan chức năng mới vào cuộc xác minh để làm rõ và xử lý người vi phạm theo quy định pháp luật.

Luật sư Nguyễn Ngọc Việt (Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết thêm, khoản 1 Điều 81 Nghị định 15 nêu rõ, phạt 30-50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2 triệu đồng. Luật sư Việt lý giải quy định này có thể được hiểu là việc giả mạo Facebook của cá nhân/tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt dưới 2 triệu của tổ chức/cá nhân thì sẽ chịu mức phạt 30-50 triệu.

 Từ ngày 15/4, Nghị định 15/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử sẽ có hiệu lực. Nghị định này thay thế cho Nghị định 174/2013 trước đó.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.