Tăng cường lấy mẫu hoa quả kiểm nghiệm

Hoa quả được tẩm ướp hóa chất gì để tươi lâu vẫn chưa có lời giải đáp
Hoa quả được tẩm ướp hóa chất gì để tươi lâu vẫn chưa có lời giải đáp
TP - Sau khi thông tin quả lê được PGS. TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia mua về để 5 tháng ở bàn làm việc vẫn không hỏng được chia sẻ đã khiến người tiêu dùng hoang mang bởi đó không phải là chuyện hiếm lâu nay nhưng chưa có lời giải đáp.

Vẫn chỉ là nghi ngờ!


Sau khi có thông tin, nhiều người tiêu dùng đã phản hồi họ gặp trường hợp tương tự khi mua các loại quả như cam, táo, lê… về dùng rồi để quên. 

Chị Võ Thị Xuân Hương ở Hà Đông cho biết: “Một lần mua hoa quả về thắp hương, chẳng may quả táo lăn vào góc nhà, mấy tháng sau con chị tìm thấy quả táo vẫn tươi nguyên”. Trên diễn đàn mạng, một nick name chia sẻ, “Chị cố tình để quả táo tới 11 tháng nó vẫn bền đẹp đến trơ lỳ. Quá sợ, chị vứt đi và có thèm cũng nhịn chứ không bao giờ dám mua loại quả này về ăn nữa”. 

Theo TS Trịnh Lê Hùng (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐH QGHN), các loại hoa quả như lê, táo ở xứ lạnh nếu bảo quản đúng nhiệt độ có thể để cả tháng. Tuy nhiên, khi sản phẩm được nhập sang nước nhiệt đới như Việt Nam, phải có chất bảo quản mới có thể để lâu như vậy được. 

“Nếu cơ thể tích tụ một lượng hóa học lớn, lâu dài sẽ cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe, còn nếu thi thoảng chúng ta ăn một quả cũng không sao”, ông Hùng nói. TS Hùng nói thêm, có nhiều loại hóa chất rất khó phân tích, phát hiện. Ông khuyên người tiêu dùng nên rửa sạch hoa quả dưới vòi nước chảy và ngâm nước muối loãng 15 phút trước khi sử dụng.

Còn PGS. TS Lê Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm ĐH Bách Khoa) lại bày tỏ nghi ngờ hoa quả để lâu không hỏng là do bị chiếu xạ với cường độ cao. Và nếu bị nhiễm xạ cường độ cao, sản phẩm sẽ cực kỳ độc hại khi đi vào cơ thể. Theo PGS, hiện nay chưa phát hiện được loại hóa chất nào có thể bảo quản thực phẩm tươi được nửa năm. 

Theo thông tin từ Cục An toàn thực phẩm, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Cục đã chỉ đạo các đơn vị tiến hành lấy 15 mẫu tại các chợ biên giới ở Lạng Sơn tiến hành kiểm nghiệm. 

Tuy nhiên, để làm rõ trắng đen, liệu hoa quả nhập từ Trung Quốc khi về đến Việt Nam có bị các tiểu thương ngâm tẩm thêm hóa chất, Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia sẽ lấy nhiều mẫu hoa quả ở các chợ đầu mối, chợ dân sinh Hà Nội và các tỉnh lân cận để kiểm tra, so sánh. 

Ông Phạm Xuân Đà cho hay, trước mắt đơn vị sẽ tiến hành tập trung lấy mẫu các loại quả nghi ngờ có chứa hàm lượng hóa chất cao như lê, táo… tại các chợ ở Hà Nội, Lào Cai để kiểm nghiệm cùng số mẫu đã lấy ở Lạng Sơn. 

Trả lời câu hỏi vì sao Việt Nam mới chỉ phát hiện ra 600 trong tổng số 2.000 loại hóa chất tẩm ướp hiện nay? Ông Đà cho biết, về máy móc phục vụ cho công tác kiểm nghiệm hiện nay, ở một số đơn vị, Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực. Tuy nhiên, cái khó ở chỗ mình không biết được họ dùng loại hóa chất nào để có phương pháp thử, thành ra khi dùng các phương pháp thử truyền thống kết quả vẫn không tìm thấy loại hóa chất nào. 

Đến nơi sản xuất kiểm tra

Tới đây, Cục an toàn thực phẩm và FDA Trung Quốc sẽ có cuộc gặp gỡ để thống nhất việc trao đổi thông tin. Trong đó, phía Việt Nam yêu cầu FDA Trung Quốc cung cấp danh mục thuốc bảo vệ thực vật và liều lượng dùng để kiểm soát. 

Ông Đà cho biết thêm, ngoài ra, phía Việt Nam cũng sẽ yêu cầu được đến tận nơi sản xuất để kiểm tra quá trình chế biến, đóng hộp. Việc cử đoàn công tác đến tận gốc sản xuất để kiểm tra quy trình là không mới, tuy nhiên trong điều kiện hiện nay Bộ Y tế có chỉ đạo tăng cường chức năng giám sát, kiểm tra, ông Đà nói thêm. 

Từng tham gia đoàn công tác đến nơi sản xuất, đóng gói hoa quả ở Trung Quốc, ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cho biết, cũng có trường hợp trước khi nhập khẩu hoa quả được bảo vệ bởi một loại màng mỏng chống côn trùng và các vi khuẩn có hại trong môi trường xâm nhập. 

Loại màng này được cho phép sử dụng tại Trung Quốc và khi hoa quả được xịt bảo vệ bởi loại màng này, chỉ khi bị bầm dập, trầy xước vi khuẩn mới có thể tấn công và hỏng.

8 tháng đầu năm, Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 11.500 tấn lê, 20.000 tấn quýt, 20.000 tấn cam tươi, 7.000 tấn cà rốt… Đáng chú ý, ngay cả những loại quả trong nước đang ế ẩm vẫn nhập khẩu với con số lớn như: dưa hấu nhập khẩu 2.000 tấn, xoài 900 tấn…

MỚI - NÓNG