Tăng cường mối quan hệ giữa báo chí với thanh tra các cấp

Tăng cường mối quan hệ giữa báo chí với thanh tra các cấp
Ngày 26/3, tại Hà Nội, đại diện lãnh đạo và chuyên gia của nhiều bộ, ngành, các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đã tham gia Hội thảo về “Vai trò của báo chí đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả thanh tra” do Thanh tra Chính phủ tổ chức.

Phát biểu của Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra Vũ Văn Chiến và ý kiến của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan báo chí và các vụ, viện hữu quan của ngành đã đề cập tình hình hoạt động báo chí và công tác quản lý nhà nước về báo chí nói chung, kinh nghiệm của một số nước bạn (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thụy Điển…) trong phát huy vai trò báo chí tham gia chống tham nhũng và giải quyết khiếu kiện của dân; thực trạng phối hợp giữa các cơ quan thanh tra với báo chí hiện nay.

 Nhiều ý kiến cho rằng thời gian qua, Thanh tra Chính phủ và cơ quan thanh tra các cấp đã quan tâm sử dụng thông tin báo chí phản ánh nhưng do thiếu quy chế, quy định và con người thực hiện cụ thể nên việc sử dụng thông tin này còn ít và chưa có tính hệ thống, hiệu quả sử dụng còn thấp. Cần xây dựng và ban hành quy chế sử dụng thông tin trên báo chí vừa hỗ trợ, nâng cao hiệu quả hoạt động Thanh tra vừa giúp cơ quan báo chí tiếp cận và khai thác thông tin kịp thời, chính xác…

Qua khảo sát cho thấy những mặt được và chưa được trong mối quan hệ giữa các cơ quan báo chí với cơ quan thanh tra và hoạt động thanh tra: Hầu hết các báo, tạp chí đều tham gia đăng tin, bài về hoạt động của cơ quan thanh tra, trong đó 40% đăng thường xuyên, 60% có đăng nhưng không thường xuyên.

Đánh giá về việc cung cấp thông tin, cách thức cung cấp thông tin từ các cơ quan thanh tra cho báo chí, 56% đánh giá là bình thường, 11% có nhận xét tốt và 31% cho rằng công tác này còn yếu. Cách thức tác nghiệp của các cơ quan báo chí được hỏi trong các vụ việc được thanh tra cũng khác nhau: 76% có sự phối hợp, trao đổi với cơ quan thanh tra khi đăng tin, bài về vụ việc được thanh tra, 20% không phối hợp và 4% chọn câu trả lời khác.

Sự đa dạng này còn thể hiện ở thời điểm đăng tin bài về vụ việc được thanh tra: 64% đăng tin, bài sau khi kết luận thanh tra được công bố, 69% đăng tin bài khi xử lý theo kết luận, kiến nghị của Thanh tra và 29% đăng tin, bài trong quá trình thanh tra.

82% báo, tạp chí được hỏi đã cho rằng các tin, bài phản ánh về hình vi vi phạm pháp luật có dẫn đến sự vào cuộc của cơ quan thanh tra, 18% còn lại trả lời không…

Khẳng định vai trò của báo chí đối với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của thanh tra, nhiều ý kiến cho rằng mối quan hệ giữa báo chí với hoạt động thanh tra và cơ quan thanh tra còn có nhiều điểm cần được tiếp tục cải thiện, đặc biệt là cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ sở, hành lang pháp lý thông qua xây dựng Luật tiếp cận thông tin, sửa đổi, bổ sung Luật báo chí, giảm thiểu tối đa danh mục bí mật nhà nước, theo đúng tinh thần của Luật Phòng, chống tham nhũng.

Các đại biểu đề cập phương hướng hoàn thiện các quy định pháp luật về công khai trong hoạt động thanh tra, tăng cường công khai, minh bạch trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra, công khai quyết định thanh tra, tăng cường công khai quá trình thanh tra, thực hiện nghiêm việc công khai kết luận thanh tra, hoàn thiện quy định về công khai xử lý kết luận thanh tra…

Cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Thanh tra Chính phủ, xây dựng Quy chế cung cấp thông tin cho báo chí của ngành Thanh tra, đẩy mạnh và tạo sự thống nhất trong toàn ngành trong phối hợp công tác giữa cơ quan Thanh tra với báo chí, giúp báo chí có thể tiếp cận nhiều hơn nữa với thông tin về hoạt động của các cơ quan thanh tra, vụ việc được thanh tra, thiết thực góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của Thanh tra Chính phủ và Thanh tra các cấp.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.