Tăng cường quản lý chất lượng thuốc

Hơn 25.000 mặt hàng thuốc với gần 1.000 hoạt chất đang được sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh
Hơn 25.000 mặt hàng thuốc với gần 1.000 hoạt chất đang được sản xuất, lưu hành tại Việt Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội mới đây tổ chức phiên họp thẩm tra chính thức dự thảo Luật Dược (sửa đổi) trước khi dự thảo được Quốc hội đưa ra thảo luận ngày 20/11. Những điểm mới nổi bật của dự thảo gồm có quản lý giá thuốc, chính sách Nhà nước về phát triển công nghiệp dược, dược lâm sàng...

Kết luận phiên thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai, nói rằng, Ủy ban cơ bản tán thành với dự án Bộ Y tế đưa ra; vấn đề giá thuốc không còn là vấn đề lớn, vì đã có Luật Giá và Luật Đấu thầu. Đặc biệt, dự thảo Luật Dược quy định rõ chính sách ưu tiên đối với thuốc sản xuất trong nước nhằm bảo đảm thuốc trong nước dần có thể thay thế được thuốc nhập khẩu cùng tiêu chí kỹ thuật. Cụ thể, đối với thuốc mua từ nguồn vốn nhà nước, quỹ bảo hiểm y tế, nguồn thu từ dịch vụ khám chữa bệnh và các nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập, không chào thầu thuốc nhập khẩu có cùng nhóm tiêu chí kỹ thuật với thuốc sản xuất trong nước đã đáp ứng yêu cầu điều trị, giá thuốc và khả năng cung cấp. Ủy ban tán thành với Ban soạn thảo việc cấp chứng chỉ hành nghề dược thời gian 5 năm… Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, ông Nguyễn Văn Tiên, cho rằng, Luật Dược (sửa đổi) cần quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, Nhà nước chỉ can thiệp khi cần bình ổn giá thuốc.

GS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia độc lập của ngành y tế, phát biểu, ông rất ủng hộ việc đưa dược lâm sàng vào dự thảo Luật Dược, nhưng cần phải chi tiết hơn nữa… Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Dược phẩm Danapha, ông Nguyễn Quang Trị, nói rằng, lần đầu tiên, chính sách ưu tiên sử dụng thuốc trong nước; ưu tiên nghiên cứu sản xuất nguyên liệu làm thuốc từ nguồn nguyên liệu, dược liệu sẵn có tại Việt Nam... được cụ thể hóa vào luật, vì thế sẽ giúp phát huy thế mạnh của ngành dược Việt Nam. “Nếu có những giải pháp thúc đẩy tích cực từ Chính phủ, Bộ Y tế thì các doanh nghiệp Việt Nam có động lực rất lớn để đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu, bài bản, từ đó tìm ra các hoạt chất mới, cho ra đời các loại thuốc mới, thuốc đặc trị có thể thay thế thuốc ngoại nhập”, ông Trị nói.

Những điểm mới

Trao đổi với phóng viên, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, ông Trương Quốc Cường, cho biết, điểm mới nhất của dự thảo Luật Dược (sửa đổi) là chính sách Nhà nước về phát triển công nghiệp dược, trong đó ưu tiên tận dụng thế mạnh của Việt Nam về dược liệu. Cụ thể, ưu tiên việc nuôi trồng, quy hoạch, đăng ký thuốc dược liệu, cổ truyền... Điểm mới thứ hai là quản lý giá thuốc. “Luật Dược được thừa hưởng chủ trương, chính sách, những yêu cầu của Luật Giá và Luật Đấu thầu. Cộng với những đặc thù của thuốc, chúng ta có chương đấu thầu thuốc riêng. Vì vậy, quy định về đấu thầu thuốc, quản lý giá thuốc đợt này có sự tham gia rất sâu của các đơn vị liên quan như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương”, ông Cường nói. Ngoài ra, công tác đăng ký thuốc được yêu cầu rất chặt chẽ.

Để đảm bảo chất lượng thuốc tốt, chất lượng phải dựa trên bằng chứng khoa học; khoa học ở đây là chứng minh dược lâm sàng. Dự thảo đã luật hóa dược lâm sàng, minh bạch, công khai những trường hợp nào phải thử. Dự thảo đưa thử lâm sàng và thử tương đương sinh học vào điều kiện kinh doanh. “Chúng ta cũng yêu cầu trong quá trình triển khai lưu hành thuốc, phải có những biện pháp để kiểm tra chất lượng, tiền kiểm, hậu kiểm”, ông Cường cho biết.           

Tính đến 30/6/2015, Việt Nam có hơn 40.000 cơ sở bán lẻ, 153 nhà máy sản xuất tân dược, gần 200 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, khoảng 150 doanh nghiệp nhập khẩu, 7 doanh nghiệp làm dịch vụ bảo quản thuốc và gần 2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc.

MỚI - NÓNG