Tăng cường quản lý nợ nước ngoài

Tăng cường quản lý nợ nước ngoài
TP - Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh tăng cường quản lý nợ nước ngoài là một trong những vấn đề được đặt ra trong công tác quản lý vay và trả nợ nước ngoài trong thời gian

Tại Hội nghị, Bộ Tài chính cho biết:  10 tháng đầu năm thu ngân sách đạt 197.970 tỷ đồng, đạt 83,2% so với dự toán, dự kiến cả năm ước đạt 261.100 tỷ đồng, vượt 9,8% so với dự toán.

Cùng đó, trong 10 tháng, chi ngân sách đạt 237.575 tỷ đồng và ước cả năm đạt hơn 315.000 tỷ đồng, tăng 7,2% so với dự toán. Năm 2007, dự toán thu ngân sách dự kiến 281.900 tỷ đồng, chi ngân sách là 357.400 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho rằng kết quả trên tuy khả quan nhưng vẫn cần đặt ra những biện pháp chống thất thu. Cùng đó là việc kiểm soát các nguồn vốn công trái, trái phiếu Chính phủ đầu tư vào giáo dục, giao thông.

Hội nhập WTO cũng đặt ra vấn đề cần gấp rút đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa (tính đến nay mới có 12,7% số vốn nhà nước được cổ phần, số tiền Nhà nước thu được thời gian qua khoảng 15.000 tỷ đồng trong đó chi cũng tương đương (6.000 tỷ đồng cho sắp xếp lao động dôi dư).

Đến dự và phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, ngành  tài chính cần tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng phát triển kinh tế, lấy thước đo từ những quy tắc của WTO để xây dựng chính sách, phấn đấu đến 2010 đạt 500.000 doanh nghiệp.

Tăng cường quản lý nợ nước ngoài là một trong những vấn đề được đặt ra trong công tác quản lý vay và trả nợ nước ngoài trong thời gian tới. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dư nợ Chính phủ đến 31/12/2007 ước tính bằng 37,3 GDP; dư nợ nước ngoài của quốc gia bằng 31% GDP.

Bộ Tài chính cũng cho rằng đây là mức nằm trong giới hạn an toàn đối với nền tài chính quốc gia. Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ nghiên cứu để tiếp tục phát hành trái phiếu quốc tế, tiếp tục bảo lãnh DN vay vốn nước ngoài, đi kèm là những cơ chế quản lý đổi mới, chặt chẽ hơn.

Ngoài công tác quản lý nguồn vốn ODA theo các quy định hiện hành, theo Bộ Tài chính cần kiên quyết từ chối các khoản vay ODA xét thấy không hiệu quả, hoặc hiệu quả thấp, do bị chi phối nhiều bởi các yếu tố ràng buộc.

Bộ Tài chính cũng sẽ xây dựng một Chương trình trung hạn vay và trả nợ nước ngoài, chương trình quản lý nợ doanh nghiệp và hệ thống cảnh báo sớm về rủi ro vay và trả nợ của khu vực doanh nghiệp...

Dự kiến trong năm 2007 Chính phủ cũng sẽ dành 49.160 tỷ đồng, tăng hơn 20,5% so với năm nay để trả nợ.

MỚI - NÓNG