'Tặng' đất, chi tiền ngân sách cho dự án BOT

'Tặng' đất, chi tiền ngân sách cho dự án BOT
TP - Thay vì dùng quỹ đất để tạo nguồn vốn ngân sách đầu tư hoàn chỉnh Cảng cá La Gi (CCLG), UBND tỉnh Bình Thuận lại giao quỹ đất đó cho một công ty đang làm ăn thua lỗ là Cty V.S.G, để họ làm chủ dự án BOT CCLG.

Năm 2005, các hạng mục chính của CCLG (kè bờ, công trình bến, nạo vét chỉnh trị cửa sông Dinh…) được hoàn thành xây dựng bằng 52 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước.

Theo đề nghị của UBND thị xã La Gi và Sở Thủy sản Bình Thuận, tháng 3-2006 UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý về chủ trương tạo nguồn kinh phí từ quỹ đất dọc đường bến Chương Dương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện CCLG.

Ngày 26-7-2006, ông Huỳnh Tấn Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký quyết định (QĐ) phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ Cảng cá La Gi theo hình thức BOT trong nước.

Dự án có quy mô sử dụng 68.753m2 đất, tổng vốn đầu tư 22,625 tỷ đồng, do Cty cổ phần Địa ốc V.S.G làm chủ đầu tư. Thời gian thực hiện dự án là 31 năm 1 tháng, trong đó thời gian thu lãi là 10 năm 4 tháng.

Theo Quy chế đầu tư theo hình thức hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) áp dụng cho đầu tư trong nước (Quy chế BOT) do Chính phủ ban hành, UBND tỉnh Bình Thuận phải làm rõ năng lực tài chính, khả năng huy động vốn của Cty V.S.G trước khi duyệt dự án BOT của Cty này.

Cty V.S.G đã lỗ liên tục trong hai năm 2004 và 2005, nên năm 2006 đã bị Ngân hàng Công thương Việt Nam Chi nhánh Bình Thuận từ chối cho vay tiền. Vậy nhưng, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn giao Cty V.S.G làm chủ đầu tư dự án BOT CCLG. 

Trong dự án BOT CCLG, có 4.245 m2 đất ở kết hợp với kinh doanh được định giá 3,5 triệu đồng/m2, tổng giá trị 14,86 tỷ đồng, tương đương 65,7% tổng mức đầu tư dự án. Lẽ ra, giá trị của diện tích đất này phải được coi là vốn ngân sách nhà nước góp vào dự án BOT CCLG.

Thế nhưng, UBND tỉnh Bình Thuận đã giao như cho Cty V.S.G 4.245 m2 đất này, quên quy định tại Khoản 3, Điều 8 Quy chế BOT: Phần góp vốn của ngân sách nhà nước để thực hiện dự án BOT được coi là cổ phần của Nhà nước tại doanh nghiệp BOT.    

Sau khi chuyển nhượng trong nội bộ 840m2 đất, ngày 8-1-2007 Cty V.S.G chuyển nhượng cho Cty cổ phần Bắc Sơn 3.405 m2 đất còn lại với giá 12,258 tỷ đồng.

Rót vốn ngân sách nhưng không giảm thời gian dự án

Nhà nước đã chi hơn 52 tỷ đồng xây dựng các hạng mục chính của CCLG, có trách nhiệm quản lý và khai thác các hạng mục đó để thu hồi vốn. Nhưng với việc Cty V.S.G được làm chủ đầu tư dự án BOT CCLG, bên cạnh Ban quản lý cảng cá có thêm Cty V.S.G được quyền quản lý CCLG. Những phức tạp trong việc quản lý và khai thác CCLG được thể hiện trong việc quản lý Khu xử lý nước thải (KXLNT).

Trong dự án BOT CCLG, hạng mục KXLNT được xây dựng xong tháng 6-2008. Tháng 3-2009, Sở TN&MT Bình Thuận phát hiện Cty V.S.G có nhiều vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường tại đây: Không thực hiện đầy đủ các nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường, xả nước thải vượt tiêu chuẩn cho phép, thải vào môi trường các chất gây ô nhiễm vượt quá tiêu chuẩn cho phép…

Tuy nhiên, việc xử phạt Cty V.S.G mất khá nhiều thời gian. Cty V.S.G đổ lỗi gây ô nhiễm nước thải cho các hộ kinh doanh. Trách nhiệm và thẩm quyền xử lý các hộ này là của Ban quản lý cảng cá, không phải của Cty V.S.G!

Tháng 8-2009, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ký QĐ phê duyệt điều chỉnh dự án BOT CCLG, tách hạng mục KXLNT khỏi dự án BOT CCLG. Kinh phí xây dựng KXLNT do vốn ngân sách Nhà nước chi trả, việc quản lý hạng mục này được giao cho UBND thị xã La Gi. Cty V.S.G thoát được gánh nặng KXLNT, hạng mục vừa tốn công quản lý vừa không tạo được nguồn thu!  

KXLNT được Sở Tài chính Bình Thuận quyết toán vốn đầu tư là 2,975 tỷ đồng. Không còn hạng mục này, tổng vốn đầu tư dự án BOT CCLG giảm khoảng 14%, trong khi các nguồn thu của dự án từ việc bán và cho thuê đất không giảm.

Như vậy, thời gian thu hồi vốn sẽ được rút ngắn lại, lẽ ra thời gian Cty V.S.G được khai thác dự án BOT CCLG cũng phải rút ngắn. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn giữ nguyên thời gian khai thác dự án. Điều này đồng nghĩa với việc, thời gian thu lãi từ dự án BOT CCLG của Cty V.S.G được tăng đáng kể.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.