Tăng GDP từ 8,2- 8,5% trong năm 2007

Tăng GDP từ 8,2- 8,5% trong năm 2007
Theo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2007 vừa được Quốc hội thông qua chiều nay, mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) được đặt mục tiêu từ 8,2% đến 8,5%.

Tại phiên bế mạc chiều nay, Quốc hội nhất trí nhận định rằng năm 2006 mặc dù còn nhiều khó khăn, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao, hầu hết chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục ổn định, giải quyết tốt nhiều vấn đề xã hội.

Việc thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí được đẩy mạnh, bước đầu có tác động tích cực, tạo lòng tin trong nhân dân. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế có bước tiến mới.

Tuy nhiên, Quốc hội cũng nêu rõ những bất cập lớn của tình hình kinh tế-xã hội năm 2006 là tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng tăng trưởng chưa cao, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và từng loại sản phẩm còn hạn chế, việc sử dụng các nguồn lực của xã hội kém hiệu quả, còn nhiều tồn tại trong chất lượng giáo dục đào tạo và một số lĩnh vực xã hội khác.

Quốc hội cũng đặt mục tiêu tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 17,4%, tổng kim ngạch nhập khẩu 15,5% và tốc độ tăng giá tiêu dùng thấp hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Về các chỉ tiêu xã hội, năm 2007, Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động, giảm tỷ lệ sinh 0,3‰ và tỷ lệ trẻ em duới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng xuống còn 22,3%.

Cùng với các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, những chỉ tiêu về môi trường cũng được Nghị quyết đặt ra nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, trong đó tỷ lệ che phủ rừng sẽ được nâng lên 39%, trên 67% dân số nông thôn và 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch.

Để đạt được những mục tiêu này, Nghị quyết của Quốc hội đã đưa ra 10 nhóm giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh đến việc cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh, bảo đảm tiến độ các dự án công trình quan trọng quốc gia.

Quá trình đổi mới cơ chế, chính sách và áp dụng đồng bộ các giải pháp về đầu tư, tiêu thụ sản phẩm, thuế, đất đai cũng sẽ tiếp tục được thực hiện để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn. Những địa phương có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn sẽ đuợc chú trọng đầu tư nhằm từng bước thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng.

Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực và khuyến khích đầu tư để phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh và ngành công nghiệp phụ trợ, ngành công nghệ thông tin và công nghệ cao. Đồng thời, đẩy nhanh tốc độ thực hiện lộ trình sắp xếp, đổi mới cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, hình thành những tổng công ty quy mô lớn đa sở hữu, có vốn chi phối của nhà nước trong một số lĩnh vực quan trọng.

Nghị quyết cũng chỉ rõ yêu cầu tăng cường những chính sách quản lý trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ nhằm chủ động kiểm soát lạm phát góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế.

Liên quan đến các vấn đề xã hội, Nghị quyết đề ra giải pháp đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hoá các dịch vụ công, khuyến khích các tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục, dạy nghề, thể thao, bệnh viện và phòng khám tư, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm.

Trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội đối với ông Mạc Kim Tôn (đại biểu tỉnh Thái Bình) vì đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây bất bình trong dư luận xã hội và mất lòng tin của nhân dân.

MỚI - NÓNG