Tăng giá điện: Lợi bất cập hại?

Tăng giá điện: Lợi bất cập hại?
TP - Trong khi chờ quyết định của Chính phủ tại cuộc họp thường trực Chính phủ hôm nay, một số chuyên gia vẫn cho rằng tăng giá điện thời điểm này là lợi bất cập hại.
Tăng giá điện: Lợi bất cập hại? ảnh 1
Cải tạo lưới điện hạ áp ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh)  Ảnh: Ngọc Hà

Mấy hôm nay, đọc báo, nghe đài, bà Dương Thị Sàng (thôn nội, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã biết  tin giá điện có thể sắp sửa tăng.

Mặc dù đang được dùng theo chính sách điện nông thôn với mức giá từ số đầu cho đến số cuối là 700 đồng/Kwh điện. Tuy nhiên, chi phí tiền điện nhà bà vẫn cao nhất thôn, xấp xỉ 200 nghìn đồng/tháng.

Lý do dùng tốn cũng bởi hiện tại nhà bà có tới bốn thế hệ sống trong cùng một nhà.

“Tôi cũng chưa biết cụ thể nhưng nếu giá điện tăng bình quân hơn 13%, hay tính theo luỹ tiến thì chắc chắn gia đình tôi sẽ hãi không dám dùng nhiều”.

Điều bà Sàng lo lắng là không biết giá điện nơi bà sinh sống có được tính theo giá điện nông thôn nữa không, hay là đã về Hà Nội (Phúc Thọ thuộc Hà Tây cũ)  lại phải tính theo giá điện thành phố.

“Trước mắt tôi sẽ nghĩ đến việc tách hộ khẩu nhưng như vậy, cũng chỉ tiết kiệm được tí chút”- Bà Sàng nói.

Còn Bà Trần Thị Bé ở ngõ 160 Minh Khai (Hà Nội) bày tỏ: “Tôi làm việc tự do chẳng có thu nhập, gia đình lại có người ốm đau thường xuyên. Nếu giá điện tăng, chắc chắn cả nhà phải tiết kiệm, thậm chí có khi chẳng dám để đèn trong phòng người ốm như mọi khi nữa.”  

Trao đổi với báo giới, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia cao cấp của Chính phủ cũng chia sẻ: “Trong khi người lao động đang thắt bóp chi tiêu bằng mọi cách, ngành điện không phải là ngành gặp khó khăn mà lại định thu thêm tiền sẽ gây tác động lớn tới đời sống của họ”.  

Hôm nay, tại phiên họp thường trực Chính phủ, sẽ có thông tin chính thức về quyết định tăng và mức tăng giá điện trên cơ sở đề án điều chỉnh giá điện do Bộ Tài Chính trình Chính phủ ngày 15/1, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Trần Văn Hiếu cho biết.

Cũng theo bà Lan, việc tính nhiều mức giá và đánh mạnh vào hộ tiêu dùng nhiều cũng không hẳn phù hợp.

“Lâu nay người tiêu dùng ủng hộ cho ngành điện và các ngành độc quyền rất nhiều. Thực ra họ buộc phải ủng hộ với tư thế độc quyền như vậy. Cắt điện lúc nào thì phải chịu lúc đấy” - Bà Lan nhấn mạnh.

Theo phương án của Bộ Công Thương, dự kiến từ năm 2010, Chính phủ có thể áp dụng cơ chế bù giá cho các hộ nghèo thu nhập thấp tiêu thụ dưới 50 Kwh/tháng bằng cách khấu trừ trực tiếp vào hóa đơn tiền điện hàng tháng; áp dụng giá trần bán lẻ điện cho khách hàng sản xuất và dịch vụ.

Các công ty điện lực được phép bán điện cho khách hàng theo giá thỏa thuận dưới giá trần quy định, riêng giá điện sinh hoạt, để bảo vệ người tiêu dùng sẽ vẫn áp giá thống nhất toàn quốc do Nhà nước quy định.

Theo ông Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Thị trường Giá cả (Bộ Tài chính), nếu giá điện sinh hoạt tăng mạnh, chắc chắn diễn ra xu hướng tách hộ khẩu gia đình đang sinh sống trong một nhà.

Nói đến tác động của tăng giá điện tới toàn xã hội, ông Ánh phân tích: “Điện là đầu vào của nhiều ngành cho nên nếu tăng giá chắc chắn sẽ động chạm tất cả nền sản xuất.

Tác động cụ thể làm tăng chi phí như thế nào, theo tôi, cần phải xây dựng một bảng mô hình đầu ra đầu vào của mấy trăm mặt hàng rồi tính chi phí giá điện cho mỗi vòng quay...

Đó là chưa kể, khi giá điện sinh hoạt tăng, người tiêu dùng phải mất một khoản chi cho tiền điện, từ đó mức tăng giá vô hình bị đội lên nữa".

Chiều 15/1, trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Tiến Thỏa -Cục trưởng Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính lại bất ngờ thông tin: Theo tính toán mới nhất của cơ quan này, bình quân mức tăng giá điện sẽ ở ngưỡng 8,9% (trước đó là 8,3%).

Theo ông Thoả, hiện cả nước có 2,3 triệu hộ nghèo có mức sử dụng bình quân 35 Kwh điện. Nếu dùng hình thức bù cho các hộ này, mỗi năm Nhà nước chỉ cần chi thêm một tỷ đồng.

Đối với các địa phương ở các tỉnh khác nay nhập về  Hà Nội, ông Thỏa cho rằng điều này còn phụ thuộc vào địa phương đó có chuyển đổi từ cấp xã sang phường hay không.  K.H

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.