Ông Nguyễn Văn Quyền - Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam:

Tăng giới hạn tốc độ, nhưng an toàn cũng tăng lên!

Tăng giới hạn tốc độ, nhưng an toàn cũng tăng lên!
TP - Ngày 15/3/2007, quy định mới về tốc độ xe cơ giới (tốc độ tối đa cho ôtô tăng thêm 10km/h) chính thức có hiệu lực. Tiền phong có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam.
Tăng giới hạn tốc độ, nhưng an toàn cũng tăng lên! ảnh 1
Ông Nguyễn Văn Quyền - Cục phó Cục Đường bộ Việt Nam

Thưa ông, đến nay Cục ĐBVN đã chuẩn bị được những gì trước khi quy định tốc độ tối đa của Bộ GTVT có hiệu lực?

Cục đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ, các Sở GTVT điều chỉnh thay thế các biển báo ( xác định ranh giới nội, ngoại thành, ngoại thị) bằng biển báo ( khu đông dân cư và hết khu đông dân cư).

Việc điều chỉnh bảng thông tin tốc độ cũng được triển khai. Theo báo cáo từ các đơn vị, công tác chuẩn bị đã cơ bản xong. Đến ngày 15/3 sẽ hoàn chỉnh toàn bộ.

Lâu nay ngành giao thông vẫn duy trì tốc độ cũ vì cho rằng tăng tốc độ sẽ ảnh hưởng đến an toàn giao thông. Vậy lần tăng tốc độ này có gây mất an toàn giao thông không, thưa ông?

Ngay khi xây dựng đề án, chúng tôi đã đặt ra hai mục tiêu: Thứ nhất đảm bảo khai thác tốt hệ thống hạ tầng cũng như phương tiện giao thông để đem lại hiệu quả cao;

Thứ hai, không ảnh hưởng xấu đến an toàn giao thông. Vì vậy quy định mới chỉ tăng tốc độ tối đa với nhóm xe ô tô. Với mô tô, xe máy - loại phương tiện gây ra 70% số vụ TNGT và số người chết thì tốc độ không đổi.

Thêm nữa, trong điều chỉnh tốc độ, chúng tôi xét tới những xe có số lượng lớn và chất lượng đồng đều được bố trí vào một nhóm. Việc này giúp giảm bớt tần suất phương tiện tránh, vượt trên đường, giảm bớt nguy cơ tai nạn.

Bên cạnh đó, quy định tốc độ trước đây thấp hơn nhiều so với nhu cầu của nhân dân và khả năng cho phép của phương tiện, đường sá. Đó là quy định trên văn bản, còn thực tế người dân vẫn vi phạm nhiều.

Khi có CSGT họ chạy rất chậm, khi không có CSGT họ lại vi phạm tốc độ nghiêm trọng gây nguy hiểm lớn. Vì vậy việc tăng tốc độ hợp lý thì lái xe chủ động điều khiển phương tiện, không bị ức chế. Số người vi phạm quy định tốc độ sẽ giảm.

Khi đó, CSGT rảnh tay tập trung xử lý những trường hợp vi phạm có tính chất nguy hiểm cao. Vì các lý do đó, theo tôi việc tăng tốc độ tối đa đối với ô tô sẽ làm cho tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ tăng lên.

Có ý kiến cho rằng, việc tăng tốc độ tối đa vẫn “nhỏ giọt” trong khi hạ tầng đường sá được cải thiện  nhanh, vậy Cục ĐBVN sắp tới có tiếp tục đề xuất điều chỉnh tốc độ đối với xe ô tô?

Đây cũng là một trong những chương trình của Cục ĐBVN. Khi mạng lưới đường giao thông, chất lượng phương tiện tốt lên, khi ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân lên cao hay việc quản lý hành lang đường bộ tốt, chắc chắn Cục ĐBVN sẽ nghiên cứu phương án điều chỉnh tốc độ phù hợp để trình Bộ GTVT .

Xin cảm ơn ông!

Quy định tốc độ mới đối với xe ô tô

Trong khu vực đông dân cư

 

Loại xe cơ giới đường bộ

Tốc độ tối đa (km/h)

Ô tô chở đến 30 chỗ ngồi; Xe tải dưới 3.500kg

50

Ô tô chở trên 30 chỗ ngồi; Xe tải từ 3.500 trở lên; Ô tô sơ mi rơ moóc; Ô tô kéo rơ moóc; Ô tô kéo xe khác; Ô tô chuyên dùng; Xe mô tô; Xe gắn máy

40

Ngoài khu vực đông dân cư

 

Loại xe cơ giới đường bộ

Tốc độ tối đa (km/h)

Ô tô chở đến 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt); Xe tải dưới 3.500kg

80

Ô tô chở trên 30 chỗ ngồi (trừ xe buýt); Xe tải từ 3.500kg trở lên

70

Ô tô buýt, ô tô sơ mi rơ moóc; Ô tô chuyên dùng; Xe mô tô

60

Ô tô kéo rơ moóc; Ô tô kéo xe khác; Xe gắn máy

50

MỚI - NÓNG