Tăng lương ngay khi cân đối đủ nguồn

Tăng lương ngay khi cân đối đủ nguồn
TP - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Vũ Đức Đam cho biết như vậy tại buổi họp báo về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10, tổ chức chiều tối 28-10.

> Chính phủ cần quyết liệt tìm giải pháp tăng lương

Cố gắng tăng thu, kiệm chi

Trả lời câu hỏi của báo chí về đề xuất lùi thời điểm tăng lương tối thiểu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam bày tỏ, Chính phủ rất chia sẻ với người làm công ăn lương bởi đời sống của cán bộ, công chức và người dân còn khó khăn.

“Chính phủ sẽ cố gắng tăng thu, tiết kiệm chi để ngay khi cân đổi đủ nguồn sẽ tăng lương”- ông Đam nói. Lý giải thêm nội dung này, ông Đam cho biết, Chính phủ đã tính toán cân đối các nguồn. Khoản bội chi ngân sách 160 nghìn tỷ đồng phải dành cho chi đầu tư phát triển. Một số ý kiến đề xuất giảm chi đầu tư phát triển nhưng trong điều kiện Việt Nam, việc huy động các nguồn lực khác vào đầu tư là khó. Do vậy, không thể cắt tiếp chi đầu tư. “Các công trình đầu tư đại đa số là rất cần thiết và người dân cũng rất mong chờ”- ông Đam cho biết.

Để có nguồn tăng lương, Chính phủ sẽ siết lại các khoản chi thường xuyên sao cho tiết kiệm nhất có thể. Ví như, việc đi nước ngoài phải chặt chẽ hơn từ trung ương tới địa phương.

Về việc thành lập công ty mua bán nợ, liệu có sử dụng vốn từ ngân sách hay không, Bộ trưởng Vũ Đức Đam tái khẳng định, xử lý nợ xấu gồm nhiều giải pháp đồng bộ.

Trong đó, có đề xuất thành lập công ty mua bán nợ. Tuy nhiên, không phải nợ xấu 100 đồng thì tất cả đều xử lý qua công ty mua bán nợ. “Xử lý được 20 đồng nợ xấu thì không có nghĩa cần 20 đồng tiền vốn cho công ty mua bán nợ. Quan điểm nhất quán là nhà nước không lấy ngân sách để đi trả nợ thay cho các doanh nghiệp”- ông Đam nói.

Sẽ còn dưới 10 tập đoàn

Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tại phiên họp này, Chính phủ đã thảo luận dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn Nhà nước đầu tư vào DN.

Trả lời báo chí về số lượng các tập đoàn kinh tế được giữ lại, ông Đam cho biết, trong nghị định sắp được ban hành sẽ kèm theo danh mục các tập đoàn. “Tôi chưa thể nói số lượng cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ giữ lại dưới 10 tập đoàn”- ông Đam nói.

Hiện có 11 tập đoàn kinh tế và 10 tổng công ty đặc biệt quan trọng. Vừa qua, Chính phủ quyết định dừng thí điểm 2 tập đoàn ngành xây dựng.

“Theo nghị định mới, một số tập đoàn Thủ tướng có trách nhiệm quyền hạn trực tiếp, một số khác Thủ tướng giao cho các bộ. Tới đây trong 21 đơn vị, Thủ tướng sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm, quyền hạn đối với một số ít tập đoàn”- ông Đam cho biết.

Trả lời về việc kiểm điểm nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực VN (EVN) Đào Văn Hưng, ông Đam cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đúng quy định, đã lập Hội đồng kỷ luật do Bộ trưởng Nội vụ làm Chủ tịch.

Hội đồng đã xem xét liên quan đến trách nhiệm của nguyên lãnh đạo EVN. “Hội động kỷ luật đang làm đúng thủ tục và dự kiến tháng 11 tới đây sẽ họp phiên thứ nhất để có kết luận”- ông Đam cho biết.

Không nhất thiết phải chuyển đổi sang vàng SJC

Về việc quản lý thị trường vàng, theo ông Đam, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có phương án quản lý vàng để huy động được nguồn vốn chôn trong dân.

Việc quản lý này đang đúng hướng. Trước đây giá vàng tác động đến tỷ giá, nhưng nay tỷ giá rất ổn định mặc dù giá vàng trong nước và thế giới có chênh lệch. Ông Đam cho rằng, việc chuyển đổi từ huy động và cho vay sang mua - bán vàng là theo lộ trình.

“Còn bất kỳ chính sách nào cũng có tác động nhiều mặt, ảnh hưởng đến một bộ phận. Hiện nay, cơ bản là người có vàng bán ra là được lợi”- ông Đam nói.

Bộ trưởng Đam khẳng định, vàng SJC là nhãn hiệu thuộc nhà nước, độc quyền nhà nước chứ không độc quyền DN. “Vừa qua một bộ phận nhân dân mang đi dập lại vàng do thông tin của NHNN đến với công chúng chưa cụ thể, rõ ràng, minh bạch.

Không vội gì phải đi dập lại bởi vàng vẫn là vàng. NHNN phải tăng cường thông tin cho nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Thống đốc NHNN nếu cần thiết lên truyền hình nói rõ với nhân dân”- ông Đam nói.

Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, NHNN sẽ mua vàng của dân nếu người dân muốn bán. Ngoài ra, người dân không nhất thiết phải bán ngay vàng miếng không phải SJC hoặc chuyển đổi sang vàng SJC.

Ban hành Nghị định riêng với từng tập đoàn

Dự thảo Nghị định mới về DNNN quy định 8 quyền, trách nhiệm của Chính phủ đối với tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước. Chính phủ sẽ phê duyệt nghị định riêng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức… của từng tập đoàn, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong khi vẫn tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình trong tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh.

Một số tổng công ty có vai trò quan trọng, sản phẩm - dịch vụ ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội (như Xăng dầu, Lương thực, Hàng không... sẽ có thể có nghị định riêng như đối với các tập đoàn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG