Tang thương đi qua, tình người ở lại

Hiện trường vụ sạt lở đất vùi lấp 18 người ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Hiện trường vụ sạt lở đất vùi lấp 18 người ở huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
TP - Hai tuần sau đợt lũ quét lịch sử đầu tháng 10, chúng tôi tìm về xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nơi xảy ra sự cố sạt lở vùi lấp 5 căn hộ khiến 18 người tử vong ngày 12/10. 

Hai tuần sau đợt lũ quét lịch sử đầu tháng 10, Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup) cùng báo Tiền Phong do ông Vũ Tiến, Phó tổng biên tập báo, dẫn đầu đã đến nhiều nơi ở tỉnh Hòa Bình thăm hỏi, tặng quà cho những gia đình có thiệt hại về người, nhà bị sập sau đợt mưa lũ. 

Sau nhiều giờ vượt qua các cung đèo, xóm Khanh, xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, nơi xảy ra sự cố sạt lở vùi lấp 5 căn hộ khiến 18 người tử vong ngày 12/10) hiện ra giữa cánh đồng lớn, được bao quanh bởi những ngọn núi sừng sững. Xóm nghèo sau thảm họa xơ xác, vắng lặng không còn tiếng vui đùa của trẻ nhỏ. Thác Khanh cách đó vài trăm mét, vẫn ngổn ngang đất đá, hoang tàn, vẫn còn bị phong tỏa. Trong ngôi nhà sàn lớn nhất xóm, hàng chục hộ dân ngồi chật kín, trầm lặng lắng nghe cán bộ xã triển khai kế hoạch khắc phục sự cố, ổn định cuộc sống.

Mất mát to lớn

Ngồi nép bên cửa sổ ngôi nhà sàn, chị Đinh Thị Khoa (19 tuổi) kể, sáng sớm 12/10, chị cùng chồng đang ở nhà ngoại thì nhận tin dữ ngọn núi sau nhà sạt lở vùi lấp căn nhà bên trong có mẹ và gia đình anh chồng.“Nguồn sống của gia đình từ ruộng nương nhưng nay người mất, nhà bị vùi lấp, tài sản cũng không còn nên vợ chồng tôi đang ở tại lán tạm của UBND xã dựng và chưa biết sau này sẽ ở đâu”, chị Khoa nói.

Ông Bùi Văn Khải – Chủ tịch xã Phú Cường cho biết, vụ việc khiến 18 người tử vong, trong đó có 2 gia đình gồm 10 người bị vùi lấp hoàn toàn, những người còn lại phần lớn đều là họ hàng với nhau. Đây là đợt mưa lũ lớn nhất lịch sử và gây thiệt hại nặng nề nhất. Sau khi tìm kiếm được toàn bộ các nạn nhân, nhiều đơn vị các cấp, các cá nhân tổ chức xã hội đã về chia sẻ, chung tay góp sức giúp bà con ổn định cuộc sống.

Trước khi xảy ra sự cố, thác Khanh có khung cảnh rất đẹp. Người dân thường xuyên đến chơi và địa phương cũng từng đề xuất làm nơi tham quan du lịch. “UBND xã đã dựng một số lán tạm cho những gia đình có thiệt hại về người và thiệt hại về nhà ở trong thời gian chờ khắc phục sự cố. Đồng thời, lên kế hoạch và đề xuất UBND tỉnh, UBND huyện xây dựng khu tái định cư tại xóm cho bà con sớm ổn định cuộc sống”, ông Khải nói.

Tang thương đi qua, tình người ở lại ảnh 1 Phó tổng biên tập Báo Tiền Phong - ông Vũ Tiến trao quà hỗ trợ những gia đình có người thiệt mạng, nhà sập ở tỉnh Hòa Bình.

Tiếp tục hành trình, Quỹ Thiện Tâm đến với gia đình chị Hà Thị Sinh (SN 1979, trú tại xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu). Căn nhà chị bị sập hoàn toàn do sạt lở, cháu Hà Văn Chiều (14 tuổi) tử vong. Cách trung tâm UBND xã 6-7km đường núi, nơi từng có căn nhà cấp 4 của gia đình chị ngổn ngang gạch vụn, đất lở. Đứng trước đống đổ nát, chị Sinh cho biết, hơn 10 ngày trước khi lũ quét ập về, sau giờ tan lớp, cháu họ Hà Văn Chiều không thể về nhà nên ở lại cùng gia đình để mai tiếp tục đi học. Rạng sáng hôm sau, bờ ta luy ở ngọn đồi phía sau sạt lở khiến ngôi nhà chị sập. Tường gạch và đất vùi lấp khiến Chiều ngạt khí tử vong, còn con chị bị thương nặng phải nhập viện. “Gia đình anh Hà Văn Thuyền (bố Chiều)  hiếm muộn, khó khăn. Sau khi xin con nuôi, vợ chồng anh có cháu Chiều nhưng nay không may gặp nạn. Ngày tang lễ, cả xóm tới chia buồn thì chiếc nhà sàn cũ của gia đình anh bất ngờ đổ sập, chiếc quan tài lăn lóc trong đống đổ nát khiến bà con lối xóm nghẹn ngào, ứa lệ”, chị Sinh kể.

Trong đợt lũ quét lịch sử, huyện Đà Bắc là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất ở Hòa Bình. Tại xã Mường Chiều, lũ quét cuốn trôi hoàn toàn 6 hộ dân, nhiều gia đình khác bị ảnh hưởng bởi sạt lở, đường sá bị chia cắt. Đứng trước túp lều dựng tạm bằng tre nứa, bà Bùi Thị Chới (SN 1939) vẫn nhớ như in thời khắc thoát chết cùng 2 cháu nội khi lũ quét qua, cuốn phăng căn nhà sàn. Bà kể, giữa trưa trời mưa lớn, chỉ có bà cùng hai cháu nội Bùi Thị Thùy Dung (9 tuổi) và Bùi Thị Lan (14 tuổi) ở trong nhà. Bất ngờ, tiếng động lớn sau nhà, cùng lúc nước và bùn lũ tạt bay mái. “Quá hoảng sợ, tôi dắt hai cháu nội chạy ra sân thì bị hất văng xuống ao phía trước. Kéo được 2 cháu lên cổng thì lũ quét, bùn đất tràn xuống cuốn trôi căn nhà ngay trước mắt. Không kịp định thần, tôi chỉ vội dắt hai cháu tháo chạy”, bà Chới kể.

Tang thương đi qua, tình người ở lại ảnh 2 Ngôi nhà chị Hà Thị Sinh (SN 1979, trú xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu) bị vùi lấp khiến cháu Hà Văn Chiều tử vong.

Nữ cán bộ tử vong ngày kết nạp Đảng

Trong số các nạn nhân tử vong trong đợt lũ quét lịch sử ở Hòa Bình, có 2 nữ cán bộ trên đường đi làm về, bị đất đá vùi lấp. Đó là chị Nguyễn Thị Hường (SN 1983), và chị Quách Thị Hà My (SN 1989) đều là công chức tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Bôi.

Trong căn nhà cấp 4 hai gian, bà Hà Thị Thu (62 tuổi, mẹ chồng chị My) rưng rưng khi có người tới thăm, chia buồn. Bà nấc nghẹn khi nhớ lại khoảnh khắc nhận tin dữ. Bà kể, trước thời điểm xảy ra sự cố, con dâu gọi điện cho con trai bà ra đón vì trời mưa lớn. Lũ tràn qua đập tràn ngăn đường, con trai bà phải đi đường vòng.

Tới đoạn đường bị sạt lở, người dân thông tin có 2 nữ cán bộ đẩy giúp xe một người khác bị lầy bùn bị đất đá từ trên núi sạt lở đè trúng. Thấy đồ vật của vợ, anh Minh (vợ chị My) chết lặng, lao xuống bới đất tìm người. “Bữa cơm tối hôm ấy không thấy vợ chồng con trai về, lòng tôi nóng như lửa đốt. Một giờ sau, bà còn trong xóm báo tin dữ, tôi chết lặng ngất lịm giữa nhà”, bà Thu nghẹn ngào nhớ lại.

Ông Đoàn Văn Minh (SN 1961, quê tỉnh Thái Nguyên bố chị Hường) mắt đỏ hoe khi nhắc về con gái không may gặp nạn. Ông cho biết, chị Hường lập gia đình ở huyện Kim Bôi rồi công tác tại đây. Giơ cuốn sổ và hồ sơ kết nạp Đảng của con gái trên tay, ông bật khóc. “Vài ngày trước khi xảy ra sự việc, con gái có gọi điện kể chuẩn bị được kết nạp Đảng. Không ngờ, ngày con được kết nạp Đảng lại là ngày con tôi vĩnh viễn ra đi. Nhận được tin, tôi cùng vợ khăn gói lên Hòa Bình trông hai cháu”, ông Minh nấc nghẹn.

Anh Phạm Xuân Giao – Bí thư Tỉnh Đoàn Hòa Bình cho biết, đợt mưa lũ lịch sử đầu tháng 10 vừa qua khiến 34 người chết và mất tích. Mưa lũ, sạt lở trên toàn tỉnh khiến 3.185 hộ dân bị ngập lụt; 905 hộ bị sạt lở hoặc nguy cơ bị sạt lở phải di dời, trong đó huyện Đà Bắc có 50 hộ dân bị sập hoàn toàn, lũ cuốn trôi và 345 ngôi nhà bị ảnh hưởng bởi sạt lở. Ngoài ra, hàng trăm điểm sạt lở taluy dương, đường sá bị hư hỏng; nhiều điểm nóng tại tỉnh lộ 432, 433, 448 bị ảnh hưởng sạt lở nghiêm trọng, chia cắt giao thông và phải nhiều ngày sau lực lượng chức năng mới có thể khắc phục cho các phương tiện lưu thông trở lại. 

“Vài ngày trước khi xảy ra sự việc, con gái có gọi điện kể chuẩn bị được kết nạp Đảng. Không ngờ, ngày con được kết nạp Đảng lại là ngày con tôi vĩnh viễn ra đi. Nhận được tin, tôi cùng vợ khăn gói lên Hòa Bình trông hai cháu”

Ông Đoàn văn Minh

Trong nhiều năm qua, ngoài hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Vingroup (thông qua Quỹ Thiện Tâm) dành hàng nghìn tỷ đồng cho công tác xã hội - thiện nguyện. Riêng với  báo Tiền Phong, hằng năm quỹ đều phối hợp  thực hiện nhiều chương trình từ thiện. Tại Thanh Hóa, Quỹ Thiện Tâm đã tham gia cùng báo  các chương trình hỗ trợ cho các gia đình chính sách xây dựng nhà ở, hỗ trợ người nghèo ăn Tết, cứu trợ sau thiên tai.

Quỹ Thiện Tâm quyết định thông qua báo Tiền Phong gửi tới tất cả các hộ có người chết, mất tích hoặc có nhà bị sập, bị lũ cuốn trôi trong đợt vừa qua tại 5 tỉnh Hoà Bình, Sơn La, Yên Bái, Thanh Hoá, Nghệ An, mỗi hộ 5 triệu đồng. Tổng kinh phí ủng hộ từ Quỹ Thiện Tâm là hơn 1,8 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
Chưa nghỉ lễ đã 'cháy' tour du thuyền vịnh Hạ Long
TPO - Những chuyến du thuyền ngắm vịnh Hạ Long đã được đặt kín từ 2-3 tháng trước nên dự báo không đủ sức cung ứng cho dịp 30/4-1/5 cho khách nội địa. Do đó, đại diện một số doanh nghiệp lữ hành chia sẻ rằng liên tục phải từ chối hàng chục cuộc gọi đặt tour này mỗi ngày trong thời gian gần đây. 
Nữ thần Đài Loan lười biếng
Nữ thần Đài Loan lười biếng
TPO - Quách Bích Đình khiến khán giả mong chờ khi trở lại với show Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng sau thời gian dài tạm ngừng hoạt động nghệ thuật để lo cho gia đình. Tuy nhiên, biểu hiện của nữ diễn viên trong show gây nhiều tranh cãi.