Tang thương nơi xã nghèo

Tang thương nơi xã nghèo
TP - Tai nạn thương tâm ngày 27/12 tại Thạch Bàn đã cướp đi sinh mạng 7 người là những lao động chính của các gia đình. Cuộc sống của gia đình họ rồi sẽ ra sao?

Thạch Bàn thuộc huyện Thạch Hà - Hà Tĩnh một phía là bãi sình lầy nước mặn, một phía là dãy núi đá lèn. Người dân ở đây xưa sống bằng nghề làm muối không đủ nuôi thân nay chuyển sang nghề đục, bốc đá. Lao động cực nhọc nhưng mức thu nhập bình quân chỉ 200.000 đồng/ người/ tháng.

Sáng 28/12, khi chúng tôi đến Thạch Bàn, thi hài thứ 7 là chị Lê Thị Long tử nạn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng được chuyển về gia đình để làm lễ mai táng.

Gia đình bà Hoàng Thị Dung sinh 1952 (thông tin ban đầu do địa phương cung cấp là Nguyễn Thị Dung, sinh năm 1976) có chồng là Bùi Quang Ân sống trong một túp lều tranh tre dột nát.

Thi hài bà Dung về phải đặt ở ngoài sân chứ trong nhà không có chỗ để. Gia cơ chẳng thấy có gì đáng giá đến trăm ngàn đồng. Vợ chồng đi làm thuê ngày nào kiếm tiền sống ngày ấy.

Trên bàn thờ của bà Dung chỉ có được gói kẹo và mấy bó hương rất đơn sơ. Người chồng ngồi thất thần trước cái chết đột ngột của vợ là lao động chính của gia đình, khóc lóc kể khổ. Những người đi trong đoàn chúng tôi chỉ biết ngậm ngùi chia sẻ nỗi đau.

Tại nhà chị Lê Thị Thanh chúng tôi gặp cảnh một người đàn ông gầy còm ngồi bệt ở bên thềm ôm mặt khóc không thành tiếng. Làng xóm cho biết đó là ông Nguyễn Văn Thành 54 tuổi, chồng chị Thanh.

Ông Thành đã từng có 8 năm bộ đội ở chiến trường nay về nghỉ không có chế độ gì lại bị bệnh thần kinh ốm yếu nằm một chỗ. Cuộc sống của ông với đứa con 12 tuổi hoàn toàn trông chờ vào bàn tay lao động của vợ.

Ông Thành kể trong tiếng nấc: “Vì nhà nghèo, tiếc cái cào để quên nên vợ tôi quay lại lấy đã bị đá đè chết”.

Theo lời bà Bốn, người thoát nạn, khi thấy một mảnh đá nhỏ rơi xuống bà thét lên “Làng ơi... sập đá”, chị Thanh có nghe thấy nhưng vì tiếc cái cào đá có giá chỉ vài chục ngàn đồng đã quay lại lấy nên mới thiệt mạng. Nhà chị Thanh nghèo đến nỗi khi chị ra đi không có một tấm hình trên bàn thờ.

Cùng thiệt mạng với chị Thanh là người em gái tên là Lê Thị Long mới 35 tuổi. Chị Long ra đi để lại 3 đứa con thơ dại. Cháu đầu mới 9 tuổi, cháu thứ hai 6 tuổi và cháu út 3 tuổi.

Khi chúng tôi đến nhà, thấy 3 cháu bé đứng trước bàn thờ mẹ ngơ ngác chưa hiểu ra chuyện gì. Đứa nhỏ còn khóc hỏi “Mẹ đi đâu”. Làng xóm ai cũng cám cảnh thương tâm không cầm được nước mắt.

Tang thương nơi xã nghèo ảnh 1
Ngôi nhà dột nát của nạn nhân Hoàng Thị Dung

Hoàn cảnh đáng thương tâm khác là chị Nguyễn Thị Tương. Mới 24 tuổi, chị đã có 2 con, đứa đầu 2 tuổi và đứa thứ hai chưa tròn 10 tháng. Chồng chị là anh Võ Ngọc Cường cũng làm nghề đi bốc đá thuê.

Hai vợ chồng đã vay mượn 10 triệu đồng dựng một túp lều ở riêng lợp bằng ngói Prôxi măng. Sau ngày sinh con thứ hai được 4 tháng, chị đã phải đi bốc đá lo sinh sống và trả nợ.

Chị Lê Thị Nguyệt ngoài 40 tuổi có 3 người con, nhà cũng rất nghèo. Khi chị chết đưa xác về, chồng là anh Nguyễn Văn Toàn đang đi làm thuê ở tận Đắc Lắc.

Chị Vương Thị Kim có 4 người con, 3 người con lớn đi làm thuê ở trong Nam, đứa út đang học THCS. Khi thi hài chị được đem về thiếu hẳn tiếng khóc thương của những người ruột thịt đang ở xa chưa về kịp.

Nạn nhân Nguyễn Văn Khương sinh 1954, gia đình cũng hết sức khó khăn. Xác ông Khương bị đã dập nát không còn nguyên vẹn. Người nhà còn phải ra bãi đá tìm thêm một số bộ phận thân thể đưa về đến gần trưa mới liệm lần thứ 2.

Thạch Bàn là một trong những địa phương nghèo nhất nước. Năm 1989 sau cơn bão số 7 Thạch Bàn bị ngập chìm trong biển nước, hơn 1.000 người dân ở đây phải bỏ quê vào Nam tìm đường sinh sống. Hiện tại toàn xã có 850 hộ gia đình với hơn 4.100 nhân khẩu.  Tỷ lệ hộ nghèo đói hiện còn 47% dân số.

Nhiều khu vườn của những gia đình ở đây chỉ toàn cát trắng. Làng một phía giáp biển là đầm lầy nước mặn, một phía giáp núi là lèn đá. Sự sống của người dân Thạch Bàn xưa gắn liền với nghề làm muối ngâm thịt da dưới nước mặn. Gần đây do các khu vực đô thị tốc độ xây dựng phát triển nhanh nên họ làm nghề đi bốc đá thuê kiếm sống qua ngày.

Tai nạn chết người ở Thạch Bàn không phải là lần đầu mà trước đây cũng đã xảy ra một số vụ chủ yếu là do nổ mìn. Hà Tĩnh đang thiết tha kêu gọi đồng bào cả nước kịp thời giúp đỡ những gia đình nạn nhân này sớm vượt qua cơn hoạn nạn.

MỚI - NÓNG