Tang tóc vùng bão đi qua

Tang tóc vùng bão đi qua
TP - Tới ngày 6/12/2006, trên nhiều tuyến đường trong trung tâm thành phố Vũng Tàu, xe cộ không thể đi lại được vì cây cối đổ chắn ngang. Nhiều đường phố vẫn không có điện.

Chiều ngày 6/12/2006, chúng tôi tới gia đình chị Đào Thị Hằng, SN 1982. Chị Hằng  chết để lại hai con nhỏ là cháu Nguyễn Nhất Ánh (SN 2003) và Nguyễn Nhất Hạ (SN 2002). Khi thấy bão, chị Hằng cùng mẹ già 73 tuổi và 2 con nhỏ đã chui xuống gầm giường tránh bão. Thế nhưng những trận cuồng phong liên tiếp đã cuốn cả tấm ô văng của nhà mới xây bên cạnh đổ sập, chị Hằng chỉ biết che chở cho 2 con nhỏ, mẹ già còn mình gánh chịu tất cả.

Nghe tiếng bà cụ già và trẻ em kêu cứu, hàng xóm tới bới trong đống đổ nát ra thì chị Hằng đã chết. Anh Nguyễn Thanh Hoạt, chồng chị Hằng nói trong nước mắt: “Chúng em lấy nhau được 5 năm, cả hai đều là công nhân nghèo, nay vợ em chết em chưa biết xoay xở thế nào”.

Tang tóc vùng bão đi qua ảnh 1
Chị Đặng Thị Lan ra đi, để lại ba đứa con nhỏ

Gia đình chị Đặng Thị Lan trú ở số 442/1/25/2G Bình Giã, TP Vũng Tàu cũng gặp cảnh tương tự. Bốn mẹ con trú bão trong nhà. Căn nhà hàng xóm đổ ụp xuống nhà chị Lan. Chị Lan lấy thân che chở cho 3 đứa con. Chúng chỉ bị thương nhưng chị Lan thì mãi mãi ra đi.

Trước mặt chúng tôi là ba đứa trẻ ngơ ngác trong bệnh viện, đứa nhỏ nhất tên Bùi Văn Huy, SN 1998  bị thương  đang được chị bế nhưng cả chị nó cũng như người mất hồn.

Ở khu phố Hải Điền 3, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền khi cơn bão ập tới khiến căn nhà nguy cơ đổ sụp đe dọa tính mạng 3 đứa con, anh Ngô Viết Dũng cùng vợ là chị Bùi Thị Trúc  đã  cố gắng  chống chọi với bão  bảo vệ tính mạng 3 đứa con nhỏ. Nhưng rồi nhà vẫn sập, anh Dũng và chị Trúc chết để lại 3 đứa con nhỏ bơ vơ.

Bệnh viện quá tải

Bão Durian cũng tàn phá nặng nề Bệnh viện Lê Lợi, TP Vũng Tàu. Toàn bộ mái tôn của khoa nội, khoa sản, khu chẩn đoán bị tốc. Khoa xét nghiệm vừa được đầu tư các trang thiết bị đắt tiền đã bị bão làm hư hại. Lúc bão đổ bộ bệnh nhân phải sơ tán, trong khi một số bác sĩ phải tránh bão dưới gầm bàn.

Dẫu vậy, bệnh viện vẫn quá tải vì phải tiếp nhận nhiều người bị thương vì bão. Giám đốc bệnh viện Trần Văn Bảy, cho biết, bệnh viện tiếp nhận 210 người đến cấp cứu, trong đó có 92 người nhập viện, có 16 ca phải mổ trong đó có những ca bị vỡ gan, vỡ màng phổi, gẫy chân tay do cây đổ nhà bị sập. Khoa xét nghiệm của BV với những máy móc hiện đại cũng bị sập, thiệt hại trên 2 tỷ đồng.

Thiệt hại về người của BR-VT là quá lớn, lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã phải họp khẩn cấp bàn các biện pháp khắc phục. Chủ tịch UBND BR-VT Trần Minh Sanh cho biết, cơn bão số 9 quá phức tạp, 60 năm nay BR-VT mới có bão đổ bộ. BR-VT cũng chưa có kinh nghiệm phòng chống bão. Tỉnh đã chỉ đạo cho dân sơ tán nhưng thiệt hại nhiều lại không phải ở biển mà là ở trong đất liền. Nỗi đau này quá lớn - Chủ tịch Trần Minh Sanh nói

Trong các ngày 5 và 6/12, BR-VT đã huy động khoảng 1.000 người để lập lại giao thông, giải tỏa ách tắc. Các lực lượng cũng xuống dân khôi phục giúp những ngôi nhà bị sập, bảo vệ tài sản cho người dân. Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chia thành nhiều đoàn xuống các địa phương viếng các nạn nhân tử nạn vì bão, thăm hỏi, tặng quà cho những gia đình có người bị thương.

MỚI - NÓNG