Tăng trách nhiệm cho cơ quan hành chính

Tăng trách nhiệm cho cơ quan hành chính
TP - Đà Nẵng đề xuất đổi UBND thành Ủy ban hành chính (UBHC) là mô hình không mới nhưng được xem như sự thay đổi cần thiết trong bối cảnh quản lý nhà nước tại các đô thị hiện nay.

Tiếp bài Đà Nẵng đề xuất chính quyền đô thị:

Tăng trách nhiệm cho cơ quan hành chính

Đà Nẵng đề xuất chính quyền đô thị: Chủ tịch thành thị trưởng

Theo ông Đặng Công Ngữ - Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng, mô hình chính quyền đô thị được Đà Nẵng nghiên cứu trong thời gian qua, trước những bất cập, hạn chế của mô hình tổ chức bộ máy và hoạt động của hành chính địa phương trên địa bàn hiện nay. Thực tế, mô hình tổ chức bộ máy cơ quan hành chính hầu như giống nhau ở tất cả các cấp chính quyền, gồm HĐND và UBND đã tạo ra một hệ thống rập khuôn, chưa phân biệt được sự khác nhau trong tổ chức quyền lực và hành chính nhà nước ở đô thị với nông thôn. Trong khi đó, theo tiến trình phát triển, chính quyền của các đô thị đã từng được hình thành, phát triển với mô hình khá rõ nét so với chính quyền nông thôn.

Mặt khác, với mô hình UBND cùng chế độ làm việc tập thể đang bộc lộ những hạn chế nhất định, không phát huy được vai trò, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu tổ chức, khó xử lý trách nhiệm khi các hoạt động quản lý nhà nước trên địa bàn kém hiệu lực, hiệu quả; việc kiểm tra, giám sát đối với chính quyền địa phương nặng về hình thức, còn ôm đồm, giảm tính năng động, sáng tạo của các địa phương.

Ông Ngữ cho hay, đề xuất xây dựng chính quyền đô thị, quay lại UBHC là để các cơ quan nhà nước thực hiện các chức năng hành chính, quản lý kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống dân sinh trên địa bàn. Đây là mô hình không có Hội đồng nhân dân ở các cấp trung gian để thực hiện “cánh tay nối dài” từ trên xuống, đồng thời tăng chế độ thủ trưởng, cấp dưới do cấp trên bổ nhiệm; các ngành, cơ quan chuyên môn hoạt động theo ngành dọc, phù hợp với đặc trưng của đô thị cần đảm bảo tính bao quát, tổng hợp, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Một trong những nét mới là tại các chính quyền “trung gian” (quận, huyện, phường) không còn là một “cấp ngân sách” như trước đây (trong 4 cấp ngân sách), mà là đối tượng thụ hưởng ngân sách qua các hoạt động ngân sách từ trên xuống dưới. Bên cạnh đó, phân định rạch ròi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan hành chính các cấp trong chính quyền đô thị; quy định rõ nhiệm vụ, thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về kết quả hoạt động.

Mô hình không mới

Theo UBND TP Đà Nẵng, đến nay, chưa có văn bản pháp luật định nghĩa đầy đủ khái niệm “chính quyền đô thị” ở Việt Nam bao gồm những thiết chế nào, mối quan hệ và cơ chế hoạt động cụ thể của các bộ phận cấu thành. Chính quyền hiện hay bao gồm: HĐND, UBND, với ngân sách riêng được tổ chức ở 3 cấp tỉnh, huyện và xã. Chính quyền địa phương không bao gồm các cơ quan kiểm sát và xét xử là những cơ quan thực hiện quyền tư pháp độc lập đặt tại địa phương. Như vậy, chính quyền đô thị là chính quyền địa phương, hoặc một bộ phận chính quyền địa phương thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa bàn đô thị. Có thể đưa ra khái niệm chung: Chính quyền đô thị ở Việt Nam là chính quyền địa phương tại các thành phố trực thuộc trung ương, hoặc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh, bao gồm cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương, cơ quan chấp hành và hành chính tại địa phương, cùng hệ thống các cấp hành chính trực thuộc.

Ông Ngữ cho hay: Thực tế UBHC của chính quyền đô thị là mô hình không mới, từng có ở nước ta trong giai đoạn những năm 1946 - 1959. Trong Nghị quyết số 17-NQ/TW (năm 2007) của Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước đã đề ra yêu cầu thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị, nhằm “tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ những khác biệt giữa chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị”.

Luật sư Đỗ Pháp, Trưởng VP Luật sư Đỗ Pháp (Đà Nẵng) nói: Trong lịch sử Việt Nam, sau Ủy ban kháng chiến từng có mô hình UBHC để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quản lý kinh tế, xã hội… Việc đổi tên gọi UBND thành UBHC là cần thiết, phù hợp để trả lại đúng “bản chất” của cơ quan nhà nước này. Đó là các công cụ để thực hiện các chính sách, quản lý xã hội. Cùng mô hình UBHC nên có các chức danh “thị trưởng” cho chủ tịch UBND hiện nay để tạo cơ chế tập trung quyền lực, chức năng, nhiệm vụ, tăng tính trách nhiệm và quản lý tập trung, xuyên suốt đến các cấp dưới. Theo Luật sư Đỗ Pháp: UBND thực tế là mô hình khá “lạc hậu” và không phù hợp với xu thế phát triển của đô thị hiện nay.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.