Tăng tranh luận, phản biện ở Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội Ảnh: PV
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các đại biểu trao đổi bên hành lang Quốc hội Ảnh: PV
TP - “Khi anh phát biểu hay giải trình, tôi không đồng tình sẽ giơ biển tranh luận ngay. Đặc biệt, bây giờ không chỉ tranh luận với các thành viên Chính phủ mà các đại biểu Quốc hội còn tranh luận với nhau. Tranh luận không chỉ tạo ra sôi nổi, hấp dẫn mà còn thể hiện tính dân chủ, đổi mới trong Quốc hội”, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trò chuyện với Tiền Phong.

Dân chủ, công khai để dân giám sát

Sau thành công của Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên diễn ra. Qua 75 năm hình thành và phát triển, Quốc hội ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân. Theo ông, đâu là những điểm đổi mới thể hiện sự dân chủ trong nghị trường?

Như chúng ta biết, Quốc hội ra đời trong khói lửa của cuộc đấu tranh cách mạng, vừa là thành quả, vừa là yêu cầu bức thiết của cách mạng. Quốc hội là biểu tượng của độc lập dân tộc, đại đoàn kết dân tộc, hiện thân của ý chí kiên cường và nghị lực phi thường của dân tộc Việt Nam. Gần 75 năm qua, Quốc hội luôn đồng hành với các bước phát triển của dân tộc, ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ khóa XIV này, chúng tôi luôn suy nghĩ đến việc đổi mới hoạt động của Quốc hội. Trong đó, điểm đổi mới đầu tiên là yếu tố tranh luận trong mấy kỳ họp Quốc hội qua được thể hiện rất rõ trên nghị trường.

Thời gian cho mỗi lần phát biểu cũng được rút ngắn, từ 7 phút trước kia giảm xuống còn 5 phút bây giờ. Cũng vì rút ngắn thời gian như vậy nên có thêm nhiều đại biểu được phát biểu, qua đó nhiều bộ trưởng, trưởng ngành sẽ trả lời nhiều ý kiến hơn, đồng thời đi trực tiếp vào câu hỏi hơn. Khi ứng dụng công nghệ vào Quốc hội, chúng tôi đã gửi được rất nhiều tài liệu cho đại biểu nghiên cứu, giúp đại biểu có thêm thông tin, phát biểu chất lượng hơn tại diễn đàn Quốc hội.

Tăng tranh luận, phản biện ở Quốc hội ảnh 1 Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

“Điểm mới trong nhiệm kỳ tới sẽ nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40%. Với mong muốn làm sao để chất lượng đại biểu Quốc hội được nâng lên, nhưng cũng phải đảm bảo cơ cấu đầy đủ các thành phần, đại diện cho các tầng lớp, giai tầng trong xã hội”.
 Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Ứng dụng “Quốc hội không giấy tờ” giúp đại biểu không phải “ôm” cả đống tài liệu như trước kia, lại còn rất dễ dàng trong biểu quyết và ngồi đâu cũng có thể nghiên cứu được tài liệu từ iPad, điện thoại di động. Những sự đổi mới đó tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại mang lại hiệu quả rất lớn.

Công tác giám sát, giải quyết ý kiến cử tri cũng đã có sự đổi mới. Trước kia, nội dung này chỉ được đưa vào sau, còn trong khóa này, Ban Dân nguyện đã trình ngay tại phiên khai mạc kỳ họp. Cử tri kiến nghị như vậy, các cơ quan của Chính phủ đã giải quyết như thế nào? Cơ quan của Quốc hội giải quyết ra sao? Bao nhiêu nội dung đã được giải quyết, bao nhiêu vấn đề còn nợ đọng?... Qua đó cử tri sẽ thấy được ý kiến của mình được đưa lên bàn nghị sự, được Quốc hội quan tâm, phản ánh kịp thời. Đó cũng là điểm đổi mới, thể hiện sự tôn trọng trong việc xem xét, đánh giá kiến nghị cử tri, cũng thể hiện tính dân chủ, công khai để cử tri và nhân dân giám sát.

Còn việc Quốc hội chia kỳ họp thành hai đợt, áp dụng họp trực tuyến như vừa qua thì sao?

Quốc hội áp dụng họp trực tuyến chỉ là sự thay đổi trong phương thức làm việc. Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Quốc hội không thể chờ dịch đi qua. Trước tình hình đó, Văn phòng Quốc hội đã đề xuất kỳ họp Quốc hội chia làm hai đợt, họp trực tuyến và họp tập trung. Lúc đầu cũng có rất nhiều ý kiến băn khoăn, sợ không đảm bảo được chất lượng, nhưng chúng tôi vẫn kiên quyết đề nghị. Việc chia làm hai đợt như vậy sẽ có khoảng thời gian giãn cách và có thêm thời gian để nghiên cứu, tiếp thu ý kiến trong giai đoạn một, để rồi hoàn thiện, giải trình vào đợt hai trước khi được thông qua.

Vậy hiệu quả mang lại ra sao?

Việc áp dụng họp trực tuyến mang lại rất nhiều hiệu quả, giúp tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Ngoài tiết kiệm chi phí cho công tác bảo vệ an ninh, an toàn giao thông, khi họp trực tuyến, các đại biểu ở địa phương không phải đi đi về về vào mỗi dịp cuối tuần. Ông bí thư, chủ tịch tỉnh, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội vừa họp được Quốc hội nhưng vẫn xử lý được công việc hàng ngày tại địa phương sau khi kết thúc ngày họp.

Khi họp trực tuyến, tại 63 điểm cầu, địa phương có thể mời đại diện các sở, ngành đến tham dự. Ví dụ, khi Quốc hội cho ý kiến về Luật Thanh niên, các địa phương có thể mời đại đại diện Đoàn Thanh niên đến trực tiếp nghe Quốc hội thảo luận, cho ý kiến, rất hiệu quả thiết thực. Còn khi Quốc hội họp tập trung thì chịu, vì không phải nội dung nào cũng được truyền hình trực tiếp để theo dõi.

Việc đổi mới này cũng buộc đại biểu phải sử dụng công nghệ, không dùng iPad thì không thể nghiên cứu được. Tất nhiên, việc này sẽ vất vả cho Văn phòng Quốc hội, phải đảm bảo hệ thống phần mềm, đường truyền, làm sao từ đăng ký phát biểu đến biểu quyết phải thông suốt, không bị ngắt quãng… Nhìn chung, việc tiết kiệm tiền bạc cũng chỉ một phần, nhưng điều quan trọng là mang lại hiệu quả rất tốt về mặt xã hội.

Lắng nghe để tạo sự đồng thuận

Nhiều dự án luật đã được cử tri, dư luận đặc biệt quan tâm. Những luồng ý kiến phản biện, góp ý từ nhân dân được Quốc hội và đại biểu ghi nhận, tiếp thu ra sao?   

Khi Quốc hội cho ý kiến về một dự án luật, đối tượng chịu tác động có ý kiến là đương nhiên và cũng rất tốt. Bởi nếu không ý kiến lúc đầu, đến khi ứng dụng vào thực tế lại va vấp, lúc đó cử tri, nhân dân mới phản ứng thì rất gay. Trong quá trình làm luật, bao giờ cũng có việc đánh giá tác động, ý kiến phản hồi từ cử tri. Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho tiếng nói cử tri và nhân dân, nên phải luôn lắng nghe, tiếp thu các ý kiến. Ví như dự án luật Biểu tình, khi còn ý kiến khác nhau, phải để lại nghiên cứu tiếp với tinh thần cầu thị, lắng nghe.

Chúng tôi đánh giá rất cao vai trò của báo chí với Quốc hội. Báo chí luôn là nhịp cầu nối giữa Quốc hội với cử tri. Các bạn không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri tới Quốc hội, mà còn phản ánh những vấn đề còn ý kiến khác nhau từ chính diễn đàn Quốc hội, tạo ra sự tương tác hai chiều. Điển hình như Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhờ báo chí mới có được sự tác động tức thì, mang lại hiệu quả cao, được cử tri và nhân dân đồng thuận.

Tăng tranh luận, phản biện ở Quốc hội ảnh 2 Đại biểu tranh luận tạo ra sự sôi nổi và thể hiện tính dân chủ nghị trường Ảnh: PV
Hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc rất lớn vào chất lượng đại biểu. Trong nhiệm kỳ này khi có đại biểu Quốc hội bị bãi nhiệm, việc thẩm tra tư cách đại biểu ứng cử sẽ được đổi mới ra sao trong nhiệm kỳ tới?

Nhiệm kỳ này sẽ ban hành các quy định chặt chẽ về tiêu chuẩn ứng cử, hồ sơ ứng cử… Đồng thời kết hợp với các tiêu chuẩn về nhân sự liên quan đến Đại hội Đảng các cấp, công tác bảo vệ chính trị nội bộ, quy định của Đảng về công tác cán bộ. Tất cả sẽ được gắn vào để đưa ra những tiêu chuẩn cho đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ tới. Để qua đó thẩm tra, đánh giá, rà soát hồ sơ đại biểu ứng cử một cách kỹ lưỡng, bài bản.

Điểm mới trong nhiệm kỳ tới sẽ nâng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách lên 40%. Với mong muốn làm sao để chất lượng đại biểu Quốc hội được nâng lên, nhưng cũng phải đảm bảo cơ cấu đầy đủ các thành phần, đại diện cho các tầng lớp, giai tầng trong xã hội. Vậy thì chọn chất lượng hay chọn cơ cấu? Điều này cũng tương đối khó. Chúng ta vẫn thường nói không vì cơ cấu mà coi nhẹ chất lượng đại biểu. Nhưng ngành nghề nào, giai tầng nào trong xã hội cũng mong muốn có người đại diện ở diễn đàn Quốc hội. Vì thế, chúng ta không nên cầu toàn, điều quan trọng phải hài hòa được hai yêu cầu này, làm sao để lựa chọn được người đại diện xứng đáng nhất tham gia diễn đàn Quốc hội.

Cảm ơn ông.

MỚI - NÓNG