Tăng tuổi hưu, thời gian nghỉ thai sản

Nhiều ý kiến cho rằng nên tăng thời gian nghỉ sau khi sinh lên 6 tháng Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều ý kiến cho rằng nên tăng thời gian nghỉ sau khi sinh lên 6 tháng Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Hôm qua, thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình phương án tăng tuổi nghỉ hưu ở một số nhóm lao động, tăng thời gian nghỉ thai sản, không tăng thời gian làm thêm.

> Đề nghị bảo hiểm cả vàng, ngoại tệ

Nhiều ý kiến cho rằng nên tăng thời gian nghỉ sau khi sinh lên 6 tháng Ảnh: Hồng Vĩnh
Nhiều ý kiến cho rằng nên tăng thời gian nghỉ sau khi sinh lên 6 tháng.  Ảnh: Hồng Vĩnh.

Nâng tuổi nghỉ hưu lao động nữ

Theo dự thảo luật, người lao động (LĐ) bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật thì được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi và nữ đủ 55 tuổi.

Tuy nhiên, người LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm.

Chưa thật đồng tình với những quy định trong dự thảo luật, đại biểu (ĐB) Bùi Thị An (Hà Nội) dành trọn 7 phút phát biểu để kiến nghị về tuổi nghỉ hưu của LĐ nữ.

Bà An cho rằng, người phụ nữ đạt được trình độ quản lý, lãnh đạo, khoa học, kỹ thuật, bác sĩ là rất khó khăn. Rất nhiều nhà khoa học, bác sĩ ở độ tuổi 55 - 60 là vàng ròng của ngành y tế, ngành giáo dục.

Thế nhưng cứ đến 55 tuổi phải nghỉ là rất lãng phí. Bởi không phải bác sỹ nào về hưu cũng có tiền mở bệnh viện tư.

Trong khi đó, y tế thế giới tổng kết, tuổi thọ của nữ cao hơn nam. Bà An kiến nghị QH, Chính phủ nên xem lại chuyện này, không để lãng phí một nguồn lực chất xám lớn.

Bà An cũng không đồng tình quy định, LĐ nữ ngoài 55 tuổi mà tiếp tục làm việc thì không được giữ các chức vụ quản lý và đề nghị Bộ Y tế xây dựng một đề tài đánh giá chỉ số IQ của nữ độ tuổi từ 55 - 60 và so với nam.

“Các đồng chí nhìn nữ ĐBQH 52, 53 tuổi còn rất trẻ, khỏe và trí tuệ, tại sao lại bảo vài năm nữa nghỉ. Tôi tha thiết mong các đồng chí đừng để sự phát triển của phụ nữ Việt Nam thành hình chóp, tức là cứ trên cao thì ít đi”, bà An nói.

Trong thảo luận, nhiều nam ĐB đồng tình đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của một số nhóm LĐ. Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng cho rằng, quy định LĐ nữ làm việc trong những lĩnh vực như quản lý nhà nước hay LĐ chất xám thì tuổi nghỉ hưu có thể nâng lên là phù hợp.

Ngoài ra, người LĐ làm việc trong những ngành nặng nhọc, độc hại có thể được nghỉ hưu sớm hơn, có điều kiện được dưỡng sức.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận, các ĐB đồng tình kéo dài thời gian nghỉ thai sản của LĐ nữ từ 4 tháng lên 6 tháng.

Quy định như vậy nhằm tạo điều kiện cho việc nuôi con từ 0 đến 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ, góp phần bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi.

Lương tối thiểu mới bằng 60% thực tế

Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng Ảnh: Hồng Vĩnh
Đại biểu Quốc hội Đặng Ngọc Tùng.  Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

ĐB Đặng Ngọc Tùng đồng tình quy định, mức lương tối thiểu trả cho người LĐ làm việc trong điều kiện bình thường và đơn giản nhất phải bảo đảm mức sống tối thiểu.

Chính phủ cần lắng nghe và đưa ra mức lương tối thiểu sát với thực tế hơn, bởi mức lương tối thiểu hiện nay mới bằng 60% thực tế. Lương tối thiểu rất quan trọng trong quan hệ LĐ; đình công và tranh chấp LĐ phần lớn xoay quanh tiền lương tối thiểu.

Ông Tùng đề nghị tổ chức công đoàn tham gia xây dựng thang, bảng lương và định mức LĐ. Ngoài ra, cơ quan quản lý nhà nước phải kiểm tra việc xây dựng thang, bảng lương của doanh nghiệp.

ĐB Trần Thanh Hải (TPHCM) cho rằng, khi Hội đồng Lương quốc gia kiến nghị Chính phủ điều chỉnh mức lương tối thiểu cần tính đến nhu cầu cuộc sống tối thiểu, làm sao cho đời sống người lao động ngày càng được cải thiện.

ĐB Nguyễn Thành Tâm cho rằng, quy định điều kiện điều chỉnh mức lương tối thiểu theo biến động của chỉ số giá tiêu dùng và mặt bằng chung về giá cả sức lao động, tiền lương là hợp lý.

Tuy nhiên, ông Tâm đề nghị, bổ sung quy định điều chỉnh sớm mức lương tối thiểu khi có những biến động giá cả tăng nhanh.

“Thực tế, khi Chính phủ chưa điều chỉnh thì qua các cuộc đình công, ngừng việc, các DN cũng phải điều chỉnh mức thu nhập cho người LĐ khi giá cả tăng nhanh”, ông Tâm nói.

Không để người lao động bị “vắt chanh bỏ vỏ”

ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng ý phương án thời gian làm thêm của người LĐ tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày, 30 giờ một tháng, tổng số không quá 200 giờ/năm. Quy định này sẽ hạn chế tình trạng người sử dụng LĐ khai thác tối đa khiến người LĐ cạn kiệt sức LĐ.

ĐB Cù Thị Hậu (nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói: “Cả cuộc đời 45 năm làm công nhân và công đoàn tôi rất hiểu điều kiện của người công nhân nên tha thiết đề nghị phấn đấu làm sao để người LĐ đỡ phải làm thêm, bây giờ chẳng qua vì cuộc sống quá khó khăn thì họ phải chấp nhận việc đó”.

ĐB Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho biết, nhiều doanh nghiệp thường xuyên vi phạm trần thời gian làm thêm giờ đối với người LĐ, nhưng chủ yếu chỉ bị xử lý hành chính.

Ông Tâm đề nghị, ngoài việc xử lý hành chính, cần bổ sung qui định nếu DN nào sử dụng người LĐ làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định thì phải tăng gấp đôi tiền làm thêm giờ đối với số giờ vượt làm thêm.

Như vậy, vừa đảm bảo được quyền lợi của người LĐ, vừa hạn chế việc DN cố tình vi phạm.

Đại gia cũng đăng ký thất nghiệp

Hà Nội - Tại hội nghị kết 3 năm thực hiện bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 23-5, ông Lê Quang Trung - Phó cục trưởng Cục Việc làm, cho biết, số người thất nghiệp đang tăng mạnh, trong đó có cả nhóm đối tượng thu nhập cao, làm việc tại những vị trí quản lý.

Theo ông Trung, năm 2011, số người đăng ký BHTN tăng 77% so với năm 2010; quý I-2012, số người thất nghiệp tăng gần 70% so với cùng kỳ năm trước.

Khảo sát của Cục Việc làm cho thấy, nguyên nhân của việc doanh nghiệp không tuyển đủ lao động là vì trả lương cho người lao động (NLĐ) quá thấp, trong khi giá cả trên thị trường tăng vọt khiến nhiều lao động không thể cân đối được đời sống và phải rời bỏ nơi làm việc cũ, tìm nơi có thu nhập tốt hơn.

Theo ông Trung, tình trạng đại gia ùn ùn đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng diễn ra sau hơn hai năm thực hiện BHTN. Nguyên nhân nghỉ việc của các đối tượng này chủ yếu là do DN nước ngoài hoặc văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài đặt tại Việt Nam bị thu hẹp hoạt động, giải thể, chấm dứt hoạt động hoặc hợp đồng lao động hết hạn.

Theo thống kê của Cục Việc làm, TPHCM là địa phương có số người đóng BHTN nhiều nhất (khoảng 38.000 người), nhưng chỉ có gần 3% số người này nhận BHTN trong 2 tháng đầu năm 2012; tiếp đến là tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Liên quan thông tin có NLĐ được hưởng trợ cấp thất nghiệp hơn 16 triệu đồng/tháng, ông Trung khẳng định đây là thông tin sai lệch. Theo quy định, tiền lương, tiền công đóng BHTN mức tối đa là 16,6 triệu đồng/tháng (bằng 20 lần lương tối thiểu), mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa là 9,96 triệu đồng/tháng (bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.