Tạo không khí dân chủ, cởi mở trong bầu cử

Tư vấn nộp hồ sơ ứng cử tại Hà Nội. Ảnh: Luân Dũng.
Tư vấn nộp hồ sơ ứng cử tại Hà Nội. Ảnh: Luân Dũng.
TP - “Tôi đề nghị Thành ủy, Hội đồng bầu cử thành phố xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong bầu cử”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói tại buổi làm việc với Ủy ban bầu cử thành phố Hà Nội.

Với 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Hà Nội, tăng 7 người so với nhiệm kỳ trước, trong đó có nhiều nhân sĩ trí thức tiêu biểu tham gia, điều này được coi là tín hiệu đáng mừng và thể hiện tinh thần dân chủ cao. 

Ngày 15/3, Đoàn giám sát Hội đồng Bầu cử Quốc gia do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia làm trưởng đoàn đã làm việc với Ủy ban bầu cử thành phố
Hà Nội.

Đề phòng vận động, lôi kéo

Theo Trưởng Tiểu Ban Tuyên truyền bầu cử Hà Nội Nguyễn Văn Phong, tới đây thành phố sẽ tuyên truyền, nhấn mạnh đến tiểu sử các ứng viên, thậm chí sẽ đưa tiểu sử, ảnh của mỗi người đến từng hộ gia đình. Riêng lực lượng sinh viên (khoảng 800 nghìn sinh viên), công nhân ở khu công nghiệp, khu chế suất, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tuyên truyền riêng cho các đối tượng này. Tại các khu đô thị mới, nhà chung cư, Hà Nội đã có kinh nghiệm triển khai, trên cơ sở đó đã xây dựng được danh sách cử tri đi bầu cử.

“Đối với các trường hợp tự ứng cử tại sao lại gia tăng? Vấn đề này đã được dự báo trước. Nguyên nhân quan trọng là tinh thần dân chủ được đề cao, thấm vào các tầng lớp nhân dân, đồng thời sự đóng góp của xã hội cũng được nâng lên”, ông Phong lý giải.

Phó Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Lê Minh Thông đề nghị Hà Nội cần đảm bảo quyền bầu cử của cử tri theo đúng luật, trong đó đặc biệt chú ý đến một số đối tượng trước đây không có quyền bầu cử, như người bị tạm giam, tạm giữ, theo luật mới hiện nay họ có quyền bầu cử. Ông Thông nhận định, từ thời điểm này có thể việc khiếu nại, tố cáo sẽ rất nhiều, vì thế Hà Nội cần nâng cao trách nhiệm để giải quyết tốt hơn. 

Đoàn giám sát cũng lưu ý một số đối tượng tự ứng cử tranh thủ công nghệ để tuyên truyền, vận động. Thực tế cho thấy trên các trang mạng cá nhân có những bài viết hô hào, ủng hộ bỏ phiếu cho một số trường hợp tự ứng cử. Một số trường hợp tự ứng cử đã đi vận động cử tri nơi cư trú để tranh thủ sự ủng hộ. Với 47 người tự ứng cử, sẽ có một số trường hợp bị đưa ra khỏi danh sách, không thể tránh khỏi việc lợi dụng, nói là không dân chủ, dẫn đến lôi kéo, vận động cử tri không đi tham gia bầu cử, hay tham gia bầu cử nhưng không bầu cho ai.

Đảm bảo tối đa quyền cử tri

Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, khi tiếp nhận triển khai cuộc bầu cử, Thành ủy Hà Nội đã xác định Thủ đô có những đặc điểm riêng, nổi bật nhất là dân số đông với tổng cộng gần 10 triệu người. Dân trí cử tri Thủ đô cũng rất cao. Riêng 47 ứng viên tự ứng cử ĐBQH lần này có nhiều nhân sĩ trí thức tiêu biểu của thành phố tham gia, vơi mong muốn đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Số lượng người tự ứng cử nhiều hơn 7 người so với nhiệm kỳ trước, theo bà Ngọc, đây là điều đáng mừng vì nhân dân đã ngày một quan tâm nhiều hơn tới công tác này.

Về danh sách cử tri, bà Ngọc cho biết, ngành Công an đã cập nhật thông tin toàn bộ cư dân của Hà Nội trên hệ thống quản lý, không để sót ai. Thậm chí Hà Nội còn mở chuyên mục “Tôi 18 tuổi” trên báo chí để tuyên truyền sâu rộng tới thế hệ trẻ, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm và quyền lợi khi đi bầu cử, qua đó lựa chọn được những người đại diện ưu tú nhất.

Đánh giá cao những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, Hà Nội cần làm tốt hơn công tác tuyên truyền về bầu cử, đảm bảo quyền của cử tri, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối để ngày bầu cử thực sự là ngày hội của toàn dân. Việc quan trọng hiện nay là phải thực hiện đúng pháp luật, đảm bảo quyền cử tri với người bị tạm giam, tạm giữ, người Việt Nam ở nước ngoài về nước, người dân tạm trú, sinh viên… Phó Thủ tướng cho biết, dù Quốc hội hay HĐND cũng đều là người đại diện quyền lợi của nhân dân, nên phải có cơ cấu đại diện phù hợp. Đồng thời cần chuẩn bị thật tốt nội dung và hình thức để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công nhất.

“Tôi đề nghị Thành ủy, Hội đồng bầu cử thành phố xem xét, xử lý theo đúng quy định pháp luật, tạo không khí dân chủ, cởi mở trong bầu cử”, Phó Thủ tướng đề nghị, đồng thời lưu ý Hà Nội tập trung làm tốt công tác tiếp dân, xử lý khiếu nại tố cáo, không để khiếu kiện đông người kéo đến các cơ quan Trung ương.

Một thành viên Đoàn giám sát nhận định, kỳ bầu cử lần này phức tạp hơn nhiều, đã hình thành phong trào tự ứng cử. Một số người tự ứng cử, có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài đứng ra vận động bầu cho họ, thậm chí cung cấp tài chính để vận động. 

MỚI - NÓNG