Tạo môi trường thông thoáng để người dân, doanh nghiệp làm ăn

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020). Ảnh: Hoàng Lam.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020). Ảnh: Hoàng Lam.
TP - Sáng 23/9, nhiều địa phương trong cả nước đã khai mạc Đại hội Đảng bộ tỉnh. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc đã về dự và chỉ đạo Đại hội.

* Thanh Hóa: Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh: Trong những năm tới, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân Thanh Hóa cần chuẩn bị để sẵn sàng tận dụng thời cơ, vượt qua những thách thức, vừa góp phần khắc phục những yếu kém nội tại của nền kinh tế, vừa nâng cao hiệu quả và sức mạnh cạnh tranh trong hội nhập thắng lợi. Tỉnh cần phát huy tiềm năng, lợi thế địa phương; đẩy mạnh phát triển những ngành công nghiệp cơ bản, công nghiệp công nghệ cao, có ý nghĩa chiến lược. Cùng đó, hết sức lưu ý liên kết vùng với các tỉnh trong vùng, nâng cao hiệu quả phát triển toàn vùng. Quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội phù hợp, hài hòa với phát triển kinh tế. Cần phải thường xuyên củng cố tiềm lực về thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững chắc. Làm tốt công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh...?

* Quảng Trị: Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2015-2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận và biểu dương những thành tựu quan trọng mà Quảng Trị đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, Thủ tướng cho rằng, với vị trí ở điểm đầu hành lang Kinh tế Đông-Tây, là cầu nối thuận lợi trong liên kết hội nhập, hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực và quốc tế, Quảng Trị cần khai thác tốt tiềm năng, phát huy thế mạnh, tận dụng tối đa lợi thế để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Thủ tướng cũng đề nghị, Quảng Trị cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thông thoáng tốt nhất để thu hút, huy động các nguồn lực, các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển mạnh các ngành, các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương.

* Ninh Bình: Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu các đại biểu trên cơ sở quán triệt sâu sắc tiêu chuẩn cấp ủy viên được quy định tại Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị; căn cứ quy chế bầu cử trong Đảng và xuất phát từ thực tiễn của Đảng bộ, đề cao tinh thần trách nhiệm, phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn những đồng chí đủ tiêu chuẩn, thật sự xứng đáng bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ này.

* Hà Nam: Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nam cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định và 3 khâu đột phá cụ thể mà báo cáo chính trị của tỉnh đã chỉ ra, gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. bên cạnh đó, Hà Nam cần tăng cường kết nối, liên kết, mở rộng không gian phát triển với các địa phương, nhất là với Thủ đô Hà Nội.

* Thái Bình: Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Nhiệm kỳ 2015 -2020, Thái Bình cần xác định các nguồn lực đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, các đột phá và các ngành mũi nhọn để ưu tiên phát triển. Đặc biệt cần triển khai có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện đồng bộ nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

* Nam Định: Tại lễ khai mạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị lưu ý, Đảng bộ tỉnh cần liên hệ với tình hình thực tế ở địa phương, thảo luận, chỉ ra nguyên nhân những hạn chế, yếu kém, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục; Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo bước đột phá, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, xây dựng Nam Định thành một trong những trung tâm kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng.

* Ninh Thuận: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII chỉ rõ, mặc dù đối diện với không ít khó khăn, nhưng kinh tế tỉnh Ninh Thuận tiếp tục ổn định và tăng trưởng; tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 11,2%/năm. Kinh tế - xã hội miền núi được quan tâm đầu tư và có bước phát triển.

* Sơn La: Báo cáo tại Đại hội cho thấy 5 năm qua, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2011-2015 tăng gần 11%; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 38% xuống còn 22%; hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư, hoàn thiện một bước. 

* Lào Cai: Báo cáo chính trị trình Đại hội nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã đoàn kết đồng hành cùng chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, giành được nhiều thành tựu quan trọng, trong đó đời sống nhân dân ngày được cải thiện và nâng cao.

* Bắc Ninh: Chiều 23/9, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức họp báo thông tin về chương trình Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo kế hoạch, hôm nay (24/9), Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh sẽ khai mạc phiên chính thức, sau đó sẽ bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ nhiệm kỳ mới.

* Cần Thơ: Ngày 23/9, Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII họp phiên trù bị.

Theo tài liệu của Thành ủy Cần Thơ phát cho báo chí, Báo cáo chính trị của thành phố đề ra nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm hàng đầu là “đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế”. Ba khâu đột phá: xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, khuyến khích ứng dụng công nghệ mới vào cuộc sống.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.