Tập trung người lang thang, ăn xin ở Hà Nội

Tập trung người lang thang, ăn xin ở Hà Nội
TP - Để tạo bộ mặt văn minh, thanh lịch cho Thủ đô, ở thời điểm cận kề Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội đang ráo riết thực hiện việc tập trung các đối tượng lang thang ăn xin để chuyển về địa phương theo Quyết định 90 của UBND TP có hiệu lực từ 26/7.

Tuy nhiên, thực tế các cơ quan chức năng khó mà xử lý triệt để tình trạng này.

Tập trung người lang thang, ăn xin ở Hà Nội ảnh 1
Một em bé ăn xin trên phố Hà Nội. Ảnh: Lưu Thành

Đang ngồi nhâm nhi cà phê trên phố Tô Hiến Thành, tôi giật mình khi có tiếng gọi từ phía sau. Quay lại, thấy hai chị em chừng bảy tuổi, ăn mặc rách rưới, đưa mũ ra xin tiền.

Trước hoàn cảnh đáng thương, nhiều người động lòng trắc ẩn, rút hầu bao giúp đỡ một chút tiền lẻ. Tuy nhiên, vài phút sau, một nhóm ăn xin trẻ khác lại đến. Thấy vậy, ông chủ quán đành phải nặng lời.

Theo Cục Bảo vệ, Chăm sóc Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), từ đầu tháng 3/2009, Cục tiếp tục tiến hành một dự án hỗ trợ trẻ em lang thang hồi gia, kéo dài trong ba năm ở một số tỉnh, thành phố lớn.

Có nhiều biện pháp hỗ trợ trẻ lang thang như tiếp cận giáo dục, học nghề, cho gia đình các em vay vốn không lãi suất để làm ăn, ổn định cuộc sống.

Tại các tuyến phố trung tâm, nơi tập trung nhiều du khách nước ngoài, tình trạng người ăn xin (già có, trẻ em có, tàn tật có), ngày càng đông.

Quanh bờ hồ Hoàn Kiếm, lực lượng chức năng suốt ngày túc trực, ngăn cản, nhưng ngày nào cũng có người lang thang hành nghề ăn xin đeo bám du khách.

Tại các nút giao thông ngã ba, ngã tư như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, Chùa Bộc - Tây Sơn..., khi các chủ phương tiện dừng xe chờ đèn tín hiệu lập tức các đối tượng ăn xin bủa vây. Nhiều trường hợp ăn xin tràn xuống đường chèo kéo người đi đường.

Không chỉ các tuyến phố, các nút giao thông, hiện tượng người lang thang ăn xin có mặt khắp các đền chùa, điểm tham quan du lịch, di tích lịch sử ở Thủ đô, với đủ loại.

Trong số này có cả những kẻ đội lốt, nhập vai làm người ăn xin để xin tiền, lừa du khách. Những ngày lễ như mùng một, hay rằm, khi đông đảo du khách tập trung về đền thắp hương khấn phật, cũng là lúc những người ăn xin về đây rất đông.

Bắt cóc bỏ đĩa?

Việc tập trung các đối tượng lang thang, ăn xin được Hà Nội triển khai từ năm 2000. Chi phí để tập trung, bàn giao, nuôi dưỡng, điều trị những đối tượng này lên đến hàng trăm triệu đồng, song nhiều trường hợp chỉ sau vài tháng về địa phương lại tái xuất ở Thủ đô.

Quận Hoàn Kiếm, địa bàn trung tâm, năm 2008, tập trung được gần 300 trường hợp (riêng ban quản lý hồ Hoàn Kiếm trong năm 2008 tập trung được gần 150). Tuy vậy, đại diện Phòng LĐ-TB&XH Quận cho rằng, có quá nhiều khó khăn khi thực hiện.

Theo quy định trước đây, khi tập trung người lang thang lần đầu, các trung tâm bảo trợ xã hội bảo trợ họ không quá 30 ngày nên, sau đó, họ lại quay lại địa bàn hoạt động. Các lần tiếp theo giữ không quá ba tháng để trả về địa phương, gia đình, song đa số tái xuất.

Hiện có hai nơi tiếp nhận nuôi dưỡng các đối tượng lang thang xin ăn, người tâm thần trên địa bàn là Trung tâm Bảo trợ Xã hội 1 (BTXH) và Trung tâm BTXH 4.

Theo Trung tâm BTXH 1, sáu tháng qua đưa được trên 200 đối tượng ăn xin về trung tâm BTXH và địa phương nhưng sau đó có tới 55 đối tượng quay lại hành nghề. Hơn nữa, các trung tâm này đang thiếu thốn đủ thứ.

“Các địa phương chưa làm tốt công tác tạo công ăn việc làm ổn định đời sống cho họ nên trả về rồi họ lại ra. Lần này thành phố thực thi nhiều giải pháp như lập đường dây nóng phát hiện người ăn xin, đưa họ vào các trung tâm dạy nghề hoặc đưa về quê, với sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và đoàn thể” - Một cán bộ nói.

Theo Quyết định 90 của UBND TP Hà Nội vừa ban hành, các đối tượng là người lang thang xin ăn và người tâm thần lang thang (gọi chung là đối tượng lang thang xã hội) trên địa bàn Hà Nội sẽ được tập trung đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc bệnh viện tâm thần để nuôi dưỡng, khám điều trị và chuyển về gia đình, địa phương.
MỚI - NÓNG