Tập trung phát triển kinh tế-xã hội nửa cuối năm

Tập trung phát triển kinh tế-xã hội nửa cuối năm
Tiếp tục kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, sáng 4-8, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước 6 tháng cuối năm 2011; quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2009.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nâng cao vị thế đất nước
> Hôm nay, Quốc hội nghe báo cáo tình hình biển Đông

Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011, nhiều đại biểu cho rằng sau 4 tháng triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội và chính phủ, với quyết tâm cao cùng với việc tổ chức triển khai đồng bộ, thống nhất và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương; sự cố gắng tích cực của các địa phương, các doanh nghiệp và sự đồng thuận của toàn xã hội, tình hình kinh tế-xã hội những tháng gần đây đã có một số chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình kinh tế-xã hội cũng nổi lên nhiều khó khăn, thách thức cần được phân tích kỹ, đánh giá, làm rõ nguyên nhân để tập trung chỉ đạo sát sao hơn.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và cho ý kiến về 8 nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm nhằm hoàn thành các chỉ tiêu năm 2011 ở mức cao nhất. Các đoàn đại biểu đều nhất trí với đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng cuối năm và nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra trong những tháng cuối năm.

Tại đoàn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đề cập đến một vấn đề là làm thế nào để quỹ bình ổn hàng hóa thật sự hiệu quả, thông qua cơ chế nào thì phù hợp và phải kiểm soát chặt chẽ được việc tiếp nhận.

Tuy quỹ bình ổn không phải là nguồn lực quá lớn để có thể đáp ứng cả nhu cầu thị trường tiêu dùng nhưng cũng là một giải pháp có ý nghĩa và cần thiết vào thời điểm này. Vì vậy, những biện pháp can thiệp kinh tế kiểu như quỹ bình ổn giá chỉ thực sự có ý nghĩa khi đến được tay người tiêu dùng.

Đối với doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng cần hỗ trợ thẳng vào chỗ khó khăn nhất hiện nay đó là lãi suất vay quá cao. Bởi khó khăn của doanh nghiệp cũng dẫn đến những bất ổn chung cho xã hội như thiếu việc làm, thất nghiệp... Nếu doanh nghiệp dừng sản xuất sẽ khan hiếm hàng hóa và giá cả khó kiềm chế do lệch cán cân cung-cầu.

Về vấn đề lạm phát, đại biểu Bùi Thị An, đoàn Hà Nội nhận xét, thực chất giai đoạn này vẫn là kiềm chế tái lạm phát và việc thực hiện chưa tốt do chủ trương quản lý giá chưa đúng. Bà An đơn cử hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường chỉ kiểm tra ở những đầu mối lớn và theo đợt nên chưa thực sự hiệu quả. Việc kiểm soát phải từ khâu sản xuất đến lưu thông. Đặc biệt, giá thực phẩm liên tục tăng thời gian qua vì chưa hỗ trợ gốc.

Bởi vậy, nên có tín dụng đặc biệt hỗ trợ cho những người chăn nuôi, trồng trọt. Hỗ trợ từ khâu đầu sẽ góp phần giảm chi phí, giá thành đầu ra. Đây cũng là ý kiến chung của rất nhiều đại biểu.

Các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ vẫn thu hút nhiều ý kiến đóng góp. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, đoàn Hà Nội cho rằng lãi suất tăng cao như hiện nay, để kinh doanh có lãi rất khó vì doanh nghiệp ít nhất phải đạt lợi nhuận 25% mới đủ chi phí. Con số huy động đầu vào 14% là không thực tế bởi lãi suất thỏa thuận vẫn tồn tại, có lúc lên tới 17-18%, thậm chí có thể cao hơn. Như vậy, tính minh bạch của hệ thống ngân hàng bị phá vỡ.

Nhiều đại biểu cùng chung ý kiến siết chặt tín dụng với bất động sản phải có lộ trình giảm dần, giảm từ từ bởi đây cũng là áp lực lớn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Có những thời điểm phải áp dụng cơ chế hành chính nhưng cũng có lúc phải trả lại hoạt động theo cơ chế thị trường.

Đại biểu Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) cho rằng thị trường tài chính tiền tệ liên thông đến các lĩnh vực chứng khoán, bất động sản và thực tế thời gian qua cho thấy một lượng vốn rất lớn dồn cho thị trường này. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà đưa ra mức lãi suất cao chỉ vì ngành kinh doanh này được đánh giá là cho lợi nhuận cao, đó là bất hợp lý.

Theo đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội), các vấn đề hành chính nhà nước trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng cần rõ nét hơn. Ông Quyền dẫn chứng khung pháp lý cho các tổ chức tín dụng trước đây (giai đoạn những năm 1990) rất chặt chẽ nhưng từ năm 2003 trở lại đây, việc cấp phép cho các tổ chức tín dụng cả nước ngoài lẫn trong nước phát triển quá nhiều.

Vì vậy, cần rà soát lại, nhất là các ngân hàng có yếu tố nước ngoài để giữ sự cạnh tranh lành mạnh cho ngân hàng trong nước. Đặc biệt, đại biểu cũng mong muốn Ngân hàng Nhà nước phát huy hơn nữa vai trò quản lý và điều tiết, nhất là khung lãi suất.

Đại biểu Đinh La Thăng (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, Chính phủ đã đưa ra những giải pháp tốt nhất để hoàn thành nhiệm vụ mục tiêu kinh tế xã hội trong những tháng cuối năm. Các nhóm giải pháp này đặc biệt cần sự triển khai đồng bộ, quyết liệt tham gia thực hiện của từng ngành, từng doanh nghiệp và mọi lĩnh vực cũng như của mọi người dân thì hoàn toàn có khả năng đạt được các mục tiêu đề ra.

Theo Thu Hằng
TTXVN/Vietnam+

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG