Tập trung thanh tra về XDCB, đất đai, ngân sách và tài sản công

Tập trung thanh tra về XDCB, đất đai, ngân sách và tài sản công
TP - Hội nghị cán bộ toàn quốc triển khai thực hiện NQ T.Ư 3 (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Bí thư tổ chức đã bế mạc sáng qua (10/10) sau một ngày rưỡi làm việc.
Tập trung thanh tra về XDCB, đất đai, ngân sách và tài sản công ảnh 1
Cần tăng cường đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Trong phiên làm việc sáng qua, hơn 600 đại biểu là cán bộ chủ chốt của Ban, Bộ, ngành và địa phương đã được nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng Trương Vĩnh Trọng giới thiệu những nội dung cơ bản trong chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Ban chỉ đạo đã đề ra 4 chương trình công tác năm 2007 gồm: Chỉ đạo xây dựng các văn bản để thực hiện NQ T.Ư 3 (khóa X) và Luật Phòng, chống tham nhũng; Chỉ đạo, đôn đốc việc nghiên cứu, phát hiện những sơ hở, thiếu sót để hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý đất đai, thu-chi ngân sách...; Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc xử lý các vụ việc và vụ án về tham nhũng; Kiện toàn các cơ quan, đơn vị phòng, chống tham nhũng.

Đồng thời, Chính phủ cũng đưa ra 2 chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành phải ban hành quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; quy định cụ thể về công khai, minh bạch trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; xây dựng, ban hành và công khai chế độ, định mức, tiêu chuẩn có liên quan.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh tập trung rà soát các VBQPPL và quy trình công tác của cơ quan, đơn vị; hệ thống hóa những quy định về thủ tục, giấy tờ và thời hạn giải quyết để loại bỏ sửa đổi, bổ sung cho phù hợp Luật Chống tham nhũng, tiến hành công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và tại công sở để làm căn cứ cho nhân dân giám sát; tập trung thực hiện cải cách hành chính trong một số lĩnh vực trọng điểm như quản lý nhà đất, xây dựng cơ bản, xét duyệt dự án, cấp ngân sách.v.v...

Các bộ, ngành, địa phương phải xây dựng quy định cụ thể về vấn đề phát huy vai trò của quần chúng nhân dân, phối hợp với MTTQ, cơ quan báo chí trong việc thực thi Luật Chống tham nhũng; có trách nhiệm giải quyết kịp thời và trả lời khi nhận được yêu cầu của MTTQ VN và các tổ chức thành viên, các cơ quan báo chí về các nội dung liên quan đến tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình.

Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, điều tra xử lý các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, tập trung thanh tra 4 lĩnh vực trọng tâm là đầu tư XDCB, quản lý sử dụng đất đai, quản lý thu chi ngân sách và quản lý tài sản công gắn với thanh tra việc thực thi chức trách công vụ; trong đó đặt trọng tâm thanh tra các công trình, dự án dư luận bức xúc, có dấu hiệu tiêu cực, các DN lớn thuộc các ngành xây dựng, nông nghiệp, thuỷ lợi...

Tình hình thực hiện Chương trình sẽ được báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ để tổng hợp, báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp cuối năm.

Tổ chức học tập, nghiên cứu, quán triệt Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Hoàn thiện hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Thực hiện công khai tạo điều kiện kiểm tra, giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Tổ chức thực hiện có hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng thông báo, từ nay đến cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng sẽ tập trung đôn đốc, chỉ đạo Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Bộ Công an và các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có liên quan tập trung xử lý các vụ án tham nhũng và vụ việc tố cáo về tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo như: Vụ tham nhũng tại BQL dự án PMU 18 (Bộ GTVT).

Vụ lợi dụng chức quyền, đưa và nhận hối lộ trong quá trình thanh tra các công trình xây dựng tại TCty Dầu khí Việt Nam.

Vụ Nguyễn Đức Chi lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở tỉnh Khánh Hòa; Vụ Nguyễn Lâm Thái lừa đảo một số đơn vị trong Tập đoàn Bưu chính-Viễn thông VN; Một số vụ việc vi phạm tại TCty Hàng không Việt Nam... 

MỚI - NÓNG