Tập trung vào bảy lĩnh vực nổi cộm

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu tại phiên họp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu tại phiên họp
TP - Hôm qua, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 13 để triển khai công việc 6 tháng cuối năm 2010. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, cần tập trung vào 7 lĩnh vực mà tình hình tiêu cực, tham nhũng còn phức tạp, nổi cộm.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu tại phiên họp
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu tại phiên họp.


Tham nhũng có giảm?

Chánh Văn phòng BCĐ T.Ư về phòng, chống tham nhũng (PCTN) Vũ Tiến Chiến cho biết, thời gian qua số lượng các vụ việc tham nhũng bị phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử giảm.

Ngoài việc các cơ quan tố tụng tập trung xử lý các vụ án tồn đọng; các hoạt động PCTN được đẩy mạnh, tạo tính răn đe cao, còn có nguyên nhân một số địa phương không chủ động phát hiện tham nhũng, trong một thời gian dài không xử lý được vụ việc nào.

Trong 6 tháng qua, các tỉnh Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Kạn, Sóc Trăng, Hà Giang, Hải Dương, Long An, Đồng Tháp, Cần Thơ… không phát hiện thấy tham nhũng.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Quốc Vượng cho rằng, việc phát hiện các vụ án tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế. Những địa phương không phát hiện ra tham nhũng cần phải xem lại. Thời gian qua, các vụ phát hiện đa phần là nhỏ, liên quan cán bộ cấp thấp, tài sản không nhiều.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình cho rằng, việc kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng còn "cưỡi ngựa xem hoa". Có thực tế là việc phát hiện tham nhũng rất khó khăn bởi đối tượng tham nhũng là người có chức vụ, hoạt động tinh vi, có khi được bao che.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Tham nhũng vẫn là vấn đề nổi cộm được nhân dân quan tâm. Các địa phương không phát hiện tham nhũng nhưng qua nắm tình hình mà cán bộ, nhân dân vẫn bức xúc thì Ban chỉ đạo T.Ư phải kiểm tra làm rõ.

Đẩy nhanh việc truy tố, xét xử

Ông Trần Quốc Vượng cho rằng, những vụ tham nhũng nổi cộm cần được đẩy nhanh quá trình xét xử, ví như mảng nhận hối lộ trong vụ án Huỳnh Ngọc Sỹ. Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đồng tình: "Nếu không đưa vụ án này ra xét xử sớm thì Đại hội Đảng bộ TPHCM sẽ khó vì dư luận nhiều".

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo: Trong thời gian tới phải tập trung điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án đã được nêu, vụ nào vướng phải tăng cường phối hợp xử lý, tránh tình trạng trả đi trả lại. Đối với vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, Thủ tướng yêu cầu điều tra đến đâu, rõ đến đâu thì xét xử đến đó. Việc đưa và nhận hối lộ là có lời khai từ bên ngoài nhưng chứng cứ như thế nào cần làm rõ.

Chậm xử lý người đứng đầu

Theo báo cáo của các bộ, ngành, 6 tháng qua không có trường hợp người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm do để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị mình quản lý. Tại các tỉnh, thành phố cũng chỉ xử lý trách nhiệm được 22 người đứng đầu.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng đây là một hạn chế. Phải làm rõ được trách nhiệm người đứng đầu thì mới phòng ngừa, ngăn chặn được tham nhũng. Nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan trong Ban chỉ đạo T.Ư chưa tốt.

Qua thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện sai phạm của cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thì cần gửi kết luận cho Ủy ban Kiểm tra T.Ư để xem xét trách nhiệm người đứng đầu kịp thời. Do vậy, thời gian tới phải nghiêm túc thực hiện quy định này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, phải phân tích rõ nguyên nhân xử lý chậm do đâu. Do người đứng đầu ở trên xử lý chậm hay do cơ chế. Thủ tướng cho rằng, cần tăng cường phối hợp giữa cơ quan Đảng và Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ để khi xử lý kỷ luật Đảng là xử lý về mặt chính quyền được ngay.

Cần cơ chế giám sát đặc thù đối với tập đoàn

Bà Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng cần xem xét lại cơ chế, nếu không sẽ có kẽ hở. Cụ thể là việc sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vừa qua kiểm tra tại một tập đoàn thì đã phát hiện nhiều vấn đề.

Cả một tập đoàn kinh tế lớn, sử dụng hàng chục nghìn tỷ đồng mà Ban Kiểm soát chỉ có 2- 3 người. Do vậy, phải có một cơ quan chuyên trách giúp Chính phủ trực tiếp theo dõi, giám sát hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn. Hiện nay đã làm nhưng chưa đủ độ và kịp thời. Nếu lãnh đạo doanh nghiệp cố ý làm sai thì phải xem xét, xử lý nghiêm.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tập trung phòng, chống tham nhũng trong 7 lĩnh vực như: giao đất, cho thuê đất, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính tại doanh nghiệp nhà nước; thuế, hải quan… Tinh thần là xử lý nghiêm, hành vi tiêu cực, tham nhũng nhưng phải làm chặt chẽ, đúng pháp luật.

Miễn giảm thuế sai đối tượng

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Hoàng Hồng Lạc cho biết, qua kiểm toán việc miễn, giảm, giãn hoãn thuế, đã phát hiện một số đối tượng được miễn giảm không đúng.

Theo quy định, Chính phủ chỉ miễn giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhưng Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện có cả các tập đoàn, tổng công ty 90, 91 cũng được miễn giảm. Cụ thể, Công ty cổ phần Tái bảo hiểm được miễn giảm 16 tỷ đồng, Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được miễn giảm 35 tỷ đồng, Tổng Cty Công nghiệp Xi măng được miễn giảm 21 tỷ đồng.

"Chúng tôi không biết có cố ý hay không nhưng như vậy là sai chính sách"- Ông Lạc nói. Ngoài ra, việc thu tiền sử dụng đất còn nhiều bất cập, dễ dẫn đến tham nhũng. Kiểm tra 13 dự án tại Hà Nội, đã phát hiện việc thu tiền sử dụng đất không đúng so với đơn giá thành phố phê duyệt lên tới gần 3.400 tỷ đồng. Có dự án giá đất 15- 17 triệu đồng/m2 nhưng khi tính tiền sử dụng đất thì giá bị "biến" còn hơn 3 triệu đồng/m2.

Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng chỉ đạo: "Phải rà lại các con số sai phạm cho chính xác. Nếu các vụ việc có tiêu cực, tham nhũng thì dứt khoát phải khởi tố để xử lý".  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.