Tắt sóng điện thoại 2G, phổ cập smartphone

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan gian hàng triển lãm tại Hội nghị tổng kết năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông
TP - Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông hôm qua (28/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý với đề xuất tắt sóng 2G, đánh dấu sự hết thời của điện thoại “cục gạch”, tiến tới việc phổ cập điện thoại smartphone trên cả nước.  

Hỗ trợ người dân chuyển sang smartphone

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022. Theo đại diện Cục Viễn thông, việc dừng sóng 2G sớm sẽ thúc đẩy tăng trưởng số lượng thiết bị di động đầu cuối thông minh, tiếp cận với nhiều dịch vụ mới như hành chính công, tạo điều kiện thúc đẩy Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, Chính phủ điện tử.

Ngoài ra, Việt Nam đang tồn tại ba công nghệ di động mặt đất là 2G, 3G, 4G. Dự kiến triển khai thương mại 5G vào 2020. Như vậy từ năm 2021, trên mạng viễn thông Việt Nam sẽ cói đồng thời bốn công nghệ di động. Việc cùng lúc 4 công nghệ này bắt buộc các doanh nghiệp phải duy trì vận hành, khai thác 4 mạng di động riêng biệt, gây tốn kém cho doanh nghiệp, tài nguyên tần số bị chia nhỏ và doanh nghiệp không tập trung nguồn lực để tham gia vào công nghệ di động mới.

Việc loại bỏ công nghệ 2G cho phép giải phóng băng tần cho các công nghệ di động mới, giúp doanh nghiệp tiết kiệm và giảm chi phí khai thác, dành hạ tầng thụ động để phát triển các trạm phát sóng 5G.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh, sẵn sàng cho công dân điện tử”.

Việc tắt sóng 2G dự kiến sẽ ảnh hưởng đến nhóm khách hàng dùng điện thoại “cục gạch” với mục đích chính là nghe gọi, nhắn tin như người già, người dân sống ở vùng nông thôn. Số liệu của Cục Viễn thông (BộThông tin và Truyền thông) cho thấy, gần 40% thuê bao ở Việt Nam vẫn dùng 2G.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết, việc tắt sóng 2G sẽ có lộ trình cụ thể, trong đó có việc dừng nhập khẩu thiết bị 2G, xây dựng các gói khuyến khích chuyển đổi và chương trình hỗ trợ chuyển đổi smartphone cho người dân.

Thương mại hóa 5G vào 2020

Bộ cho biết, đã cấp phép thử nghiệm 5G cho các doanh nghiệp viễn thông di động (Viettel, VNPT, MobiFone). Hiện Viettel đã chính thức thử nghiệm công nghệ này tại Hà Nội và TP HCM. VNPT, MobiFone đã triển khai đầu tư, lắp đặt hệ thống thiết bị 5G thử nghiệm trên thực địa và thử nghiệm trong năm 2019.Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trương cấp phép triển khai thương mại 5G, trước mắt là dịch vụ băng rộng tốc độ cao ở các khu vực đô thị, khu công nghiệp có nhu cầu, mật độ cao. Đưa VN trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong triển khai dịch vụ 5G.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ, thương mại hóa 5G bằng thiết bị Việt Nam là một thắng lợi bước đầu. Việt Nam cương quyết không chậm hơn so với thế giới, 5G vừa là nền tảng vừa là hạ tầng để phát triển các ứng dụng công nghệ mới.Thủ tướng cũng lưu ý, Việt Nam phải trở thành thủ đô về việc sản xuất smartphone. Điện thoại Việt Nam đã bán được ở Myanmar và nhiều nước khác.

Thủ tướng cho rằng phổ cập 4G, 5G, phổ cập điện thoại thông minh, dịch vụ công trực tuyến nên được chủ động triển khai sớm từ đầu năm. Chương trình viễn thông công ích cũng phải hướng tới hỗ trợ những nhiệm vụ trên.

MỚI - NÓNG