Tàu bị đâm chìm, lão ngư bơi 1km trong đêm đen vào bờ

Ông Phụng kể lại sự việc. Ảnh N.Thành.
Ông Phụng kể lại sự việc. Ảnh N.Thành.
TPO - Đang cắm trại tại bãi biển Tiên Sa, các sinh viên khoa Y dược – Đại học Đà Nẵng hoảng hồn khi thấy một người đàn ông ốm yếu, hốc hác lóp ngóp bơi từ biển vào.

Khi tàu QNa 09191 của ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) bị tàu sắt đâm chìm ngay cửa biển Đà Nẵng vào đêm qua, 4 ngư dân trong hoàn cảnh cùng đường, phải nhảy xuống biển. Trong đêm tối, giữa sóng biển mịt mùng, không nhìn thấy anh em, lão ngư Phan Thanh Phụng (58 tuổi) quyết định bơi vào bờ để kêu cứu.

Khoảng 22h ngày 8/4, nhóm sinh viên khoa Y dược – Đại học Đà Nẵng cắm trại tại bãi biển Tiên Sa, hoảng hồn khi phát hiện một người đàn ông ốm yếu, hốc hác lóp ngóp bơi từ biển vào. Người này không nói được gì, chỉ đứng run lập cập, tay liên tục chỉ chỉ ra phía biển. Mọi người xúm lại hỏi, nhưng ông không thể nói.

Lập tức nhóm sinh viên dìu người đàn ông này về bên bếp lửa, tìm áo ấm cho ông mặc.

“Vì quá lạnh nên ông ấy không thể nói mà chỉ đưa tay về phía biển, mặt hoảng loạn. Anh em đốt lửa, sưởi ấm rồi cho người chạy báo trạm biên phòng gần đó. Phải gần 10 phút sau khi được sưởi ấm, người này mới nói: "Tàu cá bị đâm chìm, đang còn 3 ngươi ở ngoài biển”", một người trong nhóm sinh viên kể lại.

Người đàn ông đó chính là ông Phan Thanh Phụng (58 tuổi, trú tại Tam Tiến, Núi Thành, Quảng Nam), thuyền viên trên tàu QNa 09191. Tàu của ông Phụng bị tàu vỏ sắt đâm chìm khi cách bờ khoảng gần 1 km vào tối 8/4 tại khu cực gần cảng Tiên Sa

Tàu bị đâm chìm, lão ngư bơi 1km trong đêm đen vào bờ ảnh 1

Ông Phụng cuộn chăn cùng các ngư dân trình báo sự việc tàu QNa 09191 bị đâm chìm với lực lượng Biên phòng. Ảnh: N.Thành

Ông Phụng ngay sau đó được đưa tới Trạm biên phòng cửa khẩu cảng Tiên Sa để chăm sóc. Khoảng 20 phút sau, 3 ngư dân còn lại trên tàu cá bị đâm chìm, cũng được tàu bạn và lực lượng biên phong đưa về nơi này.

Cả 4 ngư dân tàu QNa 09191 ôm nhau mừng tủi, bởi ông Phụng nghĩ rằng chỉ còn mình sống sót. Trong khi đó 3 ngư dân còn lại nghĩ rằng ông Phụng bỏ mạng nơi biển khơi.

Player Loading...

Ông Phụng kinh hoàng nhớ lại: "Tàu chìm rất nhanh. Lúc đó, mọi người đều hoảng loạn nên nhảy xuống biển chẳng kịp lấy phao cứu sinh. Khi tàu chìm, 4 người nhảy xuống 4 hướng, trong đêm tối gọi quanh chẳng thấy ai trả lời. Lúc đó, tôi nghĩ 3 người kia đã chìm theo tàu hoặc bị sóng cuốn đi nên quyết định bơi vào bờ để kêu cứu".

Vị trí trí tàu chìm theo các ngư dân cách cảng Tiên Sa khoảng gần 1km. "Tôi cứ nhằm hướng bờ mà bơi. Mất gần 1 tiếng đồng hồ, tôi mới vào tới bờ. Vừa lạnh vừa đuối sức, miệng cứng ngắc, muốn nói nhưng chẳng thể mở miệng. Phải mất một lúc sau khi sưởi ấm, tôi mới có thể mở miệng nói với mọi người rằng tàu cá chìm, còn 3 người đang ở ngoài đó” ông Phụng kể.

Ông Nguyễn Hữu Mười, chủ tàu cá QNa 09191 cho biết: Lúc tàu chìm ông và 2 ngư dân còn lại ôm nhau nổi trên mặt nước, nhìn quanh chẳng thấy ông Phụng đâu. Sau đó tàu QNa 091324 ứng cứu và vớt 3 người lên. "Anh em cho tàu chạy quanh tìm kiếm ông Phụng gần 1 tiếng nhưng chẳng thấy nên quyết định vào bờ. Vào đến nơi thấy ông Phụng còn sống anh em ai cũng mừng", ông Mười nói. 

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.