Tàu điện ngầm Hà Nội: Tưởng gần hóa xa

Tàu điện ngầm Hà Nội: Tưởng gần hóa xa
TP - Năm 2006, Hà Nội làm lễ khởi công xây dựng khu depot (trạm khởi đầu) của tuyến đường sắt đô thị thí điểm dài 12,5km, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội (trong đó có bốn kilômét đi ngầm). Thế nhưng, đến nay khu depot vẫn chỉ là bãi đất. Dự án chuyển động rất chậm chạp.
Tàu điện ngầm Hà Nội: Tưởng gần hóa xa ảnh 1
Có lẽ còn lâu người dân Thủ đô mới được đi tàu điện ngầm  như thế này.

Có tên trong danh sách dự án trọng điểm kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, lại được xem là giải pháp đột phá giải quyết căn bản những bức xúc về giao thông công cộng của Thủ đô, nên ngay từ đầu Dự án thí điểm tuyến đường sắt đô thị (tại xã Tây Tựu và Minh Khai, huyện Từ Liêm)nhận được nhiều sự quan tâm.

Thủ tướng Chính phủ cho phép một số cơ chế đặc thù áp dụng cho dự án, UBND TP Hà Nội ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp bàn và thành lập hẳn Ban dự án đường sắt đô thị.

Tuy nhiên, sau gần bốn năm khởi công xây dựng dự án chuyển động hết sức chậm chạp. Mãi đến tháng 4/2009, UBND TP Hà Nội mới có quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu kỹ thuật của dự án.

Theo đó, kế hoạch thực hiện dự án dự kiến từ năm 2009 đến năm 2015, với việc xây dựng toàn tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có chiều dài là 12,5km, được bố trí làn đường đi riêng.

Trong đó có 8,5 km đi trên cao và khoảng bốn kilômét đi ngầm (bốn ga ngầm và tám ga trên cao, có thang cuốn, thang máy) đi dọc các tuyến phố: Nhổn (Điểm đầu -  theo Quốc lộ 32) - Cầu Diễn - Mai Dịch - Nút giao với đường vành đai 3 - Cầu Giấy - Kim Mã - Giảng Võ - Cát Linh - Quốc Tử Giám - Ga Hà Nội (Điểm cuối - trên đường Trần Hưng Đạo).

Để đẩy nhanh dự án, mới đây Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ về tổng mức đầu tư cho dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội, dự kiến là 783 triệu euro (khoảng 18.408 tỷ đồng).

Trong đó, vay từ nguồn ODA của Chính phủ Pháp (250 triệu euro), Cơ quan Phát triển Pháp (110 triệu euro), Ngân hàng Phát triển châu Á (220 triệu euro), Ngân hàng châu Âu (130 triệu euro).

Phần vốn đầu tư còn lại do ngân sách Chính phủ và ngân sách TP Hà Nội chi trả.

Bộ Xây dựng cho rằng, tổng mức đầu tư của dự án do nhà tư vấn Systra (Pháp) lập là phù hợp, có sự bổ sung, thay đổi cho phù hợp với quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội trong tương lai và được UBND TP Hà Nội chấp thuận. Vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị Văn phòng Chính phủ xem xét, tổng hợp trình Thủ tướng phê duyệt, quyết định.

Đại diện Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho rằng, một trong những khó khăn là công tác giải phóng mặt bằng, việc di chuyển các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm và nổi.

Bằng chứng là, tháng Sáu vừa qua, lần thứ hai Ban dự án phải gửi công văn khẩn cho Tổng Cty Viễn thông Quân đội (Viettel) về việc phối hợp di chuyển các công trình ngầm, nổi trong phạm vi của tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội và dự án hạ ngầm cáp.

“Dự án hiện đã hoàn tất việc khảo sát, lập dự án và triển khai trong năm nay, tuy nhiên, khi biết Viettel được giao hạ ngầm cáp trên tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy trùng với khoảng hai kilômét đường xe điện đi ngầm từ nút giao vành đai 3 qua Cầu Giấy đến nút giao vành đai 2, Ban đã yêu cầu phối hợp để hai công trình ngầm này không giẫm lên nhau” - Một cán bộ cho biết.

Với những bước đi chậm chạp của dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội có lẽ người dân Thủ đô còn lâu mới bước lên được khoang tàu điện ngầm đầu tiên. 

Ý kiến của bạn về vấn đề này ?

MỚI - NÓNG