Vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam:

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm thẳng tàu Việt Nam

Tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước uy hiếp tàu Cảnh sát Biển Việt Nam (ảnh trên); Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào vách tàu Việt Nam (ảnh trái); Kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương do mảnh vỡ trên tàu văng ra (ảnh phải). Ảnh do cảnh sát Biển
Tàu hải cảnh Trung Quốc dùng vòi rồng phun nước uy hiếp tàu Cảnh sát Biển Việt Nam (ảnh trên); Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm vào vách tàu Việt Nam (ảnh trái); Kiểm ngư viên của Việt Nam bị thương do mảnh vỡ trên tàu văng ra (ảnh phải). Ảnh do cảnh sát Biển
TP - Trung Quốc có lúc huy động tới 80 tàu các loại, trong đó có 7 tàu quân sự, và cả máy bay đến hộ tống giàn khoan dầu lắp đặt trái phép trong vùng biển của Việt Nam. Nhiều tàu Trung Quốc chủ động đâm thẳng, dùng vòi rồng công suất lớn phun nước khiến một số tàu Việt Nam bị hỏng, 6 kiểm ngư viên bị thương.

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh- Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển Việt Nam, cho biết như vậy tại buổi họp báo quốc tế chiều 7/5 về việc Trung Quốc lắp đặt giàn khoan dầu trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và có nhiều hành động hung hăng.

Tàu Trung Quốc phô trương súng, pháo

Ông Thu cho biết, lực lượng Trung Quốc tham gia bảo vệ giàn khoan HD981 trong các ngày 2 và 3/5 khoảng 40 tàu các loại, nhưng đến giữa ngày 7/5, Trung Quốc có lúc huy động tới 80 tàu, trong đó có 7 tàu quân sự gồm tàu hộ vệ tên lửa 534 và tàu tuần tiễu tên lửa tấn công nhanh số hiệu 753, cùng 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và các tàu vận tải, tàu cá.

Ngoài ra, hằng ngày còn có hàng chục tốp máy bay hoạt động trên khu vực. Một nhóm tàu cá vũ trang và tàu quân sự của Trung Quốc đã vào cách đảo Lý Sơn 50-60 hải lý.

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm thẳng tàu Việt Nam ảnh 1

Một kiểm ngư viên Việt Nam bị thương

Khi các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ra kiểm tra, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD981, các tàu bảo vệ của Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay, có hành động hung hăng, chủ động đâm thẳng vào các tàu của Việt Nam, dùng vòi rồng làm hư hỏng tàu thuyền và các trang thiết bị, gây thương tích cho thủy thủ trên tàu của Việt Nam. Sáu kiểm ngư viên Việt Nam bị kính văng vào làm bị thương phần mềm. 

“Các tàu Trung Quốc được trang bị vũ khí đều mở bạt che súng, pháo để sẵn sàng sử dụng bất cứ lúc nào, gây nên tình trạng hết sức căng thẳng trên thực địa”, ông Thu nói. Ông cho biết, mặc dù những ngày qua tình hình thực địa rất căng thẳng, nhưng chưa có người nào thiệt mạng.

Việt Nam kiên trì đấu tranh hòa bình

Tại cuộc họp, ông Ngô Mai Thịnh, đại diện Cục Kiểm ngư - Bộ NN&PTNT, khẳng định, lực lượng kiểm ngư Việt Nam đã thực hiện đúng chức năng bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của quốc gia trên các vùng biển theo quy định của pháp luật.

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm thẳng tàu Việt Nam ảnh 2

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng phun, uy hiếp tàu Việt Nam. Nguồn: Cảnh sát Biển Việt Nam

Các kiểm ngư viên đã phối hợp lực lượng cảnh sát biển kiên quyết đấu tranh để giữ vững chủ quyền và kiềm chế không để xảy ra xung đột, giữ môi trường hòa bình, ổn định trên biển.

Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nói rằng, những ngày qua, phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên (trong đó có tiếp xúc giữa đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam và tùy viên quân sự Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Hải dương Trung Quốc - CNOOC).

Tàu Trung Quốc hung hăng đâm thẳng tàu Việt Nam ảnh 3

Họp báo quốc tế chiều 7/5 tại Hà Nội về việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan dầu trong vùng biển Việt Nam. Ảnh: Trúc Quỳnh

Riêng phía Bộ Ngoại giao Việt Nam đã có 8 cuộc giao thiệp nghiêm túc với phía Trung Quốc tại Hà Nội và Bắc Kinh. Chiều 6/5, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. 

“Trong những ngày qua, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì kiềm chế, nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn”.

Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Cảnh sát Biển Việt Nam

Trong các cuộc giao thiệp nói trên, phía Việt Nam đã khẳng định và nhấn mạnh: Khu vực giàn khoan HD 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc hoạt động hoàn toàn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam; hoạt động của giàn khoan và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc (LHQ) về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông năm 2002 và các thỏa thuận liên quan giữa lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc. 

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên và các tàu ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cũng như được hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, tôn trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình.

Việc phía Trung Quốc bất chấp giao thiệp của phía Việt Nam vẫn không rút giàn khoan cùng các tàu dịch vụ dầu khí và tàu bảo vệ ra khỏi vùng biển của Việt Nam rõ ràng là hành động cố tình, có chủ ý xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam...

Trong khi đó, các văn kiện kể trên đều nhấn mạnh việc các bên cần kiềm chế, không làm phức tạp thêm tranh chấp và tiến hành đàm phán, thương lượng để giải quyết bất đồng.

Việt Nam cho rằng, việc làm của Trung Quốc làm ảnh hưởng rất lớn đến sự tin cậy chính trị giữa hai nước, ảnh hưởng tiêu cực đến các diễn đàn đàm phán về các vấn đề trên biển giữa hai nước, trong đó có diễn đàn của Nhóm bàn bạc về hợp tác cùng phát triển trên biển, tác động xấu đến tâm tư, tình cảm của nhân dân hai nước.

“Việt Nam một lần nữa nghiêm túc yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi thềm lục địa của Việt Nam, bồi thường cho những thiệt hại gây ra cho người và phương tiện của Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự. Việt Nam kiên quyết bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình phù hợp với luật pháp quốc tế”, ông Hải tuyên bố.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia nói: “Chúng ta đã sử dụng các đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao hai nước, đã nêu với phía Trung Quốc rằng, Việt Nam sẵn sàng điện đàm ở cấp lãnh đạo cấp cao và đang chờ trả lời từ Trung Quốc. Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, Việt Nam đã thông báo cho các nước ASEAN và các nước có lợi ích liên quan. Các nước đều bày tỏ lo ngại trước hành vi của Trung Quốc”.

Vụ việc xảy ra ngay trước thềm Hội nghị cấp cao ASEAN sắp diễn ra tại Myanmar. Ông Trần Duy Hải khẳng định: “Chủ quyền là vấn đề thiêng liêng, nên chúng ta sẽ sử dụng tất cả các biện pháp theo Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 để giải quyết. Đây là vấn đề nhạy cảm, nguy hiểm, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải. Chắc chắn vấn đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới”.

Nói về việc liệu Việt Nam có kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế giống như Philippines hay không, ông Hải nói rằng, việc giải quyết bằng biện pháp hòa bình được quy định theo Hiến chương LHQ. “Như tôi nói nhiều lần, Việt Nam sẽ sử dụng tất cả các biện pháp hòa bình và ưu tiên đối thoại”, ông Hải nói.

Sức chịu đựng có giới hạn

“Trong những ngày qua, lực lượng kiểm ngư Việt Nam vẫn kiên trì kiềm chế, nhưng mọi sự chịu đựng đều có giới hạn”, ông Thu trả lời câu hỏi của phóng viên về việc liệu Việt Nam có nhẫn nhịn mãi hay không. Ông Thu khẳng định, lực lượng Hải quân Việt Nam chưa tham gia, chưa có mặt tại khu vực giàn khoan 981. 

Nhưng “việc di chuyển của giàn khoan chúng tôi đã theo dõi và nắm bắt được”, ông Thu nói.

Trả lời câu hỏi về việc Trung Quốc cáo buộc lực lượng vũ trang Việt Nam khống chế một số ngư dân Trung Quốc ở khu vực này, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định, các lực lượng thực thi pháp luật Việt Nam không hề khống chế bắt giữ ngư dân Trung Quốc ở thực địa.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc Trung Quốc đã thực sự khoan dầu chưa, ông Thu nói rằng, giàn khoan 981 đã được định vị và đang tiến hành tác nghiệp, chuẩn bị cho việc khoan dầu.

Ông Trần Duy Hải cho biết, Trung Quốc từng nhiều lần thăm dò ở lô 142 và 143 và từng thuê nhà thầu nước ngoài thăm dò trên vùng biển này của Việt Nam. Nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc tự đưa phương tiện và lực lượng của chính họ đến đây để khai thác.

Theo ông Đỗ Văn Hậu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, vùng biển Việt Nam mà Trung Quốc đang đặt giàn khoan trái phép sâu hơn 1.000m, nên phải dùng giàn nửa nổi nửa chìm. Việt Nam bắt đầu thăm dò ở đây từ thời Việt Nam Cộng hòa. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sau này tiếp tục khảo sát. 

Nhưng “tiềm năng dầu khí chưa được đánh giá kỹ vì chưa đủ tài liệu”, ông Hậu nói. Ông cho rằng, hoạt động khai thác trái phép của Trung Quốc sẽ rất khó khăn vì việc khoan dầu đòi hỏi phải xây dựng nhiều công trình cố định để hỗ trợ.

MỚI - NÓNG