Taxi công nghệ phải gắn mào, Grab phải có trách nhiệm đóng thuế

TPO - Ngày 5/6, trả lời chất vấn của ĐBQH, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong Nghị định 86 sửa đổi đã đề xuất xe taxi công nghệ gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua biết được là xe taxi và xe taxi hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ.

3 năm  Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng

Đề cập đến đề án thí điểm triển khai taxi công nghệ, ĐB Trần Thị Hằng (Bắc Ninh) cho rằng, kéo quá dài từ 1/7/2016 đến nay, gây nhiều bất cập trong quản lý nhà nước từ thu thuế, ký hợp đồng lao động, tạo môi trường lao động không bình đẳng. Bà Hằng đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lại chậm và khi nào nghị định sửa đổi mới được ban hành.

Taxi công nghệ phải gắn mào, Grab phải có trách nhiệm đóng thuế ảnh 1 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh Như Ý

Cùng chung mối quan tâm, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phản ánh, hiện nay trên toàn quốc có gần 500 đơn vị vận tải với hàng chục nghìn phương tiện tham gia thí điểm taxi công nghệ. Tuy nhiên, trong 3 năm, công ty công nghệ Grab chỉ nộp thuế xấp xỉ 10 tỷ đồng, trong khi các doanh nghiệp taxi truyền thống nộp thuế cả nghìn tỷ đồng. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để quản lý và không để tình trạng chui số lượng để trốn thuế, cũng như sự cạnh tranh lành mạnh”?

Trả lời về 2 nội dung trên, ông Thể cho biết, từ kết quả sơ kết 2 năm thí điểm, bộ đã đã nghiên cứu và sửa đổi. Qua đó nhận được rất nhiều những ý kiến khác nhau.

“Rất mừng cách đây 1 tuần chúng tôi báo cáo với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Hiện chỉ còn một ý kiến giữa Bộ Giao thông và Bộ Thông tin Truyền thông, còn các hiệp hội cơ quan gần như đồng thuận cao. Chúng tôi hy vọng Nghị định 86 (sửa đổi) sớm được ban hành và khi ban hành chúng ta sẽ hủy Quyết định 24 và lúc đó taxi công nghệ và taxi truyền thống có cạnh trạnh như nhau, taxi truyền thống cũng được lắp các thiết bị công nghệ để phục vụ hành khách”, ông Thể nói.

Về số lượng phương tiện tham gia, như Uber,  Grab, ông Thể cho biết, hiện có khoảng 48.000 phương tiện. Bộ đã chỉ đạo các địa phương liên quan kết nối số liệu với Bộ Giao thông, Bộ Công an để nắm toàn bộ xe nào tham gia dịch vụ vận tải công nghệ để quản lý, tránh thu thuế.

“Chúng tôi mong các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ vì có thông tin Uber, Grab lỗ. Vì thế, Bộ Tài chính và cơ quan nhà nước có trách nhiệm đảm bảo một sân chơi công bằng cho tất cả doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, đặc biệt là taxi công nghệ và taxi truyền thống”, ông Thể nhấn mạnh.

Grap phải đăng ký như taxi truyền thống

Chưa hài lòng với phần trả lời, ĐB Đào Thanh Hải (Hà Nội) phản ánh, do không phải đeo mào nên  Grab có thể đi vào tất cả tuyến phố cấm trong giờ cao điểm. Còn taxi truyền thống có mào nên lực lượng chức năng nhận biết và quản lý được.

Ngoài ra, xe Grab do cá nhân tự mua và đăng ký nhưng hiện tại không ai quản lý, các hợp tác xã xe thì cho rằng đây là của hãng công nghệ. Từ đó, ông Hải tôi đề nghị Bộ trưởng cho phương hướng trong thời gian tới cụ thể, rõ ràng hơn.

Về ý kiến trên, ông Thể cho biết, trong Nghị định 86 sửa đổi đã đề xuất xe taxi công nghệ gắn mào để các cơ quan chức năng khi nhìn lướt qua biết được là xe taxi và xe taxi hợp đồng điện tử hoặc taxi công nghệ.

“Trong Nghị định số 86 sửa đổi xe hợp đồng điện tử, xe taxi công nghệ, xe taxi truyền thống hồ sơ thủ tục như nhau nên tất cả xe như Grab hoạt động ở Việt Nam phải đăng ký, đăng kiểm, chịu trách nhiệm trước lái xe, hành khách và các thủ tục như taxi truyền thống”, ông Thể nói. Tuy nhiên, ông Thể cũng nhắn nhủ, khi người dân tham gia vào dịch vụ taxi công nghệ cũng phải tính theo hiệu quả kinh tế xã hội.

MỚI - NÓNG